Phun hóa chất diệt muỗi ở tổ 17A, khu phố 1, P.Đông Hưng Thuận, Q.12, TP.HCM - Ảnh: NGỌC LOAN |
Theo kế hoạch, đúng 17h, nhân viên trạm y tế phường Tân Thới Hiệp (3Q.12) sẽ phun thuốc diệt muỗi tại nhà dân ở tổ 16, khu phố 4, P.Tân Thới Hiệp.
Lần này sẽ dùng 2 máy phun cá nhân, người phun hóa chất là hai anh Nguyễn Ngọc Tiến, Phạm Đức Chung và hai dắt máy là anh Trần Hoàng Ca, Nguyễn Văn Tân - phó trưởng trạm y tế phường.
Đội mưa làm việc
Khi anh Tiến và anh Chung đeo máy phun đã được pha thuốc về đến trạm y tế thì trời bắt đầu đổ mưa. Phó trưởng trạm y tế Nguyễn Văn Tân lo lắng: “Trời mà mưa lớn sợ người dân không chịu ra ngoài, vì mình phun trong nhà mà”.
Nhưng thuốc đã pha, lực lượng đã sẵn sàng nên tất cả phải lên đường. Đội mưa vòng vèo qua mấy con đường, con hẻm để đến được tổ 16 thì áo các anh thấm mưa dính bết vào người.
Lúc này, các cán bộ phường, tổ dân phố, bảo vệ dân phố... đã đến đợi sẵn. Mọi người chia làm hai tốp đi hai hướng. Bảo vệ dân phố đi trước vào từng nhà dân, hướng dẫn người dân tạm rời nhà ra ngoài.
“Mình làm ở đây, đi miết nên người ta biết mặt nên dễ hơn” - một bảo vệ dân phố cho biết. Nhờ vậy anh Tiến, anh Chung bắt tay vào công việc được ngay.
“Có ai ở nhà không?” - anh Chung la lớn để mọi người biết rồi thoăn thoắt đeo máy phun xịt cá nhân trên lưng bước vào nhà, chạy lên lầu, xuống tầng trệt, tay nhấn máy để xịt hóa chất, cố không bỏ qua ngóc ngách nào. Vì cần nhanh chóng, anh chuẩn bị cho mình đôi dép tổ ong để tháo ra mang vào.
Dẫn máy cho anh Chung là ông Nguyễn Văn Tân. Ông Tân vào từng nhà, nhà nào không cho phun xịt hóa chất hay đóng cửa đi vắng ông đều ghi lại cẩn thận.
“Nhà số..., không cho phun xịt. Dãy phòng trọ đóng cửa...” - ông Tân cho biết phải ghi lại đầy đủ để báo cáo, giám sát được.
“Việc phun xịt hóa chất diệt muỗi ở phường làm thường xuyên. Hôm nay dùng hai máy nhỏ, nhưng ở các ổ dịch lớn chúng tôi dùng 8 máy cá nhân để phun xịt trong nhà người dân và xe ôtô để phun xịt khu vực bên ngoài” - ông Tân nói và tay liên tục ghi chép.
“Cố gắng chút nha bà con”!
Khi “đội quân” diệt muỗi đến, nhiều người dân đang ăn tối phải bưng cả mâm cơm ra ngoài. “Cố gắng xíu nha bà con!” - ông Tân nói. Hiểu được sự nguy hiểm của sốt xuất huyết, đa số người dân đều ý thức mở cửa cho nhân viên y tế vào xịt hóa chất.
Cùng lúc ấy, ở tổ 17A, khu phố 1, phường Đông Hưng Thuận (Q.12), nhóm diệt muỗi cũng đang xuống từng nhà dân phun hóa chất diệt muỗi. Sau khi pha thuốc, đổ xăng chạy bình, thử bình xong, ông Thịnh và ông Phú rời trạm y tế phường. Mỗi người một ngả, chia nhau đi từng con hẻm nhỏ.
Bà Lê Thị Phương Nga - tổ trưởng tổ 17A - cùng một nhân viên của Trung tâm Y tế dự phòng Q.12 đi trước, đôn đáo gõ cửa từng nhà.
“Chị Liên ơi phun muỗi, Hằng ơi phun muỗi! Đang có dịch trong tổ, phun muỗi nha! Đậy đồ ăn rồi ra ngoài để phun muỗi nha” - vừa đi, bà Nga còn đưa tờ rơi tuyên truyền cách chống muỗi, lăng quăng cho bà con. Theo bà Nga, khu này nhà trọ nhiều, lại gần bờ kênh nên rất dễ sinh lăng quăng.
Nhiều hộ dân không cho phun xịt với đủ lý do: hôi, con nhỏ, có người già, tuần trước mới phun rồi, bà Nga lại nhẹ nhàng thuyết phục: “Phải phun trong nhà mới có tác dụng, chứ muỗi ở ngoài bay vào cũng bằng không”.
Nhiều nhà sau khi nghe thuyết phục lại í ới kêu nhân viên y tế quay lại phun cho nhà mình.
Vận động vệ sinh sạch nơi ở
Để tiến hành đi phun xịt hóa chất diệt muỗi ở các khu dân cư như vậy, ông Nguyễn Văn Tân cho biết trước đó mọi người đã phải làm vệ sinh, diệt lăng quăng trước.
“Khi xác định có ca bệnh ở đó rồi thì phải tổng vệ sinh liền khu vực trong tổ, trong khu phố đó trong bán kính 200m tính từ ổ dịch. Và như lần phun hóa chất diệt muỗi này, trước đó các hộ dân phải làm sạch chỗ ở, không để các vũng nước tù đọng... để diệt lăng quăng. Sau khi phun thuốc diệt muỗi xong, phải khảo sát lại tình trạng để báo cáo” - ông Tân nói.
Bên cạnh các nhóm diệt muỗi ra tay, các phường đều tổ chức tuyên truyền, vận động cho bà con ý thức làm vệ sinh sạch sẽ nơi ở, không tạo nơi sinh sống cho lăng quăng, muỗi.
Bà Nguyễn Thị Hường, phó chủ tịch UBND phường Tân Thới Hiệp, chia sẻ: “Trong 6 tháng đầu năm sốt xuất huyết tăng cao tại địa bàn. Từ tháng 6, tháng cao điểm của sốt xuất huyết, phường đã tập trung tuyên truyền, dọn vệ sinh, phun xịt hóa chất diệt muỗi... thì số ca sốt xuất huyết giảm.
Ở đây, chúng tôi đều nhắc nhở người dân tổng vệ sinh thật kỹ để y tế mình phun thuốc mới đạt hiệu quả cao”.
Những ngày này, hệ thống loa, thùng loa di động của phường hoạt động liên tục. Cán bộ phường cũng yêu cầu khu vực nào vệ sinh môi trường kém quá làm cam kết và cho thời gian để tổng vệ sinh.
“Nếu khi chúng tôi quay lại mà không thực hiện thì sẽ phạt. Phường có ra quân tổng vệ sinh nhưng chỉ tổng vệ sinh được khu ngoài thôi, còn bên trong gia đình thì các gia đình phải tự loại bỏ nước trong các bình hoa, cống rãnh...” - bà Hường nói.
Vì sao người đi làm dễ mắc SXH? Thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho hay 1/3 số người mắc sốt xuất huyết (SXH) ở Hà Nội thời gian qua thuộc nhóm cán bộ công nhân viên văn phòng. Nếu tính cả người lao động ngoại tỉnh, công nhân, nông dân, có đến gần 1/2 số mắc SXH là người đang đi làm. Vì sao người đang đi làm lại mắc SXH nhiều như vậy? Chuyên gia về SXH Vũ Sinh Nam cho biết người đang đi làm có diện di chuyển rộng hơn các nhóm khác, do đó có nguy cơ mắc SXH nhiều hơn. Người đang đi làm có thể mắc ở nhà, ở nơi làm việc hoặc nơi công cộng. Ngoài ra, ở Hà Nội nhiều trẻ em mắc SXH không có biểu hiện lâm sàng, nhưng người lớn thì ngược lại, hầu hết người mắc có biểu hiện lâm sàng, và đây cũng là nhóm người đang đi làm, làm cho số mắc tích lũy càng tăng lên. |
Chặn sốt xuất huyết từ chính nhà mình Theo một số chuyên gia y tế, hiện nay các địa phương có đội xung kích diệt muỗi, lăng quăng nhưng cần thiết hơn vẫn là hướng dẫn người dân về hơn 30 vị trí dễ phát sinh lăng quăng trong nhà và các biện pháp ngủ màn tránh muỗi đốt, tránh lây lan khi đã mắc bệnh… |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận