19/10/2017 11:01 GMT+7

Lệnh trừng phạt... cổ vũ Iran thoát phụ thuộc dầu mỏ

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO -Trong lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi cô lập Iran sâu rộng hơn, thì tại một góc nhỏ ở Tehran, có những người đang đi ngược lại.

Lệnh trừng phạt... cổ vũ Iran thoát phụ thuộc dầu mỏ - Ảnh 1.

Năng lượng mặt trời đang là lĩnh vực được Iran chú trọng phát triển - Ảnh: AFP

Đại sứ Na Uy tại Tehran Lars Nordrum tiếp các đại diện của Saga Energy và Amin Energy Developers tại nhà riêng, nơi họ ký một hợp đồng trị giá 2,5 tỉ euro. 

Đây là khoản đầu tư trong 5 năm tới mà Saga - công ty Na Uy - cam kết thực hiện cùng đối tác Iran Amin Energy để phát triển những tấm pin năng lượng mặt trời công suất 2 gigawatt khắp vùng sa mạc của Iran.

Giấc mơ dang dở

"Na Uy cam kết hoàn toàn với Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) và đây là bằng chứng cho thấy chúng tôi rất nghiêm túc, và chúng ta sẽ sớm thấy thêm những khoản đầu tư" - AFP ngày 17-10 dẫn lời đại sứ Nordrum.

Không biết vô tình hay hữu ý, thông tin về hợp đồng của Saga và Amin được đưa lên ngay lúc thỏa thuận hạt nhân Iran có nguy cơ đổ bể. 

Chính quyền Tổng thống Trump khẳng định Iran đã vi phạm các điều khoản trong thỏa thuận lịch sử năm 2015, từ đó đe dọa sẽ đơn phương siết chặt các lệnh trừng phạt kinh tế lên Iran.

Từ khi các lệnh trừng phạt này được nới lỏng sau năm 2015, người Iran như đứng trước một giấc mơ tươi sáng về thời kỳ "mở cửa". Tehran hi vọng thu hút đầu tư từ các đối tác từ châu Âu và châu Á. 

Và thực tế đã có những hợp đồng lớn, đáng kể nhất là thỏa thuận 5 tỉ USD của gã khổng lồ ngành năng lượng Pháp Total ký hồi tháng 6 năm nay cùng với Tập đoàn năng lượng quốc gia Trung Quốc CNPC. 

Siemens, Renault và Peugeot cũng đã mở rộng các khoản đầu tư vào quốc gia Trung Đông này - một thị trường 80 triệu dân gần như "chưa bị đụng đến".

Điều đó lý giải một phần về việc các nước từ Á tới Âu kiên quyết tôn trọng thỏa thuận hạt nhân Iran, tuân thủ JCPOA. Họ, cũng như Iran, đều chỉ đang bước những bước đầu tiên vào một bối cảnh kinh tế sôi động...

Nhiều nhà đầu tư

Saga của Na Uy chỉ là một trong số những công ty nhìn thấy tiềm năng về năng lượng mặt trời ở quốc gia có sa mạc nắng nóng này.

Hồi tháng 9-2017, nhà đầu tư Anh Quercus cũng đã chốt dự án năng lượng mặt trời công suất 600 megawatt với Iran.

Hôm 18-10, Financial Tribune đưa tin công ty Áo Solar & Benefit đã ký biên bản ghi nhớ với ngân hàng đầu tư tại Iran Fars Province Investment Services Center về dự án xây dựng 4 nhà máy năng lượng mặt trời.

Một Iran không phụ thuộc vào dầu

Nếu ông Trump thực sự siết chặt các lệnh trừng phạt, liệu điều đó có "siết" được Iran không? Câu trả lời nằm ở tương lai. 

Nhưng theo diễn biến và phân tích từ giới quan sát quốc tế lúc này, một lệnh trừng phạt lên Iran sẽ không hẳn là thảm họa ghê gớm cho Tehran, thậm chí có thể mở ra một con đường để quốc gia này thay da đổi thịt.

Khi lệnh trừng phạt đánh mạnh vào lĩnh vực dầu mỏ, Iran không thiếu phương án. Tehran đã tìm cách thoát ly khỏi lĩnh vực dầu mỏ từ lâu - như một xu hướng chung mà những Saudi Arabia hay Qatar đã và đang theo đuổi. 

Năm 2016, báo Financial Times cho biết ngành công nghiệp dầu và khí đốt chỉ chiếm đúng 10% tổng sản phẩm quốc nội Iran năm 2014.

Báo chí Iran và quốc tế đều chung nhận định rằng lệnh trừng phạt kinh tế trong hàng thập kỷ qua đã đóng vai trò "chất xúc tác" cho Iran phát triển các lĩnh vực khác, đáng chú ý nhất là công nghệ. 

Lãnh tụ tối cao của Iran - đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei - đã kêu gọi phát triển một nền kinh tế tri thức, mà thực tế chính là ủng hộ phát triển công nghệ, với mục tiêu của chiến lược "Tầm nhìn quốc gia 20 năm" là biến Iran thành cường quốc Tây Nam Á về kinh tế, khoa học và công nghệ.

Thỏa thuận quốc tế

Kế hoạch hành động chung toàn diện (Joint Comprehensive Plan of Action - JCPOA) là một thỏa thuận quốc tế về chương trình hạt nhân của Iran được thông qua ngày 14-7-2015 ở Vienna (Áo), giữa Iran và nhóm P5+1.

Theo thỏa thuận, Iran phải đồng ý tiết giảm việc làm giàu uranium, công khai tình trạng phát triển năng lượng hạt nhân. Đổi lại, Tehran sẽ được tháo gỡ cấm vận kinh tế cũng như cấm vận vũ khí.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp