Dự án Grand World Phú Quốc đang được xây dựng ở Bãi Dài, xã Gành Dầu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Vui mừng, kỳ vọng vào tương lai phát triển rực rỡ hơn, bền vững hơn nữa... là cảm giác chung của người dân Phú Quốc khi địa phương này chính thức là thành phố đảo đầu tiên của cả nước, với nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội được công bố tối qua 8-1.
Hơn 20 năm trước, rất ít người biết tới Phú Quốc - hòn đảo xa xôi ở phía tây nam của Tổ quốc. Ngày đó, để đến Phú Quốc, hành khách phải đi tàu gỗ (đa số hoán cải từ tàu đánh cá) hoặc tàu sắt mất 7-9 tiếng đồng hồ ròng rã.
Cảnh tượng dễ thấy ở Phú Quốc khi đó là những xóm chài ven biển. Cư dân chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng rẫy, đi đánh cá và làm các nghề dịch vụ hậu cần liên quan tới nghề biển.
"Cô gái quê mộc mạc" bỗng lột xác diệu kỳ
Ông Lê Kỳ (68 tuổi, ngụ thị trấn An Thới) nhớ lại Phú Quốc ngày xưa hoang sơ, rộng lớn, đi từ đầu này tới đầu kia của đảo mất 4-5 tiếng đồng hồ chạy xe máy. Cả đảo chỉ có 1-2 "nhà đèn" chạy máy phát điện cung cấp cho người dân, nhưng cũng chỉ tới 7-8h tối là tắt điện.
Gần hơn một chút, khoảng mươi, mười lăm năm trước, cả đảo Phú Quốc chỉ có con đường nhựa độc đạo đi xuyên theo trục nam - bắc. Các nhánh đường còn lại chủ yếu là đất đỏ, trời nắng bụi tung mù mịt, mưa thì trơn trượt sình lầy.
Năm 2004 đánh dấu mốc quan trọng khi lần đầu tiên Phú Quốc được Thủ tướng quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể định hướng trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao. Từ quy hoạch này, trung ương, tỉnh Kiên Giang và huyện Phú Quốc đã dồn nguồn lực tài chính khổng lồ hàng trăm ngàn tỉ đồng cho Phú Quốc. Nguồn vốn này biến Phú Quốc như từ cô gái quê mộc mạc bỗng chốc lột xác diệu kỳ.
Sân bay quốc tế được đầu tư thay thế sân bay cũ. Bến tàu khách ọp ẹp nép mình bên cảng cá ở An Thới được dời về trung tâm đảo. Đường xuyên đảo được mở rộng gấp 6 lần so với trước, đường vòng quanh đảo cũng được đầu tư...
Sau 10 năm phát triển hạ tầng, năm 2014 người dân Phú Quốc đón dòng điện lưới quốc gia từ đất liền chạy ngầm ra đảo. Có điện lưới, đường sá, sân bay quốc tế, hàng loạt dự án du lịch, nghỉ dưỡng 4-5 sao mọc lên ồ ạt.
Ông Trần Đạo Đức - phó tổng giám đốc Tập đoàn CEO - nói: "Các doanh nghiệp đều rất vui khi nhận thông tin Phú Quốc trở thành thành phố biển đảo đầu tiên của cả nước và sẽ thực hiện cam kết của mình với tỉnh Kiên Giang là phát triển đảo Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch của Việt Nam và thế giới".
Còn ông Nguyễn Trọng Tuấn - tổng quản lý VinWonders Phú Quốc (thuộc Tập đoàn Vingroup) - nhận định: "Phú Quốc trở thành thành phố sẽ là lực đẩy mạnh mẽ cho các doanh nghiệp tại đảo ngọc có kế hoạch phát triển các điểm du lịch tầm cỡ quốc gia cho thương hiệu, trong đó Phú Quốc là một sự lựa chọn".
Ông Tuấn cho biết dự kiến ngày 26-3 tới, tổ hợp trung tâm giải trí nghỉ dưỡng Phú Quốc United Center với hơn 1.000ha sẽ chính thức ra mắt, tiên phong kiến tạo "một điểm đến mọi nhu cầu" (one-stop-destination) đầu tiên tại Việt Nam.
Phú Quốc vài năm trở lại đây đã trở thành điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước - Ảnh: KHOA NAM
Và khi "chiếc áo đã quá chật"
Ông Phạm Văn Nghiệp - phó chủ tịch UBND TP Phú Quốc - cho biết hiện tại, trừ lãnh đạo địa phương, các phòng, ban chuyên môn của huyện có 1 trưởng phòng và 1 - 2 phó trưởng phòng, biên chế cán bộ phòng nào cao nhất chỉ 11 - 12 người.
Khi lên thành phố thì mọi chuyện sẽ khác, cái trước tiên cần bổ sung sẽ là nhân sự. Bởi lẽ khối lượng công việc hiện nay quá nhiều, áp lực công việc rất lớn. Đặc biệt những lĩnh vực như: an ninh, trật tự xã hội; quản lý đô thị, đất đai, tài nguyên - môi trường; đầu tư, xây dựng; du lịch, dịch vụ... thiếu trầm trọng, nhất là cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ cao.
Phú Quốc có hơn 320 dự án của các nhà đầu tư, diện tích đất phải thu hồi hơn 10.800ha với 215 phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, số tiền phải chi trả cho người dân gần 8.000 tỉ đồng, số dân bị ảnh hưởng hơn 9.000 hộ.
Điều đó cho thấy một đơn vị hành chính cấp huyện mà thu hút một khối lượng lớn về đầu tư, bồi thường, hỗ trợ cho dân như thế thì áp lực công việc, công suất hoạt động đối với cán bộ phụ trách các lĩnh vực này quá lớn.
Chính vì bộ máy bị quá tải, nên từ nhiều năm qua, tỉnh Kiên Giang luôn phải cử cán bộ tăng cường cho đảo Phú Quốc trên mọi lĩnh vực, từ quản lý đất đai, an ninh - trật tự, cho tới bảo vệ rừng...
Ông Mai Văn Huỳnh - phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang (nguyên bí thư Huyện ủy, chủ tịch UBND huyện Phú Quốc) - cho rằng, việc thành lập TP Phú Quốc sẽ tạo điều kiện cho Phú Quốc phát huy tốt hơn tiềm năng và lợi thế sẵn có. Phú Quốc đang từng bước trở thành một thành phố đảo với chức năng chính là trung tâm du lịch - thương mại - công nghệ cao.
Đồ họa: T.ĐẠT
Theo UBND TP Phú Quốc, địa phương này hiện có hơn 320 dự án đầu tư, với diện tích 10.930ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 340.366 tỉ đồng. Trong đó có 47 dự án đã đưa vào khai thác với diện tích 1.200ha, tổng vốn đầu tư khoảng 13.584 tỉ đồng, 75 dự án đang triển khai xây dựng và các dự án còn lại đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư.
Đến nay Phú Quốc có trên 700 cơ sở lưu trú với hơn 20.000 phòng. Sản phẩm du lịch từng bước đa dạng hóa với các loại hình du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng và khai thác khá hiệu quả các tuyến du lịch. Năm 2018 Phú Quốc đón 2,55 triệu lượt khách; năm 2019 Phú Quốc đón 2,85 triệu lượt khách.
Hạn chế thấp nhất bêtông hóa
Bên cạnh niềm vui, việc Phú Quốc trở thành TP biển đảo đầu tiên của cả nước cũng đặt ra nhiều vấn đề như tốc độ tăng dân số cơ học do người dân đổ ra tìm kiếm việc làm, ô nhiễm môi trường; bao chiếm đất đai, xây dựng trái phép, sốt giá đất ảo; an ninh trật tự diễn biến phức tạp...
Ông Huỳnh Quang Hưng - chủ tịch UBND TP Phú Quốc - thừa nhận trong thời gian tới TP Phú Quốc sẽ phải đối diện với nhiều thách thức. Trước mắt là làm sao thực hiện quy hoạch, làm sao đảm bảo đúng quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Kế đến là vấn đề môi trường, đặc biệt là xử lý rác thải, nước thải. Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Kiên Giang cũng như của huyện Phú Quốc (nay là TP Phú Quốc) cũng đặt vấn đề xử lý môi trường lên hàng đầu, bên cạnh các vấn đề quản lý đất đai, quản lý xây dựng, hạ tầng xã hội...
"Có thể nói Phú Quốc có mảng xanh, lá phổi xanh cho toàn đảo. Do đó chúng tôi cũng ưu tiên các dự án có mật độ xây dựng thấp. Chúng tôi xác định biển, hành lang biển để cho tất cả khách du lịch, người dân được hưởng thụ từ các bãi biển này. Bãi biển là công cộng, phục vụ chung cho tất cả mọi người. Hạn chế thấp nhất bêtông hóa, gắn vào đó những dự án, công trình thân thiện với môi trường" - ông Hưng nói.
Phú Quốc phải phát triển bền vững
Tối qua 8-1, tỉnh Kiên Giang đã tổ chức lễ công bố nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập TP Phú Quốc trực thuộc tỉnh Kiên Giang.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình biểu dương những nỗ lực của tỉnh Kiên Giang và huyện Phú Quốc thời gian qua đã đưa Phú Quốc từ một hòn đảo còn nhiều thiếu thốn vươn tầm phát triển mạnh mẽ.
Phú Quốc đã có sân bay, cảng biển, có điện lưới quốc gia, có nhiều tập đoàn lớn đầu tư nhiều công trình quy mô, trang bị hiện đại đạt tầm khu vực và thế giới. Phú Quốc đã có hình hài một đô thị thông minh, hiện đại được nhiều du khách trong và ngoài nước biết tới.
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, quá trình phát triển đô thị trên địa bàn Phú Quốc diễn ra nhanh đã đặt ra yêu cầu mới cần thiết phải có một bộ máy chính quyền đô thị có trình độ phát triển cao, hiện đại, đủ năng lực thực thi có hiệu quả công tác quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình dặn dò chính quyền tỉnh Kiên Giang, TP Phú Quốc tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, việc quy hoạch phát triển Phú Quốc phải có tầm nhìn dài hạn ít nhất từ 50 năm trở lên, đáp ứng nhu cầu phát triển của cả trước mắt và lâu dài.
Phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu dịch vụ cao cấp nhưng phải giữ gìn vẻ đẹp tự nhiên, giữ gìn cảnh quan môi trường và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của Phú Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận