24/08/2011 07:33 GMT+7

Libya: cuộc chia phần bắt đầu

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TT - Khi chiến sự tại Tripoli còn chưa kết thúc, tung tích nhà lãnh đạo Gaddafi vẫn còn là một ẩn số thì các nước phương Tây đã vội tìm cách tiếp cận các giếng dầu chất lượng cao của Libya.

egKsdu1o.jpgPhóng to

Con trai Gaddafi là Saif al-Islam xuất hiện ở Tripoli ngày 23-8 - Ảnh: Reuters

Trước khi cuộc nổi dậy nổ ra hồi tháng 2-2011, Libya sản xuất 1,8 triệu thùng dầu thô/ngày và xuất khẩu 1,5 triệu thùng/ngày. Con số này chỉ chiếm chưa đầy 2% tổng cung dầu thô toàn cầu, nhưng rất ít quốc gia trên thế giới có được loại dầu ngọt, nhẹ chất lượng cao như của Libya. Khi chiến tranh xảy ra, các công ty dầu khí nước ngoài buộc phải rút nhân sự ra khỏi Libya.

Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), sản lượng dầu của Libya tụt giảm còn chưa đầy 60.000 thùng/ngày, chỉ đủ đáp ứng 20% nhu cầu năng lượng nội địa của nước này.

Trong những ngày qua, lực lượng nổi dậy chỉ có thể xuất một lượng nhỏ dầu thô còn tồn kho ra thị trường quốc tế qua đường Qatar. Tuy nhiên, nếu dòng xuất khẩu dầu từ Libya được nối lại, giá dầu thô tại Mỹ và châu Âu sẽ sụt giảm, kéo giá xăng tụt theo. Cũng giống như thời kỳ sau chiến tranh ở Iraq, các nước phương Tây, đặc biệt là các thành viên NATO đã tham gia cuộc không kích Libya, đều nhanh chóng lên tiếng và bày tỏ ý muốn các công ty của nước mình sớm tiếp cận các giếng dầu ở Libya.

Cuộc đua tìm “vàng đen”

Con trai Gaddafi thề quyết chiến

Theo Hãng tin Ả Rập Al Jazeera, ngày 23-8 Saif al-Islam, con trai ông Gaddafi, lại xuất hiện trên đường phố Tripoli dù trước đó có tin ông ta đã bị lực lượng nổi dậy bắt giữ. Saif tuyên bố quân đội của ông Gaddafi đã ”bẻ gãy sống lưng lực lượng nổi dậy”. Al Jazeera cho biết giao tranh vẫn đang diễn ra ở Tripoli và cả hai phe đều tuyên bố đang kiểm soát thủ đô.

Báo New York Times cho biết ngày 22-8 khi Tripoli rơi vào tay quân nổi dậy, Ngoại trưởng Ý Franco Frattini đã tuyên bố Công ty dầu khí Ý Eni “sẽ đóng vai trò số 1” tại Libya trong tương lai. Thậm chí ông còn khẳng định các kỹ thuật viên của Eni đã lên đường đến miền đông Libya để nối lại hoạt động sản xuất dầu thô.

Cũng trong ngày 22-8, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã mời Chủ tịch Hội đồng chuyển tiếp quốc gia Libya (NTC) Mustafa Abdel-Jalil đến Pháp để hội đàm. Báo Wall Street Journal đưa tin Hãng BP (Anh) cũng vừa tuyên bố sẽ sớm trở lại Libya để tiếp tục hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí.

Eni, BP cùng Total (Pháp), Repsol YPF (Tây Ban Nha) và OMV (Áo) đều là những nhà sản xuất dầu lớn ở Libya trước khi chiến sự nổ ra. BP đang thực hiện chương trình trị giá 900 triệu USD trước khi mọi hoạt động bị ngưng trệ.

Trong khi đó, Hãng Royal Dutch Shell (Hà Lan) cũng cho biết “đang theo dõi chặt chẽ tình hình Libya”. Các tập đoàn Mỹ như Hess, ConocoPhillips và Marathon cũng từng ký hợp đồng khai thác dầu với chính quyền Gaddafi và đang nóng ruột quay trở lại. Trong những năm gần đây, dầu thô từ Libya đáp ứng 20% nhu cầu dầu của Ý, hơn 15% nhu cầu của Pháp, Thụy Sĩ, Ireland và Áo.

Nhà lãnh đạo Gaddafi bị xem là một đối tác khó chịu đối với các công ty dầu khí quốc tế, bởi ông thường xuyên tăng thuế phí và hay đưa ra nhiều yêu sách khắt khe khác. Giới quan sát nhận định một chính quyền mới có quan hệ gần gũi với NATO sẽ giúp quan hệ hợp tác dầu khí giữa Libya và phương Tây trở nên suôn sẻ hơn. Một số chuyên gia dầu khí cho rằng khi có được sự tự do, không bị ông Gaddafi cản trở, các công ty dầu phương Tây có thể tìm thấy nhiều dầu hơn ở Libya.

Do đó trong thời gian tới, các công ty dầu quốc tế, đặc biệt là Total và Eni với Chính phủ Pháp và Ý đứng sau, sẽ cạnh tranh dữ dội để ký được những hợp đồng khai thác tốt nhất. “Khi các cường quốc phương Tây nhìn vào Libya và khu vực, họ thường nói đến nhân quyền và dân chủ - nhà hoạt động Greg Muttitt thuộc Tổ chức War on Want nhận định - Nhưng họ chỉ nghĩ đến dầu khí mà thôi”.

Dòng dầu sẽ sớm chảy

Cái được của các nước phương Tây sẽ lại là cái mất của Nga, Trung Quốc và Brazil, ba nước không ủng hộ cuộc trừng phạt chế độ Gaddafi. “Chúng tôi không có vấn đề gì với các nước phương Tây như Ý, Pháp hay Anh - Reuters dẫn lời người phát ngôn Công ty dầu Agoco của lực lượng nổi dậy - Nhưng chúng tôi có vấn đề với Nga, Trung Quốc và Brazil”.

Trước cuộc chiến, Trung Quốc có 75 công ty hoạt động ở Libya, các hãng dầu của Nga như Gazprom Neft và Tatneft có các dự án trị giá hàng tỉ USD, còn các công ty của Brazil như Petrobras và Odebrecht cũng làm ăn tại đây.

Một số chuyên gia dự báo Libya sẽ phải mất một năm để sửa chữa các cơ sở khai thác dầu khí và khôi phục được sản lượng xuất khẩu 1,5 triệu thùng/ngày như thời điểm trước tháng 3-2011. Thế nhưng, theo báo Wall Street Journal, nhiều người lại cho rằng việc xuất khẩu dầu sẽ tái khởi động chỉ trong vài tháng tới.

Dầu là nguồn lợi kinh tế chủ yếu của Libya, do đó chính phủ mới sẽ phải ưu tiên hoạt động khai thác dầu khí, bao gồm việc đảm bảo an ninh các giếng dầu, hệ thống đường ống, nhà máy lọc dầu và cảng biển, và thiết lập quan hệ với các công ty dầu quốc tế. Giới chuyên gia ước tính khi đó giá dầu Brent biển Bắc có thể giảm xuống 85 USD/thùng so với mức 108 USD/thùng hiện tại.

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp