Tấm hộ chiếu được tìm thấy tại hiện trường vụ tấn công Paris - Ảnh: Spiegel |
Theo AFP, sau vụ tấn công khủng bố ở Paris, hàng loạt quốc gia châu Âu cùng Mỹ và Canada đang phải đối mặt với lời kêu gọi đóng cửa biên giới với người tị nạn Syria từ các chính trị gia bảo thủ. Mới đây ít nhất 19 bang tại Mỹ tuyên bố sẽ không tiếp đón người tị nạn Syria.
“Việc các nước thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ công dân trước mối đe dọa khủng bố là dễ hiểu” - người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric tuyên bố.
“Nhưng tập trung vào người tị nạn, những người dễ bị tổn thương, phải bỏ nhà cửa để trốn tránh bạo lực, không phải là cách đúng đắn. Đó là những người muốn tránh thảm cảnh do Nhà nước Hồi giáo (IS) gây ra giống như ở Paris” - ông Dujarric nhấn mạnh.
Trước đó Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon từng nhiều lần khẳng định đóng cửa biên giới không phải là câu trả lời đối với cuộc khủng hoảng tị nạn châu Âu. Nhưng sau vụ tấn công Paris, Đảng Mặt trận dân tộc cực hữu của chính trị gia Pháp Marine Le Pen yêu cầu chính phủ dừng tiếp nhận người tị nạn.
Ở Đức, phong trào cực hữu PEGIDA cũng chỉ trích dữ dội chính sách nhập cư của chính quyền Thủ tướng Angela Merkel. Trước đó, nhà chức trách Pháp cho biết hộ chiếu mà cảnh sát phát hiện tại hiện trường vụ tắm máu Paris, bên cạnh xác của một tên khủng bố, là của Ahmad Almohammad, 27 tuổi.
Điều tra cho thấy kẻ này đến Hi Lạp từ Syria trên một chiếc thuyền chở 198 người tị nạn, rồi tới Serbia, Croatia và Áo. Tuy nhiên một số nguồn tin cho biết đây là hộ chiếu giả được làm tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên các chuyên gia quốc tế cho rằng việc lo sợ người tị nạn trở thành khủng bố là quá đáng.
Bởi IS không cần phải đưa khủng bố vào dòng người tị nạn đến châu Âu. Tại Pháp, Bỉ, Đức… đã có sẵn hàng trăm công dân cực đoan, có hộ chiếu châu Âu nên có thể di chuyển dễ dàng đi bất cứ đâu trong khu vực. Thực tế là ít nhất ba kẻ tấn công tại Paris là công dân nước này, từng đến Syria rồi trở về Pháp.
Theo tạp chí Đức Der Spiegel, thậm chí một số chuyên gia cho rằng IS cố tình dùng tấm hộ chiếu đó để đánh lạc hướng nhà chức trách châu Âu. Rất có thể Ahmad Almohammad không phải là người tị nạn từ Syria mà là một công dân châu Âu.
Thủ đoạn này sẽ khiến sự lo ngại ở phương Tây đối với người tị nạn gia tăng, gây chia rẽ xã hội châu Âu. Các chuyên gia nhấn mạnh IS luôn cho rằng người tị nạn là những kẻ phản bội, do đó đây cũng là đòn để cản trở họ có cơ hội tìm cuộc sống mới ở châu Âu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận