27/07/2022 09:24 GMT+7

Lịch sử: Dạy tư duy chứ không phải thuộc lòng

MINH GIẢNG thực hiện
MINH GIẢNG thực hiện

TTO - Nhiều ý kiến cho rằng lịch sử là môn học quan trọng nhưng cách dạy học sử hiện nay dường như hướng học sinh đến việc học thuộc chứ chưa dạy cách tư duy.

Lịch sử: Dạy tư duy chứ không phải thuộc lòng - Ảnh 1.

Học sinh Trường THPT Trần Khai Nguyên, quận 5 (TP.HCM) trong một tiết học lịch sử - Ảnh: ANH KHÔI

Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thụy Phương - giảng viên ĐH Paris (Pháp) - cho rằng bất cứ nền giáo dục quốc gia nào cũng đều coi trọng môn học lịch sử. Đây là một trong những môn học (cùng với triết học) phải dạy cho học sinh óc phân tích, tư duy biện chứng và tinh thần phản biện.

Hai trường phái dạy sử

* Theo chị, có phải vì học thuộc lòng và chương trình nặng nề mà nhiều học sinh Việt Nam không thích môn lịch sử?

- Tôi không ngạc nhiên về việc này, vì tôi đã từng học sử và không nhớ gì nhiều về sử sau khi thi trả bài. Nhưng sự thật này không đến nỗi quá "bi kịch", vì dù không hứng thú với sử thời phổ thông thì nó cũng không ngăn cản được việc sau này tôi đã học sử trở lại, một cách nghiêm túc và bài bản, ở bậc tiến sĩ và sau tiến sĩ. Không chỉ có học sinh Việt không thích học sử mà học sinh Colombia hay Pháp, Nam Phi cũng vậy.

Trên thế giới hiện có hai "trường phái" dạy sử. Một là chương trình tập trung vào lịch sử quốc gia, thậm chí mang tư duy quốc gia chủ nghĩa, nhằm chuyển tải các sự kiện và các giá trị quốc gia, dân tộc. Hai là chương trình ưu tiên đến việc tiếp nhận và nắm vững phương pháp, kỹ năng nhằm giúp phát triển sự tự chủ, tự học ở học sinh. 

Tuy nhiên, đa số các quốc gia đang cố gắng dung hòa hai mô hình này, và Việt Nam với môn lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang đi theo trong xu thế này.

* Vừa qua ở Việt Nam diễn ra cuộc tranh luận nảy lửa khi chương trình giáo dục phổ thông mới đưa môn lịch sử thành môn học tự chọn. Chị đánh giá thế nào về vấn đề này?

- Việc xảy ra tranh luận là tín hiệu tích cực, nó thể hiện tinh thần dân chủ. Và tranh luận nảy lửa về việc dạy sử không phải chỉ riêng Việt Nam mới có. Pháp, Morocco, Canada, Nam Phi, Colombia... đã từng diễn ra những trận tranh luận trên truyền thông, trong giới trí thức, giới nghiên cứu... 

Ở đây, tôi muốn đưa vấn đề đi xa hơn chút và "quốc tế hóa" câu chuyện dạy sử. Môn sử ở bậc phổ thông tại hầu hết các quốc gia trên thế giới đều phải tuân thủ ba tiêu chí. Một: phải đào tạo nên tinh thần và trách nhiệm của người công dân tương lai. Hai: phải chuyển tải và bảo vệ các giá trị của cộng đồng quốc gia. Ba: đủ khả năng phản biện để tái lập sự thật khoa học, lọc cái đúng từ những cái nhầm/sai, đối trọng với những biến dạng lịch sử phát sinh ra từ hồi ức.

Đa diện, đa chiều

* Theo chị, đâu là giá trị quan trọng nhất của môn lịch sử?

- Với bộ môn lịch sử, giá trị cao cả nhất của nó là giúp học sinh hiểu đa chiều về quá khứ và định vị được lịch sử của đất nước mình trong từng thời đại tương quan với thế giới và quốc tế. Và một điểm nữa rất quan trọng: môn lịch sử là một trong những môn học (cùng với triết học) phải dạy cho học sinh óc phân tích, tư duy biện chứng và tinh thần phản biện. 

Như vậy, một cách lý tưởng, bộ môn này vừa truyền tải một khối lượng kiến thức về quá khứ vừa dạy về phương pháp học và khoa học luận.

* Theo chị, để môn lịch sử có giá trị đúng nghĩa, tạo ham mê cho học sinh thì cần có những giải pháp gì?

- Bất cứ nền giáo dục quốc gia nào cũng đều coi trọng môn học này, vậy thì những nhà chức trách soạn nội dung chương trình môn sử và các giáo viên dạy môn sử phải cùng đồng hành với nhau. 

Trước hết, nội dung môn sử phải thể hiện điểm nhìn đa diện, đa chiều về quá khứ, phải biết soi xét lại một vài giai đoạn hay nhân vật lịch sử, biết công nhận những sai lầm của tiền nhân... Các nhà soạn sách giáo khoa cũng phải cập nhật những kết quả nghiên cứu khoa học sử của những sử gia để điều chỉnh nội dung.

Giáo viên phải đổi mới và sáng tạo phương pháp dạy học: chương trình khung và sách giáo khoa chỉ là cái "giá đỡ", nó cần nhưng không đủ để truyền tải kiến thức. Phải sử dụng những công cụ mới, ngôn ngữ mới, nhân lực mới (như sử gia và nhân chứng). Và trên tất cả là nên hiểu và sử dụng ngôn ngữ của chính học sinh để truyền đạt và đối thoại.

* Chị là nhà giáo dục học thích nghiên cứu về lịch sử. Đó là đam mê hay chỉ nhằm phục vụ cho công việc?

- Tôi nghiên cứu về lịch sử giáo dục nên giáo dục và lịch sử gắn liền với nhau. Giai đoạn tôi nghiên cứu là thuộc địa và hậu thuộc địa, tức là thời quá khứ. Trong cuộc đời đi làm của mình, tôi luôn lựa chọn làm những việc mình yêu thích và say sưa nên nhiều việc mình làm để kiếm sống cũng là những đam mê của mình.

Dù là làm bốn việc cùng lúc: nghiên cứu, đi dạy, tư vấn và khai vấn nhưng các việc này vẫn xoay quanh giáo dục, nhà trường, con người (người đi học, người đi dạy và người đi làm).

TS NGUYỄN THỤY PHƯƠNG:

Không nên dạy sử mà hãy truyền đạt kiến thức sử

Chúng ta không nên dạy sử mà hãy truyền đạt kiến thức sử. Hãy để học sinh cùng "thám hiểm" quá khứ với giáo viên.

Hãy để học sinh chủ động tìm hiểu các đề tài - chủ điểm; làm thuyết trình cá nhân hay theo nhóm; đi tham quan bảo tàng, di tích, trung tâm lưu trữ; gặp và phỏng vấn các nhân chứng lịch sử; trò chuyện và đối thoại với các sử gia; chỉ dẫn và cung cấp nguồn kiến thức cho các em.

Quốc hội yêu cầu môn lịch sử có cả phần bắt buộc và lựa chọn Quốc hội yêu cầu môn lịch sử có cả phần bắt buộc và lựa chọn

TTO - Quốc hội yêu cầu thiết kế môn lịch sử trong chương trình giáo dục cấp THPT bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống.

MINH GIẢNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp