Các chiến binh người Shiite bắn tên lửa về phía IS ở Baija, bắc Baghdad (Iraq) - Ảnh: Reuters |
Nghe đọc báo tin bài này |
Theo AFP, nghị quyết do Pháp soạn thảo đã giành được sự đồng lòng ủng hộ của các thành viên Hội đồng Bảo an hôm 20-11 (giờ Mỹ).
Nghị quyết kêu gọi các nước thành viên Liên Hiệp Quốc “tăng gấp đôi nỗ lực và phối hợp ngăn chặn, chấm dứt các cuộc tấn công khủng bố” do IS và các nhóm cực đoan khác liên quan đến al-Qaeda thực hiện.
Nghị quyết này là một sự công nhận quốc tế mạnh mẽ đối với mối đe dọa từ IS |
MATTHEW RYCROFT (đại sứ Anh) |
Lời hiệu triệu
Miêu tả IS là một “mối đe dọa toàn cầu và chưa từng có đối với hòa bình và an ninh quốc tế”, nghị quyết cũng kêu gọi một sự trừng phạt và thúc giục các nước tăng cường nỗ lực chặn đứng dòng chiến binh nước ngoài đến tham chiến cùng IS tại Syria và Iraq.
Tổng thống Pháp François Hollande đã hoan nghênh việc thông qua nghị quyết, nói rằng điều này sẽ giúp huy động các nước xóa bỏ IS, nhóm nhận trách nhiệm trong vụ tấn công ở Paris.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nói các nước giờ đây nên tìm các giải pháp chắc chắn để tiến hành cuộc chiến chống IS, dù là hành động quân sự, tìm các giải pháp chính trị hay đánh vào đường cung cấp tài chính cho khủng bố.
Tuy nhiên, theo AFP, nghị quyết không đưa ra bất cứ cơ sở pháp lý nào cho hành động quân sự và cũng không sử dụng điều 7 Hiến chương Liên Hiệp Quốc cho phép sử dụng vũ lực. Trong khi đó, các nhà ngoại giao Pháp giữ quan điểm ủng hộ về mặt chính trị đối với chiến dịch chống IS.
Đại sứ Anh tại Liên Hiệp Quốc Matthew Rycroft miêu tả nghị quyết này như một lời hiệu triệu đối với các nước thành viên tham gia nỗ lực quốc tế tiêu diệt IS.
Giới quan sát cho rằng nghị quyết này cũng sẽ giúp ích cho nỗ lực của Thủ tướng Anh David Cameron trong việc khởi động chiến dịch không kích IS.
Trong khi đó, đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vitaly Churkin nhấn mạnh nghị quyết chỉ là một lời kêu gọi chính trị và không thay đổi căn cứ pháp lý cho các nước chống khủng bố.
EU siết chặt các cửa khẩu
Tại châu Âu, các bộ trưởng đã nhất trí cải tổ nhanh chóng khu vực đi lại tự do Schengen để siết chặt kiểm soát biên giới của khối.
Tại Brussels, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve cho biết ông và những người đồng cấp châu Âu đã nhất trí trong cuộc họp rằng cần phải siết chặt kiểm tra cửa khẩu vào khu vực Schengen ngay lập tức.
Ông khẳng định cuối năm nay Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đưa ra các kế hoạch áp dụng “các biện pháp kiểm tra bắt buộc tại biên giới đối với tất cả những người qua lại”, bao gồm cả công dân EU.
Trước đây, chỉ có công dân không thuộc khối EU mới bị kiểm tra dữ liệu liên quan đến khủng bố và tội phạm khi vào khu vực Schengen.
Trong khi đó, hôm qua Hi Lạp cảnh báo rằng không thể nào phát hiện được các phần tử quá khích nguy hiểm trong dòng người nhập cư nếu không có thông tin tình báo.
Chỉ huy cảnh sát phụ trách trại đăng ký di cư chính của Hi Lạp trên đảo Lesbos là Dimitris Amountzias cho rằng: “Nếu họ không được đăng ký trong dữ liệu, gần như là không thể phát hiện được”.
Tại trại này, hàng chục người di cư xếp hàng để đợi lấy dấu vân tay, chụp ảnh và được phỏng vấn. Đây có vẻ như là một quá trình kiểm tra kỹ lưỡng nhưng giới quan sát cho rằng những chiến binh thánh chiến đã chứng minh được họ lọt qua được các vòng kiểm tra một cách dễ dàng.
NATO hối thúc trao đổi thông tin tình báo Tăng cường trao đổi thông tin tình báo giữa các nước sẽ giúp nâng cao hiệu quả chống IS. Tuyên bố trên được chủ tịch Ủy ban Quân lực của NATO, tướng Petr Pavel đưa ra ngày 20-11 bên lề Diễn đàn an ninh quốc tế Halifax lần thứ 7 diễn ra ở Canada. Theo Reuters, tướng Pavel cho rằng hợp tác song phương chống IS là chưa đủ, do vậy NATO và các tổ chức quốc tế khác sẽ xem xét cách thức nâng cao nỗ lực toàn cầu trong cuộc chiến chống IS. Theo ông, bước đầu tiên là phải có cơ chế chia sẻ thông tin tình báo tốt hơn vì “đó là lĩnh vực chúng ta có thể làm được tốt nhất ngay từ đầu mà không làm thay đổi các quy tắc”. Tướng Pavel cho biết thêm rằng hiện nhiều nước vẫn chưa tham gia cơ chế chia sẻ thông tin tình báo dù hiểu rõ bản chất nguy hiểm của mối đe dọa khủng bố hiện nay. Trước đó, Mỹ và Pháp đã nhất trí mở rộng phạm vi chia sẻ thông tin tình báo sau khi xảy ra loạt vụ tấn công đẫm máu ở thủ đô Paris đêm 13-11. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận