Người miền núi bất kể người già hay trẻ con đều thích thú với cổ vật - Ảnh: Thái Lộc |
Theo lời của Trung, những món đồ giá “tầm tầm”, từ một vài trăm nghìn đồng đến không quá 3-4 triệu đồng là dễ bán cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Không bán thì đổi
Nơi đầu tiên chúng tôi đến là bản Gôồng nằm giữa một thung lũng gần cuối của xã Thượng Long (huyện Nam Đông).
Biết chúng tôi bán đồ cổ, bà Ra Pát Hương mời vào nhà và đề nghị chúng tôi bày hết đồ cổ lên giường. Căn nhà gỗ chưa xây tường, trống hoác không một vật dụng quý giá, nhưng bà Hương trông có vẻ rất “máu me” với cổ vật.
Những chiếc tô, dĩa, bình, chum bằng sứ đều được bà cầm lên, ngắm nghía, săm soi rất kỹ. Năm sáu người con của bà cũng xúm lại bàn luận bằng tiếng Cơ Tu rất sôi nổi về từng món đồ vật mà bà Hương định dạm giá. Sau một hồi, bà lựa một cái vịm (dùng đựng mắm) và một đĩa sứ hàng “ngang” (bình dân) thời nhà Thanh, Trung Quốc. Trung hô giá 500.000 đồng.
Bà Hương trả: “Trăm rưởi nghìn!”. Trung lắc đầu. “Thì hai trăm!” - bà Hương trả tiếp. Trung cũng lắc đầu. “Thôi hai trăm rưởi, bán cho mẹ đi!” - bà Hương năn nỉ. “Ừ thì bán mở hàng!” - Trung gật đầu.
Trong nhóm người của bản Gôồng đến xem cổ vật, có ông Tờ Rương Chung, bận quần đùi, trên lưng còn bó rau lang vừa gùi từ rẫy về. Ông Chung mân mê, săm soi rất kỹ cái đĩa đồ Minh (Trung Quốc) cỡ lớn.
Trước cái giá 3 triệu đồng, ông lắc đầu và chuyển sang mân mê bộ bình trà “ngũ thái” (đồ sứ đắp nổi rồng vẽ năm màu). Trung hô giá: “Triệu rưởi!”. “Một triệu thì bố lấy. Mà bố không có tiền, đổi mấy con gà có được không?” - ông Chung trả lời.
Coi chum phải cúng gà
Không chỉ mua bán hay trao đổi, những người buôn đồ cổ thường phải len lỏi khắp các thôn bản xa xôi để lùng mua đồ cổ. Những món đồ quý hiếm thường được gia chủ cất trên kệ cao, trên gác hoặc rương kín trong nhà. Nhà bà Ra Pát Hà nằm gần cuối bản A Prung cùng xã Thượng Long, được Trung giới thiệu có cái chum sứ “độc long” (vẽ một con rồng ôm quanh chum) rất quý hiếm.
Chúng tôi xin được xem lại cái chum thì bà Hà bảo: “Không được. Muốn xem là phải cúng”. Tôi hỏi cúng bằng cách nào, bà cho biết để tiền con gà lại rồi mới cho xem hàng. Gia đình bà sẽ... cúng sau. Trước đó, cái chum này đã được Trung xem một lần, nhưng vẫn chưa xác định được mức độ quý hiếm của hiện vật nên lần này phải xem tiếp.
Hầu hết gia đình miền núi mà chúng tôi ghé vào đều có rất nhiều cổ vật. Dù nghèo hay giàu, dù nhà cửa tuềnh toàng, ngói dột hay nhà gỗ quý nền gạch hoa láng bóng, hầu như nhà nào cũng có những tủ, kệ sắp các loại chum, chóe, bình bằng sứ và các loại cồng chiêng, mâm đồng, ngà voi...
Đó là chưa kể các loại bạc nén, chén đĩa bạc, vòng ngọc, mã não... Có nhà còn sắm riêng một vài tủ kiếng để chưng các loại đồ sứ có giá trị. Thi thoảng người buôn bắt gặp trong số ấy những món đồ có giá thị trường lên đến hàng trăm triệu đồng.
Anh Nguyễn Hữu Hoàng (thành viên Câu lạc bộ cổ vật Thuận Hóa - Huế), từng có hơn 20 năm lăn lộn với “cổ vật miền núi”, nhận xét: “Người dân tộc thiểu số thật lạ, họ yêu đồ cổ, chơi đồ cổ nhiều hơn người Kinh, hầu như nhà nào cũng có đồ cổ”. Ông A Pling Tiếu, xã Thượng Quảng, cho biết sở dĩ người thiểu số quý đồ cổ là bởi vì coi cổ vật như con người.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Bảo Đàn (Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia VN tại Huế) cho biết: “Chuẩn giàu có của người miền núi căn cứ vào số lượng các loại cồng chiêng, chum, chóe, đồ bạc hay số trâu... chứ không phải tiền hay vàng!”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận