Xem việc người dân thản nhiên ném đủ thứ, từ túi nilông, tro vàng mã tới những vật dụng của năm cũ như bát hương... xuống nước, nhiều bạn đọc cho rằng đó là hành động hủy hoại môi trường sống của chính mình chứ không còn là chuyện phong tục, tâm linh.
Bạn đọc NTTTUYEN viết: “Từ nhiều năm rồi mỗi khi cúng ông Công ông Táo, các phương tiện truyền thông đều đăng tin rác đầy các ao hồ ở Hà Nội. Nghe thấy bực mình quá. Người Tràng An gì mà kém văn minh quá. Ở nhiều nơi khác không hề có tình trạng đó”.
Nhìn hình ảnh người đổ tro xuống sông, bạn đọc tên Phong bức xúc viết”: “Ăn mặc thì đẹp, đi xe tay ga đắt tiền mà hành động lại thể hiện cái “đẳng cấp” ngược lại”.
Trong hầu hết ý kiến góp ý, rất nhiều bạn đọc cho rằng đã đến lúc không thể kêu gọi suông mà cần phải có biện pháp ngăn chặn, trong đó việc xử phạt là cần thiết.
Bạn đọc Trương Quan Mỹ viết: “Ở thành phố tôi đang sống cũng xảy ra nạn vứt rác bừa bãi, câu cá, chơi chạy tàu mô hình ầm ĩ trên hồ... Khi nghe dân phản ảnh, chính quyền địa phương đã cho gắn các bảng cấm câu cá, chạy tàu, xả rác trên hồ, vi phạm sẽ bị xử phạt theo luật định. Trong vòng một tuần lễ sau đó, những người vi phạm bị lực lượng chức năng của phường cảnh cáo, nếu vi phạm tiếp sẽ bị xử phạt... Một tuần lễ sau tôi thấy không còn những hành vi nói trên tái diễn”.
Nhấn mạnh việc xử phạt là cần thiết, bạn đọc Mỹ kết luận: “Như vậy tôi thấy rằng ở xã hội ta hiện nay một phần do ý thức kém người dân mới vi phạm những quy chuẩn đạo đức văn minh tối thiểu. Và một phần là do các cơ quan chức năng chưa thực hiện hết quyền hạn chức năng của mình trong việc xử phạt”.
Đồng tình với ý kiến này, bạn đọc nick name PNT viết: “Cần nâng cao tuyên truyền phổ biến về việc bảo vệ môi trường cho người dân. Đồng thời phải đề ra mức xử phạt và tiến hành phạt những hành vi trên. Hành vi xả rác như vậy không phù hợp với văn minh đô thị”.
Cuối cùng, bạn đọc Lê Văn Minh lưu ý rằng việc xả rác nơi công cộng không còn là chuyện mới, nhưng năm nào cũng xảy ra chung quy do thiếu sự giáo dục. Bạn đọc này đề xuất: “Nhiều người bây giờ hầu như không có thói quen với việc giữ vệ sinh chung, cứ vứt bừa bãi, ai dọn ai quét, dơ hay sạch không cần quan tâm vì chỗ đó không phải của mình. Điều đó đã ăn sâu rồi do không có sự ý thức của mỗi người và không có sự giáo dục từ gia đình, trường học ra đến xã hội. Bây giờ phải có biện pháp phạt nặng mới mong lớp nhỏ sau này bỏ được thói quen đó”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận