An ninh tăng cường với hàng rào và xe cảnh sát bên ngoài tòa nhà Quốc hội ngày 7-1-2021 - Ảnh: REUTERS
Với 5 người chết, tình trạng hỗn loạn ngày 6-1 đã trở thành vụ bạo lực chết nhiều người nhất từng xảy ra ở khu vực thành trì của nền dân chủ Mỹ trong lịch sử 200 năm qua.
Ông David Meyer, giáo sư xã hội học tại ĐH California, cho rằng biến động tuần này cũng nổi bật một khía cạnh khác đáng chú ý.
"Điện Capitol là một nam châm thu hút các cuộc biểu tình, và đôi khi chúng rất bạo lực. Điều thực sự bất thường vào lần này là một tổng thống Mỹ lại khuyến khích mọi người dùng bạo lực để chống lại các đối thủ chính trị của ông ấy" - giáo sư Meyer nói.
Hãng tin Reuters ngày 7-1 cho biết trong gần 200 năm qua, Điện Capitol đã chứng kiến một số hành động bạo lực như các vụ nổ súng, đánh bom, tấn công bằng dao, đánh người bằng gậy, và thậm chí là một vụ cố gắng tự sát.
Năm 1814: Đội quân xâm lược của Anh đốt cháy tòa nhà Quốc hội Mỹ khi nơi này vẫn đang được xây dựng, châm lửa thiêu rụi đồ đạc trong Hạ viện và căn phòng ban đầu là Tòa án Tối cao.
Năm 1835: Vụ ám sát hụt tổng thống Andrew Jackson được cho là nỗ lực đầu tiên nhằm giết chết một tổng thống Mỹ đang tại vị.
Một người thợ sơn đã cố gắng bắn ông Jackson khi ông rời một tang lễ ở Hạ viện. Sau đó, ông Jackson tức giận đã dùng gậy đi bộ để đánh người này. Dù vậy, nghi can ám sát hụt tổng thống Jackson đã không bị buộc tội vì người này được cho là điên và bị nhốt vào viện tâm thần.
Năm 1856: Ông Charles Sumner, thượng nghị sĩ theo chủ nghĩa bãi nô, đã bị người đồng nghiệp Preston Brooks dùng gậy đánh trên sàn Thượng viện sau khi có bài phát biểu chỉ trích chế độ nô lệ.
Những người ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump biểu tình bên ngoài tòa nhà Quốc hội Mỹ ngày 6-1-2021 - Ảnh: REUTERS
Năm 1915: Một cựu giáo sư tiếng Đức của ĐH Harvard đã cài thuốc nổ ở phòng tiếp tân của Thượng viện. Không có ai ở hiện trường khi vụ nổ xảy ra. Giáo sư này, tức giận vì Mỹ hỗ trợ Anh chống lại Đức trong suốt Thế chiến I, đã chạy trốn đến New York, bắn bị thương một nhân viên của Ngân hàng JP Morgan. Ông bị bắt và tự tử khi ngồi tù.
Năm 1954: Một nhóm 4 người vũ trang theo chủ nghĩa dân tộc Puerto Rico đã nổ súng tại Hạ viện làm 5 thành viên Quốc hội bị thương. Nhóm này sau đó đã bị bắt và thụ án tù nhiều năm.
Năm 1971: Một quả bom của nhóm phản đối chiến tranh Weather Underground đã phát nổ trong một buồng vệ sinh ở Thượng viện thuộc Điện Capitol, gây thiệt hại lớn nhưng không có thương vong.
Năm 1983: Một nhóm cánh tả phản đối Mỹ can thiệp quân sự vào Lebanon và Grenada đã cài một quả bom bên dưới một băng ghế bên ngoài Thượng viện. Quả bom phát nổ làm hỏng cửa văn phòng của ông Robert Byrd - cố thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ. Không ai bị thương trong vụ nổ.
Năm 1998: Một người đàn ông vũ trang đã xông vào chốt kiểm tra an ninh của Điện Capitol, nổ súng khiến 2 sĩ quan cảnh sát thiệt mạng và một du khách bị thương.
Năm 2001: Chuyến bay mang số hiệu 93 của United Airlines bị không tặc tấn công. Những hành khách dũng cảm xông vào buồng lái để chế ngự những kẻ tấn công liều chết. Chiếc máy bay đã rơi xuống một cánh đồng tại bang Pennsylvania. Một cuộc điều tra sau đó của Mỹ cho thấy mục tiêu ban đầu của không tặc là tòa nhà Quốc hội.
Năm 2013: Một người phụ nữ lái xe vượt qua một trạm kiểm soát an ninh của Nhà Trắng. Nhân viên an ninh đã truy đuổi bà này đến Điện Capitol và bắn chết bà. Đứa con nhỏ trong xe của người phụ nữ này không sao.
Năm 2021: Hàng trăm người ủng hộ ông Trump đã xông vào Điện Capitol và chiếm đóng tòa nhà trong vài giờ, lục soát các văn phòng, buộc các nhà lập pháp phải hoãn các cuộc họp xác nhận kết quả phiếu bầu đại cử tri. Một phụ nữ bị cảnh sát bắn chết, và 3 người khác chết vì các vết thương trong vụ bạo loạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận