Nhà văn Lê Văn Thảo - Ảnh: Thanh Đạm |
Nhà văn Lê Văn Thảo đang chống chọi với căn bệnh nan y. Những đồng nghiệp, nhiều thế hệ bạn văn của ông cùng Hội Nhà văn TP.HCM làm một buổi tọa đàm vào sáng 27-4 như cộng hưởng một lời chúc sức khỏe, thêm một nguồn động viên ông tiếp tục “Những năm tháng nhọc nhằn”(*).
Và dù không đủ sức khỏe để đến với tọa đàm, có lẽ nhà văn Lê Văn Thảo cũng sẽ cảm nhận được không khí xúc động và niềm chân thành đáng quý từ những ý kiến dành cho ông, ở cả hai bình diện: cuộc sống và tác phẩm.
Niềm xúc động đầu tiên đến từ cô em gái Dương Cẩm Thúy của ông. Chị Cẩm Thúy rưng rưng nhớ lại hồi thoát ly vào rừng học ở Trường Nguyễn Văn Trỗi, gian khổ cực kỳ. Chị nhớ trận càn năm 1970 cướp mất người chị ruột thứ sáu, lúc này anh Lê Văn Thảo ở nơi khác, sau trận càn chị sơ tán và gặp anh Thảo trên đường.
Chị nhớ mãi giây phút gặp nhau, “anh Thảo đứng sững lại tựa vào nhánh dây rừng, không nói gì một lúc lâu rồi rút điếu thuốc ra hút, mãi sau mới nói: em về với anh”.
Những câu chuyện như thế, nhà văn Lê Văn Thảo có nhiều lắm, ông có cả một “kho tàng” những câu chuyện làm văn nghệ hồi ở trong rừng, toàn chuyện người thật việc thật mà trong những lần vui chuyện ông kể lại, đám em cháu thế hệ sau mắt tròn mắt dẹt ngó ông như đang nghe giai thoại.
Bây giờ, tọa đàm về ông nhưng không được nghe ông nói, bạn bè lại càng nhớ ông khi xem những thước phim tư liệu Thả mây để thấy núi - lấy cái tứ từ truyện Lên núi thả mây của ông. Xem phim, nghe giọng Lê Văn Thảo nói, “nhiều khi viết xong, đọc lại thấy sao mà mình kém cỏi quá… không bao giờ được tự bằng lòng với chính mình”.
Mọi người gật gù, phải rồi, Lê Văn Thảo là như vậy. Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu nhắc lại một điều chính ông Lê Văn Thảo từng nói, rằng ông viết về con người, về đồng đội của ông, “do vậy mà trong tác phẩm ông không hề lên giọng”.
Lên giọng thì đã không phải là Lê Văn Thảo, nhà văn Triệu Xuân cho rằng sợi chỉ đỏ xuyên suốt các tác phẩm của Lê Văn Thảo là tình nhân ái, “anh không làm dáng trong văn chương, tôi mê văn Lê Văn Thảo ở chỗ chân thật như chính người dân vùng sông nước Nam bộ” - Triệu Xuân bày tỏ.
Có lẽ cảm tình của mọi người dành cho Lê Văn Thảo còn ở chỗ ông vốn là nhà văn rất có lòng với các thế hệ đàn em. Trong hai nhiệm kỳ ngót mười năm làm chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, ông gắn bó và tạo nhiều điều kiện để các nhà văn trẻ có cơ hội thể hiện và phát triển.
Nhà văn Trần Nhã Thụy còn nhớ những ngày mới ra trường theo ông về làm công tác hội và cũng từ những ngày tháng cộng sự với Lê Văn Thảo, anh Thụy nhận ra ở ông sự chú trọng về kỹ thuật viết, khả năng đọc, nắm bắt các nội dung mới của thời sự văn chương và hơn hết, tác phẩm của ông vừa có cốt truyện đặc biệt vừa có giọng điệu riêng - là điều khó đạt được ở địa hạt văn chương.
Nói về văn tài của Lê Văn Thảo ở tiểu thuyết Cơn giông, nhà văn Tô Hoàng thốt lên: “Lê Văn Thảo viết Cơn giông như trong một cơn nhập đồng, ghê gớm thật, kỳ quái thật”.
Đây cũng là tác phẩm mang lại cho nhà văn Lê Văn Thảo giải thưởng Asean năm 2006 (Lê Văn Thảo còn được Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2012).
Tranh thủ phần thời gian ít ỏi tại tọa đàm, nhà văn Bích Ngân tiết lộ về một tập bản thảo Lê Văn Thảo ghi chép về Đồng Tháp Mười - nơi mà ông có nhiều năm gắn bó, am hiểu. “Giá như còn thời gian để anh Lê Văn Thảo hoàn thành tập ghi chép này, sẽ là những tư liệu rất quý” - nhà văn Bích Ngân nói trong xúc động.
TS Bùi Thanh Truyền ví von về nhà văn Lê Văn Thảo “như một cánh rừng tràm mà bóng mát, hương thơm từ đó khiến người đi qua cứ vương vấn mãi không thôi…”.
__________
(*) Tên một tác phẩm của Lê Văn Thảo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận