Hiệp định lịch sử trên có tên gọi chính thức là "Hiệp định về đa dạng sinh học biển của các khu vực nằm ngoài quyền tài phán quốc gia" (BBNJ).
Đúng như tên gọi, Hiệp định về đa dạng sinh học biển của các khu vực nằm ngoài quyền tài phán quốc gia sẽ là cơ sở pháp lý để buộc các nước phải có trách nhiệm bảo vệ những vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia.
Các quốc gia phải cam kết không hủy hoại môi trường, đánh bắt cá bền vững và sử dụng có trách nhiệm các vùng biển trên.
Theo trang UN News của Liên Hiệp Quốc, hiệp định mới bao gồm 76 điều khoản. Trong đó, bao gồm một số điều tiến bộ, dựa trên nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền cũng như các cơ chế giải quyết tranh chấp.
Hiệp định sẽ thiết lập khuôn khổ cho các khu bảo tồn biển ngoài vùng tài phán quốc gia. Hiệp định yêu cầu các nước ký kết báo cáo đánh giá tác động môi trường từ các hoạt động trên biển.
Hiệp định sẽ tạo ra một Hội nghị các bên (COP) để giám sát và thực thi việc tuân thủ các điều khoản. Trong đó sẽ bao gồm một ban cố vấn khoa học.
Hiệp định về đa dạng sinh học biển của các khu vực nằm ngoài quyền tài phán quốc gia cũng sẽ tạo ra một cơ chế chuyển giao công nghệ biển cho các nước đang phát triển. Mục đích nhằm đảm bảo chia sẻ công bằng lợi ích và tài nguyên từ biển khơi.
"Đại dương là huyết mạch của hành tinh chúng ta. Và hôm nay, các vị đã thổi thêm sức sống mới, mang đến cho đại dương cơ hội chiến đấu", Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres bày tỏ sau khi hiệp định được Hội nghị liên chính phủ của Liên Hiệp Quốc về BBNJ thông qua.
Theo quy định, hiệp định sẽ chỉ có hiệu lực 120 ngày sau khi được ít nhất 60 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc phê chuẩn. Nhiều đại diện các nước đã bày tỏ ý định sẽ sớm phê chuẩn hiệp định lịch sử này trong ngày 19-6.
Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, đồng thời là trưởng đoàn đàm phán, đánh giá cao việc thông qua BBNJ.
Theo ông Giang, hiệp định này sẽ củng cố hơn nữa Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), đồng thời tăng cường chủ nghĩa đa phương.
Đây sẽ là một dấu mốc mới trong sự phát triển của luật pháp quốc tế và góp phần thực hiện Thập kỷ Liên Hiệp Quốc về khoa học biển phục vụ phát triển bền vững cùng nhiều mục tiêu phát triển bền vững khác.
Hiệp định về đa dạng sinh học biển của các khu vực nằm ngoài quyền tài phán quốc gia là hiệp định thứ 3 thực thi UNCLOS, sau văn kiện về đàn cá di cư và văn kiện nhằm thực thi Phần XI của công ước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận