Càng về cuối năm, dịch vụ xem bói online càng nở rộ.
Đây là thời điểm chuyển giao năm cũ và năm mới nên nhiều người có nhu cầu xem bói giải xui trong năm cũ, đồng thời xem vận hạn trong năm mới.
Không đếm xuể
Lướt mạng xã hội Facebook một vòng, đếm không xuể số lượng hội, nhóm, địa chỉ xem bói với đủ thứ tên gọi và lời chào hấp dẫn.
Trong đó có nhiều dịch vụ xem bói mất phí hoặc phí tùy tâm, khá linh hoạt.
Có đủ loại, từ xem chỉ tay, xem tử vi, tướng số…
Ai có nhu cầu chỉ cần để lại thông tin hoặc nhắn tin riêng, "thầy bói online" có ngay tức thì.
Khác với "thầy bói" truyền thống, thầy bói thời @ lên mạng tự lăng xê và mời chào khách xem bói.
"Phí nhỏ, xem không giới hạn câu hỏi và thời gian. Cam kết chính xác cao, chuyên sâu", một thầy bói tự giới thiệu.
Trên các hội, nhóm này, khá nhiều thành viên xin địa chỉ xem bói chuẩn hoặc mách nhau những địa chỉ xem uy tín.
Với những giao dịch có phí, người xem cần phải chuyển khoản trước thì thầy mới xem, kéo theo đó nhiều chuyện bi hài. Không ít người dính bẫy thầy bói rởm.
Trên một hội nhóm xem bói hơn 200.000 thành viên, Facebooker Vân Nguyễn đăng bài "bóc phốt" một thầy sau khi nhận chuyển khoản tiền phí lễ và xem bói tổng cộng 800.000 đồng thì mất hút, không hồi âm.
Vân Nguyễn "phốt" lên hội nhóm để "mọi người né ra".
Có người còn vào tư vấn một địa chỉ khác uy tín hơn.
Dưới bài đăng này, có người bình luận: "Tin người quá". Chủ tài khoản bảo: "Mình đang bế tắc quá nên tin"…
Đừng biến mình thành nạn nhân của tội phạm
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn - phó viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống - cho hay tất cả những hoạt động xem bói ngay cả trong đời thực còn không có căn cứ để khẳng định là đúng, nói gì trên mạng.
"Thậm chí, tiền mất tật mang, mua phiền nhiễu vào cho mình", ông nói.
Theo ông Đỗ Cảnh Thìn, người Việt chúng ta thường tin vào những điều ngoài bản thân nhiều hơn là chính bản thân mình. Nó cho thấy sự thiếu tự tin, cách nhìn tiêu cực trong cuộc sống.
"Tất nhiên ai cũng có niềm tin, tín ngưỡng riêng nhưng tin thái quá, mụ mẫm quá lại tạo cơ hội cho các đối tượng xấu lợi dụng", ông Thìn nói "về mặt tội phạm học, đây là nạn nhân tự nguyện của tội phạm".
Đại diện Viện An ninh phi truyền thống lưu ý, trong bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh, tình hình này càng trở nên phức tạp.
Theo ông, trên mạng, người ta có thể vẽ vời ra đủ thứ, thậm chí không chịu trách nhiệm cho cả những điều họ nói.
"Nhiều người chuyển tiền qua mạng. Đúng - sai chưa biết nhưng mất tiền là cái chắc. Muốn lấy lại tiền là điều không thể", ông cảnh báo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận