Đoàn Ban chấp hành trung ương viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
7h, đoàn Ban chấp hành Trung ương Đảng do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu vào viếng nguyên Chủ tịch nước, nguyên cố vấn Ban chấp hành trung ương, Đại tướng Lê Đức Anh.
Tiếp theo lần lượt là các đoàn: Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước... vào viếng Đại tướng.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen đến viếng Đại tướng - Video: THIÊN ĐIỂU
Thủ tướng Campuchia Hun Sen viếng Đại tướng - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Đoàn của Thủ tướng Campuchia Hun Sen dâng vòng hoa viếng Đại tướng - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Tại Hội trường Thống Nhất (TP.HCM), ngay từ sớm, dòng người đến viếng Đại tướng Lê Đức Anh đã tề tựu.
Trước khi lễ viếng chính thức bắt đầu, tại phòng ghi sổ tang, có mặt sớm nhất để ghi những dòng tiễn biệt đại tướng là Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng trung ương Nguyễn Văn Nên và đại diện Quân khu 7, Quân khu 9.
Trong đoàn người tới viếng rất sớm ở Hội trường Thống Nhất có một người đàn ông lớn tuổi với mái đầu bạc phơ.
Ông Nguyễn Văn Tòng, 90 tuổi, nhớ về người thủ trưởng cũ của mình là một vị tướng giỏi. Sau 1975, khi ông Sáu Nam là Tư lệnh Quân khu 9, ông Tòng là phó chính ủy quân khu. Sau này, ông Tòng chuyển sang công tác trong ngành văn hóa, còn ông Sáu ra trung ương, khi trở lại TP.HCM vẫn thường gặp gỡ những người đồng chí, đồng đội cũ của mình. "Ông ấy là một vị tướng giỏi. Tôi nhớ ông đến suốt đời" - ông Tòng nói.
Trong dòng người vào viếng Đại tướng - nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh sáng nay có những người đã đến để "tháp tùng" Đại tướng đoạn đường cuối về TP.HCM - nơi Đại tướng chọn làm chốn an nghỉ cuối cùng.
Đó là ông Nguyễn Hồng Thái - người cận vệ đã theo Đại tướng gần 40 năm cho tới tận ngày ông nghỉ hưu. Hiện ông đang sống cùng gia đình tại TP.HCM
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thắp hương viếng Đại tướng - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thắp hương viếng Đại tướng - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo viếng Đại tướng - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Đoàn Chủ tịch nước do Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh làm trưởng đoàn vào viếng Đại tướng Lê Đức Anh - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Các lãnh đạo đến viếng Đại tướng tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM - Ảnh TỰ TRUNG
Các lãnh đạo đến viếng - Ảnh: TỰ TRUNG
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân thắp hương viếng Đại tướng - Ảnh: TỰ TRUNG
Một vị tướng tài, gắn bó sâu nặng với nhân dân Nam Bộ
Trong sổ tang, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ lòng tiếc thương "Một vị tướng tài ba, quả cảm, trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn, để lại nhiều dấu ấn trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, gắn bó sâu nặng với nhân dân Nam Bộ, với quân dân Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM. Một nhà lãnh đạo xuất sắc, có tầm nhìn sâu rộng trong những vấn đề chiến lược... ".
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân ghi sổ tang - Ảnh: TỰ TRUNG
Một vị tướng "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm"
Tại hội trường Thống Nhất, đến viếng Đại tướng có rất nhiều đoàn từ các đơn vị quân đội, công an.
Thay mặt đảng ủy Bộ tư lệnh Quân khu 7, tư lệnh - trung tướng Võ Minh Lương viết trong sổ tang: "Đại tướng Lê Đức Anh - một nhà chính trị lớn, nhà quân sự tài ba, luôn nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, có tư duy sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Một chiến sĩ cách mạng tài trí kiên cường, một vị tướng, vị tư lệnh, chính ủy đức độ, tài năng suốt đời gắn với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, dân tộc".
Còn thiếu tướng Huỳnh Chiến Thắng viết: "Đảng ủy Bộ tư lệnh Quân khu 9 và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang quân khu vô cùng thương tiếc Đại tướng Lê Đức Anh. Đồng chí là một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân. Đồng chí đã cống hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và sự phát triển, đổi mới của đất nước".
Đại diện Công an TP.HCM ghi trong sổ tang: "Trong 80 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh cứu nước vì nền độc lập dân tộc, cũng như trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ và phát triển đất nước Việt Nam. Đồng chí mất đi là một tổn thất lớn lao với Đảng, Nhà nước và nhân dân".
Đại diện Tổng giáo phận TP.HCM: Vĩnh biệt một nhà lãnh đạo tài ba
Trong buổi sáng, đại diện các tổ chức tôn giáo đã tới viếng Đại tướng Lê Đức Anh. Thay mặt các hồng y, các giám mục, linh mục, tu sĩ và toàn thể giáo dân Công giáo của Tổng giáo phận TP.HCM, linh mục Đỗ Mạnh Hùng, giám quản tông tòa, chia buồn sâu sắc cùng toàn thể gia quyến.
Linh mục ghi trong sổ tang: "Vĩnh biệt ngài Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam. Vĩnh biệt nhà lãnh đạo tài ba đã góp phần to lớn cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam".
"Tôi kính phục tài chỉ huy của Đại tướng"
Lẫn trong đoàn người vào viếng tang Đại tướng, có một người lính già mặc bộ quân phục kiểu cũ đã bạc màu. Ông cầm theo tờ báo có đăng tin về Quốc tang ở ngay trang nhất.
"Tôi là lính, là đồng hương của ông ấy" - ông nói. Người lính già đó là Nguyễn Văn Hanh, nguyên chính ủy Trung đoàn 10, Quân khu 9.
Trong tiếng nhạc Hồn tử sĩ trang nghiêm, kỉ niệm một thời với người chỉ huy năm nào hiện lại trong tâm trí. Ông Hanh kể, khi hiệp định Paris 1973 bị phá hoại, giữa chiến trường Long Mỹ (Cần Thơ) ác liệt, ông Lê Đức Anh đã tới thăm từng đơn vị, nói rằng nếu để địch lấn chiếm, mất dân mất đất là mất tất cả nên phải chiến đấu đến cùng. Theo ông Hanh, đó là chủ trương vô cùng sáng suốt.
Trên chiến trường Campuchia, ông Hanh cũng có dịp gắn bó 10 năm cùng Đại tướng Lê Đức Anh. Trong hoài niệm của ông Hanh, ông Lê Đức Anh là người chỉ huy rất kiên cường, sáng suốt, chỉ huy bộ đội ta đánh bại Pol Pot, giải phóng nhân dân Campuchia khỏi chế độ diệt chủng.
"Tôi kính phục tài chỉ huy và đức độ của đồng chí"- ông Hanh - nay đã 80 tuổi nói về người thủ trưởng năm nào.
Đoàn Quân ủy trung ương - Bộ Quốc phòng do Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch dẫn đầu vào viếng - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Đoàn Đảng ủy Công an trung ương - Bộ Công an do đại tướng Tô Lâm dẫn đầu vào viếng Đại tướng - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Đến viếng Đại tướng Lê Đức Anh tại Hội trường Thống Nhất, Bí thư Thành đoàn TP.HCM Phạm Hồng Sơn viết: "Hôm nay chúng cháu đến viếng bác với niềm tiếc thương vô hạn. Trong những ngày qua, các tư liệu lịch sử đã giúp chúng cháu một lần nữa hiểu thêm những công lao to lớn của bác đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Không chỉ là một vị tướng tài ba nơi chiến trường khốc liệt, trên cương vị Chủ tịch nước, bác là người khởi xướng nhiều hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Chúng cháu thật sự cảm phục và trân trọng cảm ơn những đóng góp to lớn của bác cho đất nước, dân tộc.
Tuổi trẻ TP hứa sẽ không ngừng nỗ lực trong lao động, học tập, sáng tạo, tiên phong trong hoạt động, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng TP và đất nước trong tương lai".
Anh Phạm Hồng Sơn, bí thư Thành Đoàn TP.HCM ghi sổ tang - Ảnh TỰ TRUNG
Đoàn Lãnh sự tại TP.HCM viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh - Ảnh TỰ TRUNG
Chia buồn với gia đình Đại tướng - Ảnh: TỰ TRUNG
Đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đến viếng - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Ông Nguyễn Văn Tòng, 90 tuổi, nhớ về người thủ trưởng cũ của mình là một vị tướng giỏi - Ảnh: MAI HƯƠNG
Đại diện học sinh TP Hà Nội, các em học sinh Trường THCS Lương Yên (quận Hai Bà Trưng) đợi vào viếng Đại tướng - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Trên sân Nhà tang lễ Quốc gia Hà Nội, trong lúc đợi vào viếng Đại tướng Lê Đức Anh cùng Hội Tàu không số Việt Nam, Đại úy Nguyễn Đình Quốc - thuyền phó của một tàu không số trong Đoàn tàu không số - Đường Hồ Chí Minh trên biển - chia sẻ niềm xúc động khi về viếng Đại tướng.
Ông Quốc cho biết, những tháng ngày gian lao của cuộc kháng chiến chống Mỹ, thế hệ các ông đã vượt bao thử thách, lập nhiều chiến công chính là nhờ vào niềm tin mãnh liệt ở lý tưởng cách mạng và ở tấm gương dũng cảm, tài năng của một thế hệ lãnh đạo của đất nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và đại tướng Lê Đức Anh...
Ông Quốc (thứ hai từ trái sang) và Hội tàu không số Việt Nam đợi vào viếng Đại tướng - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Trong đoàn người vào viếng Đại tướng Lê Đức Anh có các ông bà vốn là bạn học phổ thông với ông Lê Mạnh Hà - con trai của Đại tướng.
Trong lúc đợi viếng Đại tướng, họ bồi hồi xúc động kể lại quãng thời gian tuổi học trò thời chiến những năm 1973-1975, họ thường vẫn đến thăm nhà Đại tướng lúc đó còn là Trung tướng. Ai ai cũng xúc động nhớ lại những lần được gặp và trò chuyện rất thân mật với người cha tài năng nhưng rất giản dị của bạn mình mỗi lần ông từ chiến trường về Hà Nội.
Đoàn bạn học của con trai Đại tướng đợi vào viếng - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Trong những đoàn người tới viếng Đại tướng ở Hội trường Thống Nhất, TP.HCM, dễ nhận ra những người lính năm xưa với những bộ quân phục giản dị và những mái đầu đã bạc.
Ông Nguyễn Văn Dụ - phó ban liên lạc Bộ đội Trường Sơn TP.HCM lý giải: "Chiến trường gian nan vất vả nhưng bác Lê Đức Anh thọ đến 99 tuổi, chúng tôi cũng còn dẻo dai. Chính cái gian khổ vất vả đã rèn luyện chúng tôi. Như tôi là chính trị viên các đài trinh sát nên leo núi giỏi lắm". Sau 16 năm chiến đấu ở Trường Sơn, ông Dụ về làm bộ đội hải quân, rồi sau đó tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia dưới sự chỉ huy của tướng Lê Đức Anh.
Ông Dụ nói: "Tôi thấy bác Lê Đức Anh là người cộng sản kiên cường. Kiên cường cả trong đấu tranh giải phóng dân tộc cả trong xây dựng đất nước".
Khí chất kiên cường ấy, ông Dụ dẫn chứng như việc tổ chức lại lực lượng quân đội sau chiến tranh biên giới phía Bắc. Khi đó, ông Lê Đức Anh với tư cách Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã thúc đẩy việc giảm quân số quân đội từ 9 quân đoàn chỉ còn 4.
Theo ông Dụ, nếu không dũng cảm thì không dám giảm đi một lực lượng đáng kể như vậy. Tổ chức lại rồi vẫn giữ được độc lập, thành quả cách mạng, nhưng giảm bớt rất nhiều khó khăn cho đất nước.
Bà Nguyễn Thị Đoàn đến viếng Đại tướng - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
74 tuổi, sức khỏe yếu, với vết thương vừa mổ ở chân còn chưa lành hẳn nhưng bà Nguyễn Thị Đoàn - một thanh niên xung phong hiện đang sống tại phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vẫn lặn lội một mình bắt xe buýt đến tiễn biệt vị Đại tướng mà thế hệ bộ đội, thanh niên xung phong của bà rất mực tôn kính.
Nhiều lần được gặp Đại tướng khi bà công tác tại trường Nguyễn Ái Quốc (Hà Nội) sau chiến tranh, bà Đoàn rất ấn tượng với Đại tướng.
"Đó là một vị tướng thương yêu đồng đội và đồng bào vô cùng", bà Đoàn xúc động nhớ lại những lần Đại tướng về thăm trường Nguyễn Ái Quốc để động viên cán bộ, bộ đội, thanh niên xung phong.
Nhiều người dân đến viếng Đại tướng tại Huế
Tại quê nhà Thừa Thiên - Huế, từ sáng sớm, rất đông cán bộ, người dân đến từ các địa phương trên toàn tỉnh đến Hội trường UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế để viếng nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh.
Lễ viếng Đại tướng Lê Đức Anh tại Hội trường UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế. - Thực hiện: NHẬT LINH
Dẫn đầu là đoàn viếng của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế là ông Phan Ngọc Thọ - chủ tịch UBND tỉnh.
Tiếp sau đó là đoàn của UBND tỉnh Quảng Trị, các cơ quan, tổ chức đóng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế lần lượt vào viếng.
Lễ viếng nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh được tổ chức tại Hội trường UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế. - Ảnh: NHẬT LINH
Đại diện các đại sứ quán đóng tại Đà Nẵng cũng đã về Huế để dâng hương tưởng nhớ Đại tướng Lê Đức Anh.
"Đảng, Chính phủ và nhân dân các bộ tộc Lào vô cùng thương tiếc đồng chí Lê Đức Anh. Chúng tôi luôn nhớ đến đồng chí - vị Đại tương tài giỏi, đầy bản lĩnh của Cách mạng và dân tộc Việt Nam" - ông Viengxay Phommachanh - Tổng lãnh sự quán CHDCND Lào tại TP Đà Nẵng - đã viết như vậy vào sổ tang tưởng nhớ Đại tướng Lê Đức Anh.
Sáng cùng ngày, tại quê hương của Đại tướng ở làng Bàn Môn ((xã Lộc An, huyện Phú Lộc) từ sớm, người thân, bà con, láng giềng lối xóm ở quê hương Đại tướng đã tìm về căn nhà bên dòng sông Truồi nơi ông lớn lên để thắp hương tiễn đưa ông.
Nhiều người xúc động tiếc thương một vị tướng tài ba nhưng luôn gần gũi, giản dị mỗi lần trở về quê hương.
Lễ treo cờ rủ được tiến hành tại Quảng trường Ba Đình sáng 3-5 - Ảnh: Vietnam+
Đúng 6h sáng 3-5, tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội, nghi thức treo cờ rủ được tiến hành, bắt đầu Quốc tang Đại tướng Lê Đức Anh - nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng trong 2 ngày 3 và 4-5. Cũng trong thời gian này, tất cả các cơ quan, công sở, nơi công cộng đều treo cờ rủ và ngừng tất các cả hoạt động vui chơi, giải trí.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận