13/06/2021 13:56 GMT+7

LGBT - 'bình thường mới' trong âm nhạc

HIỀN TRANG
HIỀN TRANG

TTO - Hai năm sau khi đi Mỹ, Hương Tràm bất ngờ trở lại với MV âm nhạc dành tặng cho cộng đồng LGBT nhân dịp tháng 6 - tháng tự hào hướng tới đa dạng giới.

LGBT - bình thường mới trong âm nhạc - Ảnh 1.

Cảnh trong MV Đong tình của ca sĩ Hương Tràm

1. Đong tình - tên của MV - rõ ràng là một cách biến tấu ngôn ngữ hai chữ "đồng tính". Nhưng đáng tiếc, sự đa dạng này của tiếng Việt cũng là sự đa dạng duy nhất mà MV tôn vinh được.

Hương Tràm hát vẫn hay. Nội lực của cô rõ ràng hơn hẳn phần lớn các ngôi sao ca nhạc giải trí hiện hành. 

Nhưng câu chuyện về "nữ chính ngôn tình hóa thành nữ phụ đam mỹ" mà cô sử dụng thì đã cũ kỹ, thông điệp về tình yêu đồng tính lại quá sơ khai, còn bản thân bản ballad chỉ là một phiên bản buồn tẻ của Em gái mưa. Tất cả tạo nên một sản phẩm có lẽ sẽ sớm bị lãng quên trong sự nghiệp còn đầy tiềm năng của Hương Tràm.

Dẫu thế, việc một ngôi sao đại chúng được cả khán giả và giới chuyên môn công nhận, một ngôi sao với hình ảnh đáng tin cậy và được coi như một hình mẫu trưởng thành, công khai thực hiện một sản phẩm về LGBT vẫn có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc nâng cao nhận thức về giới ở một quốc gia Á Đông còn nhiều khép nép.

2. Nếu André Aciman kết hợp với rap thì sẽ thế nào? Câu trả lời đã có sẵn, chính là MV Montero (Call me by your name) của Lil Nas X.

Ai từng xem cảnh phim trong Call me by your name (chuyển thể từ tiểu thuyết của André Aciman), khi Oliver thì thầm với Elio (người tình đồng tính) rằng "Gọi tôi bằng tên em, và tôi sẽ gọi em bằng tên tôi", hẳn sẽ khó mà quên được. Lil Nas X cũng không quên, thậm chí từ cảm hứng đó, anh còn sáng tác và thực hiện hẳn một MV. 

Dẫu vậy, ca khúc của Lil Nas X không nên thơ tựa một bài thơ mùa hạ như câu chuyện gốc. Nó táo gan và ngạo ngược.

Dù ở thời đỉnh cao, Ricky Martin hay George Michael đều hát về "cô ấy", nhưng trong lịch sử nhạc pop, Lil Nas X không phải người đầu tiên hát về tình yêu đồng tính. Elton John từng tự sự chân thật trong Elton’s song. Frank Ocean có Forrest Gump. 

Troye Sivan có album Bloom. Song, không một sản phẩm trần trụi nào về đồng tính lại đạt được độ viral như Montero (Call me by your name). (Kể cả Elton’s Song, bởi trong gia tài đồ sộ của Elton thì nó quả là thường).

Lấy bối cảnh từ vườn Địa đàng đến hỏa ngục Inferno, trích dẫn từ Plato đến kinh thánh, khuấy đều thần thoại Hi Lạp với Britney Spears, MV của Lil Nas X đầy cường điệu, kích thích, giễu nhại mọi định kiến, và cảnh Adam làm tình với Satan gây sốc chẳng kém gì lần đầu tiên ta xem Madonna uốn éo trước cây thập giá bốc cháy trong Like a prayer vào năm 1989.

3. Tháng 8-2019, trên nền tảng Spotify xuất hiện một playlist mang tên Hyperpop với những ca khúc nghịch dị được mô tả như "những cuộc tấn công vô chính phủ vào đôi tai". Rồi từ một playlist, nó dần phát triển thành một tiểu loại âm nhạc gắn liền với cộng đồng LGBT.

Hyperpop tạo ra những biểu tượng giới khác hẳn với những gì ta từng thấy. Chẳng hạn, nói tới tính nữ, ngay cả những người đã làm nên cuộc cách mạng trong âm nhạc như Madonna hay Beyoncé vẫn bị kìm giữ bởi tiêu chí về hình thể chuẩn mực hay thông điệp thống trị. 

Họ sẽ không thể như Sophie Xeon, một nghệ sĩ chuyển giới nữ tiên phong dòng hyperpop từng được đề cử giải Grammy, xuất hiện với vẻ ngoài như một "Cô gái Đan Mạch" kỳ quặc một cách tinh khiết và hát "khóc cũng không sao".

Đầu năm nay, Sophie qua đời vì một tai nạn. Khắp các mạng xã hội truyền tay nhau một câu nói của cô lúc sinh thời rằng "Chúa là một người chuyển giới".

Điều đó có thể gây tranh cãi. Nhưng không ai tạo nên động lực phát triển cho âm nhạc cho bằng những người ghét sự nhàn nhạt. 

Chẳng phải Little Richard tới David Bowie hay Prince, những con người bẻ cong giới tính ấy, đều gây tranh cãi? Những nghệ sĩ hyperpop đều gây tranh cãi. Và họ cũng được gọi là "tương lai của âm nhạc". Hai điều đó không hề mâu thuẫn.

Trong tiếng Anh có từ "genre-bender" thường dùng với ý nghĩa bẻ cong giới tính, nhưng theo một cách hiểu khác, nó cũng có nghĩa là bẻ cong thể loại. Có lẽ sự biến chuyển linh hoạt trong bản dạng giới khiến cộng đồng LGBT dễ dàng dịch chuyển giữa các dòng nhạc làm nên hyperpop: từ dance, rap, trance, nu-metal đến K-pop, J-pop, punk.

Lá thư âm nhạc: Hát nhép & giấc mơ hoàn hảo Lá thư âm nhạc: Hát nhép & giấc mơ hoàn hảo

TTO - Mọi nền công nghiệp trên thế giới này đều bị ám ảnh bởi sự hoàn hảo. Không ai muốn một cái đinh cong, một chiếc máy tính xước, một cuốn sách bị móp ở góc. Vậy thì nền công nghiệp biểu diễn chuyên nghiệp cũng thế thôi?

HIỀN TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp