Nông dân Ukraine chuẩn bị phân bón cho cánh đồng lúa mì ở ngoại ô Kharkov - Ảnh: REUTERS
"An ninh lương thực toàn cầu đã bị phá hoại vài năm qua bởi các biện pháp kinh tế vi mô thiếu khôn ngoan của phương Tây nói chung, được thúc đẩy bởi ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19. Nói cách khác, vấn đề đã xuất hiện từ trước khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine", Hãng tin Tass dẫn lời đại sứ Nga Anatoly Antonov cho biết ngày 19-5.
Theo ông Antonov, cuộc khủng hoảng trầm trọng thêm thời gian gần đây bởi các biện pháp trừng phạt "đơn phương và phi pháp" nhắm vào Nga đã phá vỡ chuỗi cung ứng, và làm gián đoạn dòng chảy tài chính toàn cầu.
Trước đó, ngày 18-5, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng lương thực do chiến sự ở Ukraine có thể kéo dài nhiều năm nếu không có biện pháp đối phó.
Phát biểu tại cuộc họp của Liên Hiệp Quốc về an ninh lương thực toàn cầu, ông Guterres nói rằng các vấn đề thiếu hụt ngũ cốc, phân bón do chiến tranh cộng với tình trạng ấm lên toàn cầu, các vấn đề về cung ứng do đại dịch COVID-19 có thể "đẩy hàng chục triệu người đến bờ bất ổn lương thực".
Hậu quả là cuộc khủng hoảng thiếu dinh dưỡng, đói kém hàng loạt và nạn đói có thể kéo dài nhiều năm, ông Guterres cảnh báo.
Tổng thư ký Guterres nói Liên Hiệp Quốc đang thảo luận với các bên như Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu để tìm giải pháp.
Xung đột Nga - Ukraine và các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào Matxcơva gây gián đoạn nguồn cung phân bón, lúa mì và các mặt hàng khác từ hai quốc gia này thời gian qua, góp phần đẩy giá lương thực, nhiên liệu trên toàn cầu leo thang.
Nga và Ukraine sản xuất đến 30% lúa mì toàn cầu. Nga là nhà cung cấp phân bón và khí đốt hàng đầu thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận