Mẫu vật di chỉ đồ đá cũ An Khê được trưng bày trong bảo tàng - Ảnh: B.D
Lịch sử của mỗi dân tộc được bắt đầu từ lúc dấu tích lâu đời nhất mà con người ở quốc gia đó xuất hiện. Ở Việt Nam chúng ta thì cho tới hiện tại, dấu tích cổ xưa nhất của người Việt nằm tại An Khê, tỉnh Gia Lai với 0,8 triệu năm về trước. Đây sẽ là một bước ngoặt, một mốc sử khởi đầu đối người Việt chúng ta.
PGS.TS Nguyễn Khắc Sử - Viện Khảo cổ học VN
Những phát hiện đáng kinh ngạc
Theo TS Nguyễn Gia Đối - quyền viện trưởng Viện Khảo cổ học VN thì di chỉ đồ đá cũ An Khê (thị xã An Khê, Gia Lai) được phát hiện từ năm 2014 với sự hợp tác của đoàn chuyên gia Việt - Nga.
Đến nay đã có 30 di tích khảo cổ học tiền sử, trong đó 21 địa điểm thời đại đá cũ đã được ghi nhận tại khu vực An Khê.
TS Nguyễn Gia Đối phát biểu tại Hội thảo sáng 30-3 - Ảnh: B.D
Kết quả khai quật 4 địa điểm gồm Gò Đá, Rộc Tưng 1, Rộc Tưng 4, Rộc Tưng 7 cho thấy đây là những di tích thuộc một kỹ nghệ đồng nhất, có địa tầng nguyên vẹn chứa các di tồn văn hoá của người nguyên thuỷ.
Các sưu tập di vật khá phong phú, mang đặc trưng loại hình kỹ thuật sơ kỳ đồ đá cũ như chopper, chooping-tool, mũi nhọn lớn, công cụ ghè một mặt, nạo lõm.
Đặc biệt sự xuất hiện của công cụ rìu tay/ghè hai mặt trong kỹ nghệ này là một trong số ít trường hợp quý hiếm ở khu vực Đông Nam Á và Đông Á. Đa số các nhà khoa học, học giả quốc tế đá thừa nhận tính chất sơ kỳ đá cũ của kỹ nghệ này.
TS Nguyễn Gia Đối - quyền viện trưởng Viện Khảo cổ học VN
Công cụ lao động của người cổ tại An Khê có niên đại gần 1 triệu năm - Ảnh: B.D
Cũng theo quyền viện trưởng Viện Khảo cổ học, quá trình khai quật ở địa tầng di vật có niên đại 800.000 năm các nhà khoa học còn thu được các mảnh tektitle (thiên thạch) - tương đồng với kỹ nghệ di chỉ Bách Sắc (Trung Quốc) - một di chỉ đồ đá cũ rất nổi tiếng trong ngành khảo cổ học.
Cùng quan điểm trên, TS Anatony Derevianko - viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học Nga cũng cho rằng những phát hiện dấu tích con người ở An Khê là đáng kinh ngạc.
Kỹ nghệ đồ đá cũ ở An Khê có niên đại cho tới nay là sớm nhất về dấu tích người cổ xưa trên toàn lãnh thổ của VN. Điểm đặc biệt là các mẫu vật xuất hiện một cách dày đặc, nằm trên một địa tầng.
Thậm chí các nhà khoa học còn phát hiện cả một công xưởng chế tác đồ đá, chứng tỏ rằng An Khê từng là nơi có rất đông cộng đồng người giai đoạn đứng thẳng cư trú.
Mô phòng 5 bước tiến hoá của loài người. Dấu tích người cổ tìm thấy tại di chỉ An Khê nằm ở giai đoạn "người đứng thẳng" (thứ ba từ trái qua) - Ảnh: B.D
Có nhiều điểm chung giữa kỹ nghệ đá cũ Bách Sắc với An Khê. Nguyên nhân của sự giống nhau này có thể do môi trường tự nhiên tương tự giữa hai khu vực, khi môi trường tương đồng thì cộng đồng dân cư sinh sống ở đó tạo nên các nền văn hoá tương tự, tạo nên sự thích nghi mang tính thực dụng.
Học giả Lin Qiang và Xie Guangmao (Trung Quốc)
"Người Việt không hề kém văn minh hơn người Âu, Phi"
Theo TS Derevianko, một nhận định lớn được nhà khảo cổ học người Mỹ Movius đưa ra và 70 năm nay vẫn gây tranh cãi là người cổ ở châu Á kém văn minh châu Phi, châu Âu.
Tuy nhiên, cùng với những gì đã tìm thấy ở An Khê thì có thể bước đầu nhận định người châu Á trong xa xưa không hề kém văn minh hơn người cổ từ châu Âu, châu Phi.
Các nhà khoa học làm việc tại một hố khai quật - Ảnh: B.D
TS Nguyễn Khắc Sử khi nêu quan điểm trước hội thảo ở An Khê cũng khẳng định rằng những bằng chứng giới khảo cổ học có được từ vùng đất An Khê đã phản biện một cách chắc chắn "thuyết Movius".
PGS.TS Nguyễn Khắc Sử khẳng định: Suốt 70 năm nay quan điểm cho rằng người châu Âu, châu Phi văn minh hơn người châu Á đã gây rất nhiều tranh cãi. Điều đó cũng có nghĩa rằng người châu Á, người Việt chúng ta không có đóng góp gì lớn cho văn minh xa xưa của nhân loại.
Với niên đại, kỹ nghệ ở đá cũ An Khê thì có thể khẳng định chắc chắn rằng quan điểm đó đã sai lầm, người Việt xa xưa cũng đã rất văn minh, chúng ta đã hình thành một nền kỹ nghệ từ sớm hơn những gì cho tới nay được ghi nhận tại châu Âu, châu Phi.
Tuyến đường dẫn vào di chỉ đồ đá cũ An Khê tại xã Xuân An, thị xã An Khê, Gia Lai - Ảnh: B.D
Cũng theo TS Nguyễn Khắc Sử, ngoài An Khê thì tới nay di chỉ khảo cổ học sơ kỳ đồ đã cũ ở VN cũng tìm thấy tại Núi Đọ và một địa điểm khác.
Tuy nhiên niên đại các mẫu vật ở Núi Đọ khi đo được thì chỉ bằng ½ so với tuổi thọ của di chỉ tìm thấy tại An Khê, kỹ nghệ các công cụ ở Núi Đọ cũng thua xa.
Một trong hai nhà trưng bày di chỉ đồ đá cũ trên cánh đồng mía xã Xuân An, An Khê, Gia Lai - Ảnh: B.D
"So với di chỉ Bách Sắc ở Quảng Tây (Trung Quốc) thì cơ bản kỹ nghệ An Khê là giống. Kỹ nghệ ở Bách Sắc có tuổi tương đồng, nguyên liệu, kỹ thuật đều khá giống An Khê, chỉ khác nhau một chút về hình dáng mà thôi." TS Sử nói thêm.
Khi so sánh kỹ nghệ tại di chỉ nổi tiếng Bách Sắc với kỹ nghệ di chỉ An Khê mới được tìm thấy, ngay cả các học giả Trung Quốc cũng đồng ý rằng có sự tương đồng.
"Sẽ đưa vào Quốc sử"
TS Nguyễn Gia Đối cho biết với những chứng cứ khoa học rất đáng tin cậy thì có thể nhận định An Khê là quê hương xuất hiện người nguyên thuỷ sớm nhất tại Việt Nam.
Phát hiện phức hợp di tích đá cũ An Khê cũng mở ra những nhận thức mới về lịch sử, cội nguồn, văn hoá con người Việt Nam cũng như khu vực. Thông tin này "gần như chắc chắn sẽ được đưa vào bộ Quốc sử".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận