Lee Duck Hee giành được chiến thắng đầu tiên ở ATP Tour - Ảnh: ITV
Ba năm sau, tay vợt người Hàn Quốc trở thành ngôi sao trong làng quần vợt với kỳ tích: người khiếm thính đầu tiên giành được chiến thắng ở một giải ATP Tour.
Ở vòng 1 giải Winston-Salem Open, Lee đã đánh bại Henri Laaksonen - hiện xếp hạng 120 thế giới (cao hơn Lee đến 92 bậc) - với tỉ số 2-0 (7-6, 6-1).
Khó khăn bẩm sinh
Trước khi chạm đến cột mốc này, tay vợt khiếm thính bẩm sinh người Hàn Quốc đã là một ngôi sao trẻ đáng chú ý trong làng quần vợt. Từ giai đoạn 16-18 tuổi, Lee liên tục vô địch các giải trẻ uy tín thuộc hệ thống của ITF như Hong Kong F1, Nhật Bản F6, Trung Quốc F13...
Có giai đoạn anh vươn lên đến vị trí 130 thế giới (năm 19 tuổi) và trở thành một biểu tượng trong làng thể thao thế giới về nghị lực vượt khó.
Trên sân quần vợt, Lee không nghe được những chỉ thị, thông báo của trọng tài và luôn phải nhìn các dấu hiệu bằng tay của họ để nhận biết.
Anh cũng chỉ cảm nhận không rõ ràng về sự rung động của mặt sân khi bóng va đập. Điều kỳ lạ là anh có thể nói được dù khá khó khăn. Lee không biết đọc ký hiệu của người câm điếc vì được dạy cách đọc khẩu hình miệng.
Nỗ lực của cha mẹ
Thành công của tay vợt khiếm thính 21 tuổi này đến từ nỗ lực không ngừng của anh cùng công sức của cha mẹ: ông Lee Sang Jin và bà Park Mi Ja.
Năm Lee 2 tuổi, cha mẹ anh phát hiện con trai đầu lòng bị điếc. Dù bị sốc nhưng cả hai nhanh chóng bắt đầu cuộc tìm tòi, nghiên cứu về hệ thống giáo dục dành cho người khiếm thính.
Tuy Lee được đưa vào học trong một trường khuyết tật từ năm 4 tuổi, nhưng cha mẹ anh nỗ lực không ngừng để anh có thể sớm hòa nhập với thế giới bên ngoài. Bà Park dạy anh cách đọc, hiểu khẩu hình và kiên quyết không cho con trai học ngôn ngữ ký hiệu.
Cha anh, ông Lee Sang Jin, kỷ lục gia chạy 200m ở Đại hội thể thao sinh viên khi còn trẻ, tin tưởng con đường tốt nhất cho con trai mình chính là thể thao. Hiểu rằng khiếm thính là một bất lợi lớn trong các môn đồng đội, ông Lee Sang Jin cho con trai tập các môn cá nhân như golf, bắn súng, bắn cung... Và rồi Lee bột phát tiềm năng với quần vợt.
"Nhiều người nói rằng tôi không nên theo nghiệp quần vợt. Về phần mình, tôi chỉ biết mình yêu quý cuộc sống này và muốn vượt qua khiếm khuyết của mình. Khi ra sân, tôi muốn gửi đến thông điệp cho những người khiếm thính đừng mặc cảm vì khiếm khuyết của mình" - Lee nói.
Trước mắt Lee giờ đây là một tương lai rộng mở. Anh đang là tay vợt đơn nam xuất sắc thứ 3 ở Hàn Quốc (sau Hyeon Chung và Soonwoo Kwon) và đã giành hơn 220.000 USD tiền thưởng trong sự nghiệp. Ngoài ra, thành công của Lee mang một ý nghĩa to lớn dành cho các bậc phụ huynh có con em bị khuyết tật.
Bị khiếm thính sẽ thiệt thòi thế nào trong quần vợt?
Andy Roddick - tay vợt nổi tiếng người Mỹ - cho biết phản ứng đầu tiên của anh trước những cú đánh của đối thủ đến từ thính giác. Nhiều tay vợt hàng đầu thế giới khác cũng tin rằng việc tiếng trái bóng đập đất trong một tích tắc cho họ biết phải phản ứng đánh trả như thế nào.
Nghiên cứu của Viện Y học quốc gia Mỹ cho thấy con người thường phản ứng với một kích thích thính giác nhanh hơn kích thích thị giác. Cụ thể, thời gian phản ứng trung bình của thị giác là 180-200 mili giây, còn thính giác là 140-160 mili giây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận