Vào lúc 1h10 ngày 18-10, một vụ sạt lở núi tại xã Hướng Phùng, Hướng Hóa, Quảng Trị đã làm 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 hi sinh - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Linh cữu các liệt sĩ lần lượt được di chuyển ra khỏi nơi cử hành tang lễ về quê an táng. Trong giờ phút tiễn đưa, nước mắt hàng hàng - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Trong lễ truy điệu diễn ra tại Nhà thi đấu tỉnh Quảng Trị, Thiếu tướng Nguyễn Đức Hóa, phó Chính ủy Quân khu 4, đọc điếu văn gợi nhắc lại từng nhiệm vụ và quá trình công tác của 22 liệt sĩ đã hi sinh.
Từng lời điếu văn như đốt cháy cảm xúc của người nghe. Người lính trải qua bao nhiệm vụ rồi hi sinh vì dân. Sự hi sinh ấy Tổ quốc và người dân sẽ mãi ghi nhận. Họ mãi mãi sống trong lòng người ở lại.
Bởi họ là bộ đội Cụ Hồ
Trước sự hiểm nguy của nhân dân do bão lũ gây ra trong thời gian qua; cán bộ, chiến sĩ của Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 đã hành quân về xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn giúp nhân dân bảo vệ tính mạng, tài sản do mưa lũ, sạt lở.
Sau những ngày dầm mình trong mưa gió, với bao khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, nhưng cán bộ, chiến sĩ vẫn quyết tâm thực hiện nhiệm vụ, không chùn bước để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình… các chiến sĩ trở về doanh trại để ngày mai lại lên đường tiếp tục thực hiện nhiệm vụ giúp nhân dân.
Vào lúc 1h30 ngày 18-10-2020 một vụ sạt lở núi kinh hoàng xảy ra, 4 sĩ quan, 10 quân nhân chuyên nghiệp và 8 chiến sỹ hi sinh.
Phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình của quân đội; phía trước là nhân dân đang gặp gian nguy, người lính Cụ Hồ đã không ngần ngại hi sinh.
Những người chiến sĩ ấy đã nêu cao tinh thần quả cảm, sẵn sàng đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới để thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ, hiểm nguy.
Chúng ta đã, đang thực sự sống trong cuộc chiến đấu giữa thời bình, không có tiếng súng nhưng máu của người lính vẫn đổ. Hành động "phía trước là nhân dân" với mệnh lệnh từ trái tim, luôn sẵn sàng có mặt ở nơi hiểm nguy để cứu giúp nhân dân là hành động cao đẹp, thể hiện sâu sắc phẩm chất sáng ngời và bản lĩnh của "Bộ đội Cụ Hồ" trong thời kỳ mới.
Đây là sự mất mát vô cùng to lớn khi trong thời gian chưa đầy 10 ngày, Quân đội nhân dân Việt Nam và các gia đình đã vĩnh viễn mất đi 33 cán bộ, chiến sỹ ưu tú; những người tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, gắn bó thân thiết với đồng bào các dân tộc nơi biên giới xa xôi của Tổ quốc.
Chúng tôi xin gửi lời chào vĩnh biệt, cầu mong các đồng chí hãy yên lòng an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng trong lòng đất mẹ.
Những hoài bão trong sự nghiệp và ý nguyện trong cuộc sống của các đồng chí sẽ được tiếp tục thực hiện bằng sự nỗ lực cao nhất của chúng tôi.
Hình ảnh, phẩm chất, đạo đức và sự hi sinh cao đẹp của các đồng chí luôn sống mãi trong trái tim của gia đình, đồng chí, đồng đội và bạn bè.
(Trích Điếu văn do Thiếu tướng Nguyễn Đức Hóa, phó chính uỷ Quân Khu 4, đọc tại Lễ truy điệu)
Những người lính nghiêm trang chào tiễn đưa những người đồng đội của mình ngay sau khi những chiếc xe đưa linh cữu rời khỏi nơi cử hành tang lễ: "Chúng tôi sẽ mãi nhớ về 22 người đồng đội đã hi sinh. Họ là hiện thân của người lính sẵn sàng hi sinh vì nhân dân" - Ảnh: LÊ NINH
Gia đình liệt sĩ Lê Thế Linh đi sau linh cữu cuối cùng rời lễ truy điệu. Linh cữu của anh sẽ được đưa về nhà ở TP Đông Hà, cách nhà thi đấu đa năng tỉnh Quảng Trị không xa. Bà Lương Thị Lý, mẹ liệt sĩ Linh cho biết ở nhà đã chuẩn bị tang lễ cho anh - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Tiễn đưa các anh về nhà trong một ngày trời âm u se lạnh. Hàng ngàn người dân đứng khắp các ngả đường tiễn đưa 22 người lính hi sinh nơi tuyến đầu về quê nhà an nghỉ. - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Vĩnh biệt 22 liệt sĩ của Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Lễ viếng 22 chiến sĩ hôm nay có rất nhiều người dân, họ đến và họ khóc - Ảnh: Báo điện tử Quân khu 4
Cảm xúc tiễn đưa luôn là khoảnh khắc vỡ òa, có mạnh mẽ thế nào cũng khó lòng trụ vững. Không còn tiếng trống, không còn tiếng bước chân, chỉ có nước mắt và tiếng khóc vụn vỡ trong lúc này.
Lễ di quan được cử hành trong đau thương của người ở lại. Những người vợ, những người mẹ, họ biết làm gì lúc này, đến ghìm tiếng khóc mình lại họ cũng không làm được.
Lễ truy điệu 22 chiến sĩ Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 diễn ra trang nghiêm tại Nhà thi đấu Quảng Trị, sau lễ truy điệu, các anh sẽ lần lượt về với quê nhà - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Hàng ngàn người dân, đại diện các cơ quan, tổ chức đến sớm trước Nhà thi đấu đa năng tỉnh Quảng Trị để chờ được vào viếng 22 liệt sĩ của Đoàn Kinh tế quốc phòng 337.
Công trình thể thao này được thiết kế đa chức năng nên gọi là Nhà thi đấu TDTT đa năng nhưng khi thiết kế nó hẳn không ai có thể nghĩ đến chức năng được sử dụng như mấy hôm nay: dùng làm nơi tập kết thi hài 22 người lính Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 hi sinh, tổ chức tang lễ và sáng nay, lễ truy điệu được tổ chức trọng thể trước chuyến đi cuối cùng về với quê nhà của họ.
Đoàn xe chuẩn bị đưa 22 liệt sĩ về quê nhà - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
10h30, bên ngoài nhà thi đấu, đoàn xe hơn 60 chiếc bắt đầu nổ máy. Mỗi liệt sĩ sẽ có 3 xe đưa về quê hương. Một xe chở linh cữu liệt sĩ, một xe chở thân nhân và xe chỉ huy dẫn đường đưa các anh về quê nhà.
Các chiến sĩ Trung đoàn 841, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh chở linh cữu và thân nhân các quân nhân về các huyện Kỳ Anh, Hương Khê và Nghi Xuân, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) nghẹn ngào xúc động.
"Nhiệm vụ khó khăn nào chúng tôi cũng vượt qua nhưng vào đây đưa đồng đội mình về quê là nỗi đau quá lớn." - một chiến sĩ trên xe chở thân nhân chia sẻ. Đoàn xe sẽ xuất phát lúc 11h và chạy liên tục dự kiến sẽ đến quê nhà các anh lúc 20h tối nay.
Cụ ông Nguyễn Khắc Sanh (98 tuổi, P Đông Lễ, TP Đông Hà) đến viếng 22 liệt sĩ - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
10h đúng, bên trong nhà thi đấu, lễ truy điệu 22 liệt sĩ chính thức bắt đầu. Bên ngoài, cụ ông Nguyễn Khắc Sanh (98 tuổi, P Đông Lễ, TP Đông Hà) vẫn ngồi hướng một mắt còn lành lặn vào phía nơi phát ra tiếng nhạc tiễn biệt.
Ông Sanh vẫn loay hoay khi không thể bước qua bậc tam cấp để tiến vào bên trong nhà thi đấu nhưng với ông, được viếng các chiến sĩ từ xa cũng là đã thỏa mong muốn khi hàng chục phút chống gậy đi bộ đến đây.
Ông Sanh từng tham gia 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ông nói rằng chiến tranh khắc nghiệt mà thực tế thiên tai cũng khắc nghiệt như thế. Nghe vụ Rào Trăng 3 với mười mấy chiến sĩ đã ngã xuống, chưa hết bàng hoàng ông lại đón tin đau lòng sạt lở núi khiến 22 quân nhân hi sinh khi làm nhiệm vụ giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ.
Lễ truy điệu 22 chiến sĩ hi sinh của Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 - Ảnh: LÊ ĐỨC DỤC
“Như sau một trận chiến ác liệt thời xưa vậy. Hi sinh quá nhiều, mất má quá lớn. Tôi có hơn 30 huân huy chương nhưng không đeo lên ngực để đến lễ viếng, bởi có gì đau lòng hơn khi sau hai cuộc kháng chiến tôi vẫn ngồi đây, vậy mà giữa thời bình các chiến sĩ tuổi con tuổi cháu tôi lại nằm xuống nơi biên giới”.
Nhìn thấy hình ảnh người lính Cụ Hồ nhòe nước mắt, nhiều người chứng kiến tại lễ tang đã dìu ông Sanh tiến từng bước chậm vào nơi đang đặt linh cữ 22 chiến sĩ bên trong.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình dẫn đầu đoàn đầu tiên vào viếng 22 chiến sĩ - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Đại tướng Lương Cường - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị vào viếng 22 chiến sĩ - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị động viên các thân nhân liệt sĩ - Ảnh: Báo điện tử Quân khu 4
22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 hi sinh trong thực hiện nhiệm vụ giúp đỡ nhân dân phòng chống mưa lũ... - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Bà Nguyễn Thị Hải Yến (65 tuổi, hội phụ nữ P Đông Lễ) cùng các chị em trong nhóm mang những túi bánh chưng, nước uống đến từng xe quân đội, gửi các tài xế ăn trên đường đưa linh cữu các quân nhân về quê hương. Bà Yến cùng chị em nơi đây kêu gọi nhà tài trợ, nấu hàng chục suất ăn cho các chiến sĩ trực tại nhà thi đấu - nơi thi thể 22 quân nhân được chuyển về - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Hàng ngàn người viếng 22 quân nhân hy sinh trong vụ sạt lở đất ở Quảng Trị
Ông Nguyễn Văn Hà 73 tuổi, TP Đông Hà chia sẻ rằng mấy ngày qua ông đều ghé thăm nhưng ở ngoài.
Hôm nay được vào ông muốn thắp cho 22 liệt sĩ nén hương. Ông Hà cũng là một người lính. Ông bảo mát mát nào cũng đau thương dù thời bình hay thời chiến. Nhưng người lính thì luôn sẵn sàng hi sinh vì sự an toàn của người dân.
Nhà thi đấu tỉnh Quảng Trị hôm nay trắng một màu khăn tang - Ảnh: Báo điện tử Quân khu 4
Có những giọt nước mắt đã rơi khi nhìn thấy những đứa trẻ phủ khăn trắng chịu tang cha. Một người đi viếng đã ôm lấy một cháu bé. Cô khóc nghẹn. Giờ phút này, mỗi người sẽ có cho mình một cảm xúc riêng, nhưng chung một niềm tiếc thương - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Ông Hoàng Trung Chính, cha vợ của liệt sĩ Lê Hải Đức, chia sẻ câu chuyện về liệt sĩ Đức: Họ cưới nhau được ba năm, có một mụn con rồi anh Đức đi công tác triền miên, hai vợ chồng chưa có lấy một tổ ấm riêng tư. Chị Hoàng Thị Oanh, vợ liệt sĩ Đức vẫn đang ở cùng cha mẹ chồng ở Quảng Bình. Ông Chính đau xót và mơ hồ nghĩ về tương lai của con gái và cháu ngoại khi mất đi trụ cột. Mấy ngày qua chị Oanh khóc suốt, ông Chính bảo ông không biết động viên sao... - Ảnh: TRẦN MAI
Bà Nguyễn Thị Sen và chồng ở phường 5 TP Đông Hà, tối qua chồng bà đã đến thăm các quân nhân ở nhà thi đấu, đến sáng nay 2 vợ chồng lại chở nhau vào lúc sáng sớm đến lễ tang dù họ không hề quen biết ai trong 22 quân nhân hi sinh.
"Tình nghĩa đồng bào nên tui đến đây. Đưa các cháu các em đi một đoạn. Từ khi nghe tin, gia đình tui không máu mủ gì cũng cắt hết cả ruột, huống gì thân nhân của họ. Giữa thời bình mà sự mất mát quá xót xa. Mong cho họ cố gắng vượt qua" - bà Sen nói.
Con trai bà Sen là quân nhân, ngay cả chồng bà xưa kia cũng là bộ đội. Nên bà Sen hiểu hết nỗi đau đớn. Ở thời bình mà mất mát quá lớn khi 22 chiến sĩ còn quá trẻ chỉ mới mười chín đôi mươi đã ngã xuống nơi núi rừng. Quá xót xa.
Lễ tang 22 cán bộ chiến sĩ của Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 diễn ra trong tiết trời Quảng Trị rất lạnh - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Phóng sự Hoa đỏ giữa thời bình - Video: BÁO ĐIỆN TỬ QUÂN KHU 4
Nhà thi đấu Đa năng tỉnh Quảng Trị hôm nay thực thực hiện một nhiệm vụ chưa từng có, khi trở thành nơi tập kết làm lễ viếng và lễ truy điệu cho 22 liệt sĩ Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 hi sinh tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị.
Những người trong ban tang lễ bắt đầu thực hiện những nhiệm vụ của mình. Tiếng nhạc tiễn đưa vang liên, mọi người mặc niệm cho những người ngã xuống. Một góc nhà thi đấu nơi cử hành tang lễ phủ kín khăn tang.
Những thân nhân 22 liệt sĩ lặng lẽ đứng nhìn những người đồng đội và lãnh đạo các cấp lần lượt đi vòng quanh những linh cữu của người thân mình.
Lễ viếng 22 cán bộ chiến sĩ Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 bắt đầu từ 7h - Ảnh: LÊ NINH
Từ sáng sớm 22-10, lực lượng quân đội, gia đình cùng rất đông người dân đã đến Nhà thi đấu Đa Năng tỉnh Quảng Trị ở TP Đông Hà để tiễn biệt 22 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn kinh tế quốc phòng 337 vừa hi sinh ở xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị).
Trời Quảng Trị sáng nay rất lạnh. Người đến viếng các quân nhân nhận khẩu trang ở lối vào nhà thi đấu. Lặng lẽ tiến vào bên trong.
Gia đình, người thân các liệt sĩ trước giờ làm lễ viếng - Ảnh: Báo điện tử Quân khu 4
Ông Nguyễn Đức Chung cậu ruột của quân nhân Nguyễn Quang Sơn ngồi lặng lẽ trước lối ra vào. Ông vẫn chưa tin được sự ra đi của đứa cháu. Chiến sĩ Sơn chỉ mới 19 tuổi. Cả gia đình 8 người bắt xe vội vả từ Nghệ An vào.
Mấy hôm nay cả nhà chết lặng. "Cháu tôi tội qua Nó chỉ mới 19 thôi. Ai cũng bàng hoàng"- ông Chung nói: "Cháu mất quá đột ngột, lụt lội khắp nơi nên không một bạn bè vào tiễn biệt. Chỉ có người thân trong gia đình."
Tiểu đoàn 6, trung đoàn 19, SĐ 968, Quân khu 4 với 90 cán bộ chiến sĩ đã đến nhà thi đấu lúc 4h30 sáng nay. Đây là lực lượng di quan, đưa 22 cán bộ chiến sĩ về nơi an nghỉ - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Vào lúc 1h10 ngày 18-10, một vụ sụt lở núi tại xã Hướng Phùng, Hướng Hóa, Quảng Trị đã làm 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 hi sinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận