Phóng to |
Các bé vừa ngậm kẹo vừa chăm chú nghe những câu chuyện của ông bà - Ảnh: Minh Trang |
Cách đây tròn một năm, lần đầu tiên Bảo tàng Chứng tích chiến tranh có một sự kiện “kỳ lạ”: các cựu binh một thời nay đã bước lên chức ông bà cùng các cháu nội, ngoại dắt tay nhau vào bảo tàng để kể lại, để nghe những ký ức thật 100% từ cuộc chiến khốc liệt.
Câu chuyện giáo dục hòa bình cho trẻ thơ vừa sinh động vừa nhân văn của bảo tàng đã được bạn bè các nước quan tâm. Vậy nên trong đoàn theo chân ông bà cháu năm nay, ngoài “cải tiến mới”: không chỉ những ông bà cháu ruột mà cả những cháu không còn ông, bà hoặc ông bà không có cháu ở đây cũng có thể cùng nhau tham gia, còn có sự đồng hành của những hội viên Hội VN - Okinawa (Nhật Bản) đang có chuyến công tác dịp này.
Không rành tiếng Việt, chỉ nghe câu được câu chăng từ người phiên dịch nhưng các hội viên vẫn chăm chú theo sát “lộ trình” đi của đoàn, như chia sẻ của ngài chủ tịch hội Kamata: “Ngôn ngữ đối với chúng tôi không chỉ là lời nói, nó nằm trong ánh mắt kinh ngạc, đôi lúc sợ sệt của những bạn nhỏ khi chứng kiến tội ác khủng khiếp của chiến tranh. Và dĩ nhiên ánh mắt ấy cũng nói lên tất cả những khao khát về hòa bình mà đứa trẻ nào sinh ra cũng mong muốn được thụ hưởng”.
Bức ảnh sáng bừng với nụ cười rạng rỡ của một nạn nhân chất độc da cam tuy cụt hai tay và trí não trì trệ, nhưng với đôi chân kỳ diệu anh đã kiên trì đeo đuổi con đường học vấn để đến giữa năm 2011 cùng lúc trúng tuyển ba trường ĐH khiến không ít bạn nhỏ tròn mắt ngưỡng mộ. Có bé tay vừa ngậm kẹo mút, vừa cầm theo bịch sữa lon ton đi theo bà Tạ Thị Dược (thanh niên xung phong tại Hà Nội sau năm 1972) để nghe kể chuyện núp dưới hầm tránh bom với sự chăm chú đặc biệt cùng “đòi hỏi” rất đáng yêu: “Con cũng muốn mũ rơm!”! Riêng hai cậu cháu sinh đôi của ông Mai Thanh Sơn thích thú nói: “Tụi con biết thêm rất nhiều và tự hào vì ông bà lắm!”.
Từng chút một, nhẹ nhàng và tự nhiên như không, những câu chuyện bếp núc có sự tham gia của những người thân kề cận trong cuộc chiến đã giúp các em phần nào cảm nhận lịch sử theo một cách riêng...
Năm nay chương trình được chọn tổ chức dịp cuối tuần (30-6) nhân Ngày gia đình VN (28-6), như một cách thắt chặt tình cảm gia đình thông qua những câu chuyện lịch sử. Nhưng có lẽ chẳng cần đợi một lý do để có những hành trình hữu ích như thế mới là điều tâm huyết mà những người làm công tác bảo tàng mong muốn đạt được...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận