05/03/2022 09:16 GMT+7

Liên Hiệp Quốc họp khẩn sau khi Nga kiểm soát nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Các đại diện Nga đối mặt với sự chỉ trích tại cuộc họp của hai cơ quan Liên Hiệp Quốc ở New York (Mỹ) và Geneva (Thụy Sĩ) ngày 4-3, sau khi Nga kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia lớn nhất của Ukraine.

Liên Hiệp Quốc họp khẩn sau khi Nga kiểm soát nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu - Ảnh 1.

Đại sứ Mỹ Linda Thomas-Greenfield trong phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an ở New York ngày 4-3 - Ảnh: REUTERS

Trong cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an ngày 4-3, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Linda Thomas-Greenfield mô tả cuộc tấn công của Nga vào nhà máy Zaporizhzhia là hành động "liều lĩnh", đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với toàn bộ châu Âu và thế giới.

"Nhờ ơn Chúa, thế giới đã ngăn chặn được một thảm họa hạt nhân trong gang tấc", đại diện Mỹ nhắc đến trận hỏa hoạn tại nhà máy.

Ukraine và phương Tây cáo buộc Nga là thủ phạm trong khi Matxcơva quy trách nhiệm cho một nhóm phá hoại Ukraine. Một cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an đã được triệu tập sau sự việc.

Theo bà Thomas-Greenfield, nguy cơ thảm họa hạt nhân vẫn chưa chấm dứt khi Nga đang tiến gần đến nhà máy điện hạt nhân lớn thứ hai của Ukraine. Nhà ngoại giao Mỹ cũng cho biết quân đội Nga chỉ còn cách địa điểm này hơn 30km.

Theo Energoatom, cơ quan giám sát các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine, cơ sở hạt nhân lớn thứ hai của Ukraine tính theo công suất phát điện là nhà máy điện hạt nhân Yuzhnoukrainsk ở tỉnh Mykolaiv.

Các binh sĩ được cho là đã tiến vào thành phố thủ phủ của Mykolaiv vào chiều 4-3, cùng ngày xảy ra cuộc giao tranh và sau đó Nga đã kiểm soát nhà máy Zaporizhzhia.

"Các cơ sở hạt nhân không thể trở thành một phần của cuộc xung đột này", bà Thomas-Greenfield kêu gọi và thúc giục nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin chấm dứt chiến sự tại Ukraine.

"Tổng thống Putin phải ngăn chặn thảm họa nhân đạo này bằng cách chấm dứt cuộc chiến này và chấm dứt các cuộc tấn công nhằm vào người dân Ukraine", đại sứ Mỹ hối thúc.

"Cộng đồng quốc tế phải nhất trí trong việc yêu cầu các lực lượng của Nga dừng cuộc tấn công nguy hiểm của họ. Và như tôi đã nói trước đây, người dân Ukraine đang trông cậy vào chúng ta và chúng ta không được để họ thất vọng", bà Thomas-Greenfield kêu gọi trong cuộc họp khẩn Hội đồng Bảo an.

Trong phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia phủ nhận binh sĩ Nga cố tình nã pháo vào nhà máy Zaporizhzhia và nhấn mạnh cơ sở hạt nhân này vẫn an toàn. Ông gọi những cáo buộc của phương Tây là sai sự thật và nằm trong chiến dịch phát tán tin sai lệch chưa từng có nhắm vào Nga.

Trên thực tế, khoảng 4 tiếng sau khi xảy ra sự cố, nhiều hãng truyền thông phương Tây, trong đó có CNN, dẫn nguồn tin từ chính quyền Ukraine và cơ quan quản lý nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia (NPP) cho biết đám cháy ở nhà máy điện hạt nhân đã được dập tắt và lượng phóng xạ ở khu vực xung quanh vẫn ở mức bình thường. Phía Ukraine cũng xác nhận đã không xảy ra thương vong nào về người trong sự việc.

Liên Hiệp Quốc họp khẩn sau khi Nga kiểm soát nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu - Ảnh 3.

Đại sứ Ukraine tại trụ sở LHQ ở Geneva, bà Yevheniia Filipenko (áo trắng), phát biểu cùng đại sứ các nước ủng hộ Ukraine sau phiên họp đặc biệt của Hội đồng nhân quyền LHQ về Ukraine ngày 4-3 - Ảnh: REUTERS

Nghị quyết "lịch sử" ở Geneva

Ngày 4-3, Hội đồng nhân quyền LHQ (UNHRC) đặt tại Geneva (Thụy Sĩ) đã thông qua nghị quyết mở đường cho một cuộc điều tra các vi phạm nhân quyền trong xung đột ở Ukraine. Reuters gọi đây là cuộc bỏ phiếu "lịch sử" cho thấy Nga ngày càng bị phản đối tại các diễn đàn quốc tế vì hành động quân sự tại Ukraine.

32 trong số 47 thành viên UNHRC đã bỏ phiếu đồng ý mở cuộc điều tra ở cấp cao nhất có thể. Chỉ có Nga và Eritrea bỏ phiếu chống, trong khi 13 quốc gia bỏ phiếu trắng bao gồm cả Trung Quốc, Venezuela và Cuba.

Theo AFP, phiên bỏ phiếu sẽ mở đường cho việc thành lập một ủy ban quốc tế độc lập có nhiệm vụ điều tra tất cả các cáo buộc vi phạm và lạm dụng nhân quyền trong xung đột ở Ukraine.

"Cuộc bỏ phiếu là một sự lên án mạnh mẽ đối với hành động của Nga", Đại sứ Mỹ Sheba Crocker nói.

"Các thành viên của cộng đồng quốc tế đứng về phía Ukraine và rõ ràng là Nga đứng một mình", bà Crocker nói. Đại sứ Anh Simon Manley thì ca ngợi "sự đoàn kết chưa từng có của cộng đồng quốc tế".

Đại sứ Nga Gennady Gatilov chia sẻ ông không nghĩ Nga bị cô lập và kết quả bỏ phiếu không nói được hết thái độ của các nước. Một số quốc gia, theo ông Gatilov, đã bị Mỹ và phương Tây gây sức ép.

Lo ngại thảm họa hạt nhân ở Ukraine Lo ngại thảm họa hạt nhân ở Ukraine

TTO - Trận hỏa hoạn ở khu vực Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine trở thành tâm điểm chú ý của thế giới trong ngày 4-3, trong lúc giao tranh giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp