Phim dự thi khá đa dạng về đề tài và ban giám khảo năm nay hẳn sẽ rất khó cân đo đong đếm... Ảnh: tư liệu |
Thị trường điện ảnh Việt mấy năm gần đây có những chuyển biến rất tích cực. Doanh thu phòng vé phim Việt cũng luôn thể hiện những con số choáng váng. Rạp chiếu liên tục khai trương không chỉ ở hai TP lớn là Hà Nội và TP.HCM mà còn đến với hàng chục tỉnh thành khác.
Song song với nền tảng đó, sự trưởng thành của đội ngũ làm phim trẻ đã có thể góp thêm tiếng nói mới mẻ bên cạnh các đàn anh trước đây cũng như thế hệ các nhà làm phim Việt kiều về nước lập nghiệp đã là những yếu tố khiến thị trường điện ảnh Việt sôi động và đáng chú ý hơn bao giờ...
Cũng chính bởi sự đa dạng ấy, LHP cấp quốc gia lần này được chờ đợi không chỉ như cuộc “tổng kết ngành ầm ĩ” mà nhiều lần trước đây từng bị chê...
Phim Em là bà nội của anh chiếu suất sớm tại LHP Việt Nam. |
Hội hè và hội thảo
Đã là LHP, không thể không có hội hè. Bởi lẽ đây là dịp tụ hội của các nghệ sĩ, các nhà làm phim cả nước và của khán giả khi họ được chiêu đãi miễn phí mấy chục phim Việt trong suốt thời gian trước và trong LHP.
Nhìn vào danh mục các chương trình sẽ diễn ra trong suốt thời gian LHP, có thể thấy yếu tố lễ lạt được giản tiện tối đa, trừ hai lễ không thể không có là lễ khai mạc và bế mạc.
Phần lớn hoạt động tập trung cho việc các đoàn phim có phim tham dự sẽ giao lưu với khán giả tại buổi chiếu. Thế nên với khán giả yêu phim Việt, năm ngày này sẽ là năm ngày họ được nhìn tận mắt, bắt tận tay các nhà làm phim, các diễn viên mà họ hâm mộ cả trong phim điện ảnh, phim truyện video, phim tài liệu khoa học và phim hoạt hình.
Nghĩa là sẽ có gần 100 buổi giao lưu tương ứng với các suất chiếu phim. Đây đúng là một hoạt động dành riêng cho khán giả, đối tượng là lý do để điện ảnh tồn tại, đối tượng làm nên thị trường điện ảnh Việt sôi động như hiện tại.
Điều băn khoăn là LHP vẫn giữ lệ chiếu miễn phí. Khi đưa thông tin chiếu phim lên mạng, nhiều khán giả đã bày tỏ ý kiến rằng việc lấy vé miễn phí thường nhiêu khê, nhiều người đến lấy nhưng lại không xem (nên không hiếm các buổi chiếu miễn phí vé báo hết từ sớm nhưng khi chiếu phim thì rạp lại dư chỗ ngồi!).
Họ cũng đưa ra ý tưởng vừa bán vé vừa tặng vé, ai muốn có vé sớm thì phải mua để giữ chỗ, ai không muốn mua vé thì sát giờ chiếu nếu còn chỗ sẽ được vào xem.
Chỉ năm ngày, LHP Việt Nam 19 khá chơi sang khi thiết kế hẳn hai cuộc hội thảo lớn mà nghe tên thì thấy khá gần gũi với đời sống điện ảnh hiện tại. Nếu như Xây dựng thương hiệu vị thế của phim Việt là một hội thảo mang tính nội địa, ta nói với mình cách làm sao cho phim Việt có tên có vị thế (có giải, có bán được ra ngoài) thì Chính sách hỗ trợ và biện pháp ưu đãi nhằm phát triển nền công nghiệp điện ảnh trong xu hướng toàn cầu hóa lại là một hội thảo quốc tế.
Cả hai cuộc hội thảo đều sẽ là cơ hội để các nhà làm phim bày tỏ quan điểm của mình, đồng thời đặt câu hỏi với đại diện quản lý nhà nước về điện ảnh, về văn hóa để ít nhiều tìm kiếm tiếng nói chung trên đường đưa điện ảnh Việt đạt được như khẩu hiệu của LHP năm nay: dân tộc - nhân văn - sáng tạo và hội nhập.
Nước mắt và nụ cười từ các bộ phim dự LHP VN sẽ thu hút khán giả? - Ảnh: tư liệu |
Ban giám khảo: trẻ hóa với 2 người rất mới
Chính sách hỗ trợ và biện pháp ưu đãi nhằm phát triển nền công nghiệp điện ảnh trong xu hướng toàn cầu hóa là một hội thảo tổ chức với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Đan Mạch tại VN. BTC đã mời các chuyên gia tên tuổi từ các nền điện ảnh phát triển như Anh, Mỹ, Đan Mạch, Hàn Quốc, Canada, Philippines… đến LHP để họ trao đổi kinh nghiệm về chính sách hỗ trợ, ưu đãi của nước họ, của quốc tế đối với điện ảnh và gợi mở cho Việt Nam những biện pháp hiệu quả mà họ đã thực hiện. Riêng về chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với sản xuất phim thì tôi khẳng định là các hãng phim nhà nước (hiện nay đã và đang cổ phần hóa gần xong) hay tư nhân đều có thể được đặt hàng sản xuất phim, với điều kiện dự án làm phim phù hợp tiêu chí đặt hàng và cơ sở sản xuất đủ năng lực. Trường hợp Công ty cổ phần phim Thiên Ngân sản xuất và phát hành rất hiệu quả phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" là một ví dụ rõ ràng về hãng phim tư nhân đủ năng lực thực hiện phim đặt hàng của Nhà nước. (Cục trưởng cục Điện ảnh, tiến sĩ Ngô Phương Lan) |
Phải thừa nhận một thực tế, năm nào chuyện ban giám khảo cũng là đề tài nóng bỏng đến mức năm nay các giám khảo cứ im như thóc trong bồ. Kể ra cũng khó cho họ vì phim Việt khá đa dạng đến mức đúng với tiêu chí này thì lại lệch chuẩn với tiêu chí kia.
Thế nên đặt các tiêu chuẩn ngang nhau thì đừng ngạc nhiên có khi phim đại thắng doanh thu trăm tỉ cũng có thể chỉ có điểm bằng phim “chiếu cả tuần không bán được chục vé”.
Năm nay, có một số gương mặt trẻ hoặc lạ đến ngạc nhiên có mặt trong ban giám khảo như diễn viên Vân Trang (25 tuổi).
Trẻ hóa ban giám khảo nhằm chờ đợi cái nhìn mới mẻ, cởi mở vốn rất cần cho điện ảnh có vẻ luôn là câu hỏi khó với ban tổ chức các kỳ LHP. Bởi lẽ thành viên ban giám khảo ngoài việc phải đáp ứng về chuyên môn cũng phải đáp ứng được điều kiện không có phim dự thi. Mà có người làm phim có chuyên môn nào lại không đang làm phim?
Nhìn sang ban giám khảo hạng mục phim tài liệu, gương mặt Đoàn Hồng Lê - người chuyên làm phim tài liệu theo trường phái Varan - nghĩa là chị không thuộc bất kỳ hãng phim nhà nước nào lại bất ngờ được mời vào ban giám khảo.
Yếu tố chuyên môn của Đoàn Hồng Lê là thuyết phục khi chị không chỉ một lần đoạt giải phim tài liệu ở phạm vi quốc tế (phim Đất đai thuộc về ai, Những lời cuối cùng của cha tôi...), tuổi trẻ của Lê cũng là điểm cộng mới mẻ cho lĩnh vực tưởng khô khan “già nua” như phim tài liệu khoa học này.
Năm nào dư âm còn lại sau LHP cũng là chuyện giải thưởng. Chín người thì mười ý nữa là hàng trăm nhà làm phim và hàng chục triệu khán giả. Giải thưởng LHP xét cho cùng cũng chỉ là giải thưởng của ban giám khảo được lựa chọn năm đó, khó mà bắt nó gánh trên mình ý chí nguyện vọng của tất cả mọi người.
Lịch trình LHP Việt Nam lần thứ 19 Lễ khai mạc (ngày 1-12, truyền hình trực tiếp trên VTV1, HTV9) và bế mạc (ngày 5-12, truyền hình trực tiếp trên VTV6, HTV9) diễn ra tại nhà hát Hòa Bình, TP.HCM. Hai hội thảo Xây dựng thương hiệu vị thế của phim Việt (2-12) và Chính sách hỗ trợ và biện pháp ưu đãi nhằm phát triển nền công nghiệp điện ảnh trong xu hướng toàn cầu hóa (3-12) diễn ra tại khách sạn Rex. Triển lãm Điện ảnh Việt Nam đồng hành cùng đất nước diễn ra tại Nhà hát TP.HCM từ ngày 1-12. Ngoài các buổi giao lưu chiếu phim, có ba cuộc giao lưu lớn gồm: Nghệ sĩ điện ảnh với học sinh sinh viên (2-12) tại Nhà văn hóa Thanh niên, Nghệ sĩ điện ảnh với lực lượng vũ trang (3-12) tại Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 Củ Chi và Gặp gỡ nghệ sĩ tham gia trong các tác phẩm điện ảnh chủ đề giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (4-12) tại Nhà hát TP. Các phim tham dự liên hoan được chiếu miễn phí từ ngày 1 đến 5-12 tại bốn cụm rạp. Cụm rạp Galaxy Nguyễn Du chiếu 20 phim truyện điện ảnh dự thi. Cụm rạp BHD Star Cineplex 3/2 chiếu 6 phim truyện video và 23 phim hoạt hình. Cụm rạp Mega GS chiếu 15 phim truyện điện ảnh toàn cảnh và 18 phim tài liệu video. Cụm rạp CGV Hùng Vương chiếu 43 phim tài liệu khoa học. Vé (số lượng hạn chế) sẽ được phát ở các rạp theo quy định khác nhau của mỗi rạp. |
*Infographic: Phim Việt “đặt hàng” ngốn ngân sách tiền tỉ, thu về tiền triệu
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận