Ba nhân viên cảnh sát trong phim Les Misérables
Không có cỏ dại, cũng như không có kẻ xấu, chỉ có người trồng trọt tồi.
Victor Hugo
Phim được giải Ban giám khảo Cannes 2019, về lớp trẻ nổi loạn ở các khu phố ngoại ô Pháp, gây "chấn động" cho Tổng thống Pháp Macron - là ba lý do thu hút đông đảo khán giả, trong đó có người viết - ra rạp xem Les Misérables. Để cũng bị chấn động.
Les Misérables (Những người khốn khổ) của đạo diễn Ladj Ly có hệ thống nhân vật ám ảnh.
Các nhân vật khốn khổ
Mở đầu phim là việc Stephane - nhân viên cảnh sát gốc Âu trắng thuộc đội công an chống tội phạm - được cử đến thị xã Montfermeil ngoại ô Bắc Paris nhận nhiệm vụ trong tổ công an khu phố dân cư nhiều sắc thái.
Đó là Chris - nhân viên cảnh sát gốc Âu trắng - trưởng tổ bộ ba. Là Gwada - nhân viên cảnh sát thứ ba gốc Phi đen.
Trailer Les Misérables
Vây quanh bộ ba cảnh sát này là "Le Maire" - đại ca gốc Phi đen, tự xưng "xã trưởng" do đứng đầu nhóm trung gian hòa giải giữa dân cư và công an; Salah - chủ tiệm ăn gốc Bắc Phi - lãnh tụ cộng đồng Hồi giáo khu Montfermeil; trưởng nhóm mafia buôn ma túy gốc Âu trắng; Issa - cậu bé gốc Phi đen trộm sư tử con của đoàn xiếc Di-gan; Buzz - cậu bé gốc Phi đen quay flycam những gì xảy ra trong khu phố và "Microbes - vi trùng" - tên gọi giới thanh thiếu niên đa sắc tộc trong khu phố.
Điều khiến phim của Ladj Ly khác biệt một số phim về khu ngoại ô trước nay là Những người khốn khổ không phân chia các nhân vật thành hai bên đen/trắng, bởi không chỉ có hai mà đến nhiều bên đối đầu nhau; mỗi bên lại nhập nhằng tích cực và tiêu cực, chẳng hạn ba cảnh sát viên có ba tính khí, hành xử khác nhau.
Những lúc máy quay của Ly theo từng cảnh sát viên trở về gia đình họ, sau khi cả tổ gây tội ác và phi tang, là những trường đoạn tinh tế, lắng dịu, đầy cảm xúc.
Bằng những thước phim hòa trộn nhân văn và bạo lực, phim dài đầu tay của Ladj Ly không nhằm tố cáo cá nhân mà tố cáo hệ thống, trong đó các tác nhân ít nhiều đều là nạn nhân, là những người khốn khổ. Hình ảnh nhóm "vi trùng" bạo lực khiến người xem đau nhói một thế hệ tương lai vốn là sản phẩm của tuần hoàn bạo lực xã hội/gia đình.
Hoang mang, đói nghèo, bị đè nén bởi quyền lực bốn bên - cũng là bốn định chế chi phối xã hội ở đây: tổ công an đại diện nhà nước, nhóm trung gian hòa giải dân cư với chính quyền, nhóm lãnh đạo cộng đồng Hồi giáo, nhóm mafia ma túy - nhóm "vi trùng" luôn làm ta ngạt thở, đôi khi rơi nước mắt.
Hình ảnh trong Les Misérables
Từ Hugo đến Ly
Tuy mượn tên tiểu thuyết Những người khốn khổ của Victor Hugo, phim của Ladj Ly không chuyển thể câu chuyện Hugo hư cấu mà bắt nguồn từ những trải nghiệm của chính anh trong cuộc sống ở ngoại ô Paris.
Montfermeil không chỉ là địa điểm Hugo chọn dựng câu chuyện nhà Thénardier và cuộc gặp gỡ giữa bé Cosette và ông Jean Valjean. Thị xã Montfermeil chính là nơi Ladj Ly lớn lên, tiếp tục cư trú. "Tất cả những gì trong phim đều là sự việc tôi sống cùng, chứng kiến: lễ hội mừng giải bóng đá thế giới 2018 tất nhiên, mà cả việc cảnh sát viên mới nhận nhiệm vụ ở khu phố, chuyện quay phim flycam…
Suốt 5 năm, tôi đã quay tất cả những gì xảy ra trong khu phố, đặc biệt khi cảnh sát hiện diện, và một hôm máy quay của tôi vô tình bắt được cảnh nhân viên cảnh sát lỡ tay gây tội ác. Chuyện ăn trộm sư tử con khiến nhóm xiếc Di-gan nổi giận cũng là sự thật. Hiện tôi vẫn ở khu phố này, đó là cuộc sống của tôi, hiện trường của tôi".
Montfermeil được biết đến như xuất phát điểm cuộc nổi dậy thanh thiếu niên Pháp các thị xã ngoại ô năm 2005, và Ladj Ly đã ghi hình thảm kịch đó trong phim 365 ngày ở Clichy - Montfermeil.
Những người khốn khổ ám ảnh người xem bởi hình ảnh bùng nổ của khu phố khi "vi trùng" nổi loạn chống lại mọi quyền lực, phủ định mọi định chế hình thức/phi hình thức, từ lực lượng công an, "xã trưởng" trung gian, đến mafia bắt tay với công an.
Phân vân và hi vọng, đạo diễn cố tình để phim kết thúc lửng lơ. Không ai biết Aissa có ném quả bom xăng thiêu sống bộ ba cảnh sát không. Buzz có mở cửa nhà giải cứu họ không; bởi bất luận số phận cá nhân của các nhân vật ra sao, vấn đề, theo Ladj Ly là "trách nhiệm của người nắm chính quyền đã để tình trạng này tiếp diễn ngày càng tồi tệ trong ba, bốn thập niên qua" tại các khu ngoại ô thành phố Pháp.
Đó là lý do Ladj Ly kết phim bằng câu trích dẫn tiểu thuyết của Hugo: "Không có cỏ dại, cũng như không có kẻ xấu, chỉ có người trồng trọt tồi".
Sau Cannes, Tổng thống Pháp Macron ngỏ ý mời Ladj Ly giới thiệu phim ở Điện Elysée, nhưng đạo diễn khước từ, ngược lại, đề nghị đích thân tổng thống đến Montfermeil xem phim!
Cuối cùng, Ly đã gửi một bản DVD đến Điện Elysée - bản phim mà theo báo chí, đã khiến tổng thống "bị chấn động do tính chuẩn xác", và "yêu cầu chính phủ sớm tìm ra ý tưởng, hành động cải thiện điều kiện sống tại các khu phố này". Câu hỏi ở đây, như nhà đạo diễn trẻ đã nêu qua tác phẩm, là làm sao các chính sách thật sự đi tới - chứ không chỉ là diễn từ - với nhân dân các khu phố ngoại ô.
Đạo diễn Ladj LySinh ra ở Mali, tại châu Phi, năm 1980 Ladj Ly sang Pháp năm 3 tuổi và lớn lên tại khu phố Les Bosquets, thị xã Monfermeil, ngoại ô nghèo của Paris, có cha làm công nhân hốt rác.
Có được máy quay năm 17 tuổi, Ladj Ly thành lập một tập thể điện ảnh trẻ lấy tên Kourtajmé (Court-métrage theo kiểu nói lái Pháp) để cùng thực hiện những phim tài liệu ngắn phát miễn phí trên mạng, khởi đầu là 365 jours à Clichy - Montfermeil (2007).
Năm 2018, Ly tham gia chung kết giải điện ảnh Pháp César với hai tác phẩm cùng lúc: A haute voix (tài liệu) và Les Misérables (phim ngắn - tác phẩm chuẩn bị đề án phim dài đầu tay cùng tên).
Đoạt giải Ban giám khảo Cannes 2019, Những người khốn khổ cũng vừa được chọn vào danh sách đề cử rút gọn của giải Oscar sắp tới. Song, đối với nhà đạo diễn chưa từng qua trường lớp như Ladj Ly, niềm vui lớn nhất không phải là tác phẩm này, mà là trường điện ảnh miễn phí mang tên Kourtajmé, do anh mới thành lập tại Montfermeil.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận