Phóng to |
Hiện nay trong quân đội nhân dân Việt Nam có một đại tướng là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan quân đội nhân dân, Đại tướng Phùng Quang Thanh (bộ trưởng Bộ Quốc phòng) cho biết theo dự thảo luật thì số lượng cấp tướng so với nhu cầu cấp tướng của các văn bản pháp luật đang thực hiện giảm khoảng 3,1%.
Đại tướng Phùng Quang Thanh nói dự thảo luật không quy định thời hạn thăng quân hàm trong mỗi cấp tướng, đồng thời bổ sung nội dung tuổi của sĩ quan xét thăng quân hàm từ đại tá lên thiếu tướng, chuẩn đô đốc hải quân không quá 57 tuổi, trường hợp có thành tích đặc biệt xuất sắc, tuổi có thể cao hơn do cấp có thẩm quyền quyết định.
Từ dưới lên trên nên nới ra
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng băn khoăn vấn đề với cấp dưới thì thời hạn xét thăng quân hàm khá dài (dự thảo luật quy định từ đại tá lên thiếu tướng là bốn năm), trong khi đó kể từ thiếu tướng trở lên thì thời hạn thăng quân hàm trong mỗi cấp lại không có. Chủ tịch Quốc hội cho rằng thời hạn xét thăng quân hàm cho các cấp từ cấp đại tá trở xuống nên ngắn lại, cụ thể như từ bốn năm giảm còn ba năm, đồng thời mở ra một số trường hợp được phong quân hàm trước thời hạn ba năm đó nếu có thành tích đặc biệt xuất sắc. “Cả quân đội và công an thời hạn thăng quân hàm từ dưới lên trên nên nới ra. Nghĩa là ở dưới nới niên hạn ngắn lại để đảm bảo tuổi trẻ hơn, lên đến cấp tướng thì vẫn có thời hạn, nhưng quy định mở” - Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết đã có lần trao đổi với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh về độ tuổi của các tướng lĩnh, ví dụ như với quy định độ tuổi lần đầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng không quá 55 tuổi, như vậy tư lệnh quân khu nếu đã ở độ tuổi từ 56 trở lên mà chưa phải là ủy viên Trung ương Đảng thì không vào được trung ương, và giả sử tư lệnh quân khu không vào được trung ương sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu quân đội trong Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Tiếp thu ý kiến nêu trên, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh khẳng định tới đây sẽ chỉnh sửa dự thảo luật theo hướng quy định thời hạn bốn năm cho việc thăng mỗi quân hàm cấp tướng, trường hợp thăng quân hàm trước thời hạn sẽ do cấp có thẩm quyền quy định.
Bộ trưởng đương nhiên là đại tướng
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nêu đề nghị nếu ai giữ các chức vụ bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tư lệnh quân khu hoặc tỉnh đội trưởng thì sẽ được thăng ngay quân hàm cao nhất của chức vụ đó. “Ví dụ anh đang là trung tướng, ủy viên Trung ương Đảng mà được bầu vào Bộ Chính trị và giữ chức bộ trưởng Bộ Quốc phòng thì đương nhiên là đại tướng, không phải qua cấp thượng tướng” - ông Ksor Phước nói. Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói nên quy định rõ đã là bộ trưởng thì được lên đại tướng, chẳng hạn với chức vụ bộ trưởng Bộ Công an, kể cả từ dân sự sang làm thì vẫn được phong đại tướng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề xuất với cả quân đội và công an thì bộ trưởng là đại tướng, thứ trưởng là thượng tướng. Riêng với quân đội, ba chức vụ là bộ trưởng, tổng tham mưu trưởng, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị có cấp bậc quân hàm cao nhất là đại tướng. Xuống đến chức vụ thấp hơn: tổng cục trưởng là trung tướng, tổng cục phó là thiếu tướng, cục trưởng là thiếu tướng. “Cục trưởng không thể bằng tổng cục trưởng được, nghĩa là không thể đều là trung tướng” - Chủ tịch Quốc hội nói.
Với sĩ quan công an, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói nên chăng tổng cục trưởng là trung tướng, tổng cục phó là thiếu tướng, cục trưởng là thiếu tướng. Giám đốc Công an Hà Nội và Công an TP.HCM là thiếu tướng, tất cả tỉnh, thành khác là đại tá và “đưa tất cả quy định này vào trong luật”.
Đề xuất tái lập chức vụ tổng tư lệnh quân đội “Theo quy định của Hiến pháp, Chủ tịch nước là thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân. Với bộ trưởng Bộ Quốc phòng thì ta gọi là người chỉ huy cao nhất của quân đội nhân dân và dân quân tự vệ, nhưng nếu ta gọi đúng nghĩa là tổng tư lệnh, tức là tư lệnh của các tư lệnh. Trên có thống lĩnh, dưới có tổng tư lệnh... Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là tư lệnh của các tư lệnh hải - lục - không quân, là phó bí thư Quân ủy trung ương, như vậy tức là tổng tư lệnh. Trước đây ta đã từng có tổng tư lệnh. Nếu các đồng chí mà tái lập được “vai” tổng tư lệnh là điều mừng”. Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN SINH HÙNG |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận