27/06/2019 19:01 GMT+7

Lê Trung Thảo - ông thầy lận đận

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Ở các lớp đào tạo diễn viên từ các trường, trung tâm nghệ thuật từ TP đến các tỉnh, nếu có bộ môn vũ đạo, cái tên Lê Trung Thảo được ưu tiên lựa chọn.

Lê Trung Thảo -  ông thầy lận đận - Ảnh 1.

Nghệ sĩ trong vở Nhật thực - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Anh cũng là người được các game show truyền hình như Gương mặt thân quen, Sao nối ngôi, Kịch cùng bolero… ưu ái mời dàn dựng các trích đoạn cải lương.

Vậy nhưng ít ai biết thời đi học ở Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh TP.HCM (khoa kịch hát dân tộc), điểm môn vũ đạo của Thảo chỉ ở mức làng nhàng, chừng 6, 7 điểm là cao.

Hồi giải Trần Hữu Trang được tổ chức, Thảo mê lắm, lần nào cũng đăng ký thi, thi chục lần rớt hết... chục lần.

Học trò thì tỉnh bơ trong khi cô Diệu Đức (nguyên trưởng khoa kịch hát dân tộc) bật khóc, cô nói: "Số con sao lận đận quá Thảo. Phải chi con cẩu thả, lười biếng như người ta thì rớt cũng cam, đằng này con mê nghề như thế, chăm chút như thế...".

Số phận dường như không cho Thảo đi nhanh, bắt anh cứ chậm rãi thôi, thấm từ từ, mà đã thấm thì thật chắc. Hồi còn sinh viên, người ta đi thi đoạt giải này giải nọ, Thảo không được chọn, tới chừng được chọn thì anh thắng luôn hai giải: HCV và giải diễn viên xuất sắc nhất với vai Trần Quốc Toản trong Liên hoan sân khấu âm nhạc kịch hát truyền thống chuyên nghiệp toàn quốc 2002.

Cái nghề của mình mênh mông lắm, giải thưởng là sự ghi nhận nhưng quan trọng hơn hết là mình học được gì từ cái nghề và làm được cái gì cho nghề. Trăn trở vậy mới ở lâu được với nghề nghiệp mình đã chọn.

Lê Trung Thảo

Lê Trung Thảo -  ông thầy lận đận - Ảnh 3.

Nghệ sĩ Lê Trung Thảo đang thị phạm động tác và chuông vàng vọng cổ Minh Trường trên sàn tập - Ảnh: NVCC

Chịu thương chịu khó với cải lương

Hồi mới tốt nghiệp bị thầy chê hoài nên Thảo quyết chí học lên đạo diễn, học biên đạo múa để đi tìm cái "cảm" mà thầy bảo anh còn thiếu.

Ra trường, được soạn giả Hoàng Song Việt thương đưa về làm đạo diễn ở nhóm Thắp Sáng Niềm Tin, mày mò cả mười mấy năm trời, gần đây anh mới có một số vở gây được chú ý với người trong nghề. Gần nhất là vở Ngày đó họ đều còn trẻ tại Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc ở Long An.

Lận đận với nghề nghiệp nhưng Thảo là người bền bỉ, trong từ điển nghề của anh không có sự nản chí. Bởi thương nghề nên cứ cặm cụi làm hoài. Mặc dù với sự đa năng hiện nay anh sống tốt với các game show, chương trình truyền hình, các sô múa bên ngoài nhưng người ta chưa bao giờ thấy Thảo rời cải lương.

Sự kiên trì với nghề của Thảo khiến các đạo diễn tên tuổi cũng phải thương. Hồi đó, đạo diễn Hoa Hạ viết vở Trung thần với vai Tả quân Lê Văn Duyệt ý định dành cho NSƯT Thành Lộc.

Nhưng nhìn thấy sự chịu thương chịu khó của Thảo, chị xúc động và quyết định đầu tư cho Thảo vào vai Tả quân trong vở cải lương Trung thần. Vở giành HCB trong Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015 tại Bạc Liêu, riêng Lê Trung Thảo đoạt HCV cá nhân.

Lúc tập vở vì thời gian khá eo hẹp nên anh chị em phải tập khá vất vả, còn Thảo diễn xong lại quay sang dàn dựng cho tốp múa. Diễn viên Điền Trung diễn xong một lớp vô hậu trường thả gậy ra thở dốc, nhìn Thảo vẫn quay cuồng trên sàn tập, anh la lớn: "Mày là... con quỷ chứ không phải con người!".

Thảo ăn chay trường 10 năm nay nhưng anh đều đặn tập yoga, tập múa nên sức khỏe rất dẻo dai. Ngay cả khi đang diễn, thấy mệt anh vẫn có cách riêng để lấy lại sức trên sân khấu. Vì vậy, có thể nói Thảo là một trong những gương mặt hiếm hoi có thể đứng suốt trên sân khấu trong một vở diễn mà không bị đuối, bị mệt.

Điều đó lý giải vì sao không có một giọng ca xuất sắc nhưng Thảo được đạo diễn Lê Nguyên Đạt chọn vào vở cải lương thể nghiệm Nhật thực để tham gia Liên hoan sân khấu thể nghiệm quốc tế diễn ra tháng 10 tại Hà Nội năm nay.

Thầy của nhiều tài năng trẻ

Khi là thầy, Thảo nhớ lại kinh nghiệm... thi rớt của mình và nghiệm ra rằng mình thất bại do cứ thấy thích vai diễn nào đó rồi lấy đi thi mà không chú ý rằng có phù hợp với mình hay không. Kinh nghiệm quý báu đó đã giúp anh chuốt bài thành công cho rất nhiều học trò của mình.

Trước hết, anh nhìn học trò có tố chất hay không mới nhận chuốt cho đi thi, kế đó phải lựa vai diễn nào thật phù hợp khả năng học trò. Nhờ có thời gian gần gũi soạn giả Hoàng Song Việt nên Thảo học lóm được cách biên tập, viết lời bài ca, tiểu phẩm.

Anh biết chỗ nào thêm vài từ để đủ hơi ca của trò, hoặc cắt bớt cho vừa với giọng hơi mỏng. Có những học trò mà Thảo phát hiện được khả năng tiềm ẩn, anh sẽ cố gắng khơi gợi.

Học trò của thầy Thảo có lẽ đã học được những kinh nghiệm rất "xương máu" của thầy: không thể có thành quả một sớm một chiều, đó phải là chặng đường dài của khổ luyện. Nếu mình không may mắn có đủ tố chất như người khác thì phải nỗ lực gấp 3, gấp 4 lần người ta. Thầy bắt trò coi nhiều, đọc nhiều kịch bản rồi tập riết coi mình hợp với dạng vai nào.

Đã là học trò của thầy Thảo phải học được cái tánh kỹ càng. Bước ra sân khấu trước hết phải chỉn chu từng nếp quần, nếp áo, đạo cụ. Quần áo, đạo cụ của ai người đó quản. Không có chuyện tới giờ ra diễn mà la làng với hậu đài: "Anh ơi, cây kiếm của em đâu?".

Trên sàn tập, không có chuyện bạn đang diễn mà mình buông, mặt đơ. Bởi vậy, vô bữa học là thầy la hoài, nhắc hoài, biểu "cái nghề của mình mình không thương, không trân trọng thì đừng mong gì khán giả trân trọng mình!".

Năm 2017, ông thầy muốn rơi nước mắt khi chứng kiến hàng loạt học trò của mình đoạt giải cao trong cuộc thi Tài năng trẻ cải lương và dân ca kịch toàn quốc tại Đồng Nai. Nhã Thi và Thanh Toàn đoạt HCV, Kim Luận, Cẩm Loan và Nguyễn Quang đoạt HCB.

Một hành trình chậm mà chắc của thầy trò họ đã đơm hoa. Thầy Thảo vui lắm, nhưng vui hơn nếu học trò học được cách điều tiết cảm xúc trước những thành công và thất bại: "Cái nghề của mình mênh mông lắm, giải thưởng là sự ghi nhận nhưng quan trọng hơn hết là mình học được gì từ cái nghề và làm được cái gì cho nghề. Trăn trở vậy mới ở lâu được với nghề nghiệp mình đã chọn!" - thầy Thảo tâm sự.

Từ ngày còn là giảng viên ở Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh TP.HCM, Lê Trung Thảo đã góp phần đào tạo ra một lứa diễn viên cải lương trẻ gây chú ý hiện nay như Nhã Thi, Thy Nhung, Hoàng Oanh, Thúy Loan, Thảo Vy, Phương Trần, trong đó có Tánh Linh hiện là ca sĩ tân nhạc...

Lần Thảo hạnh phúc nhất là học trò Hoàng Oanh (Đoàn cải lương Long An) đoạt HCV giải Trần Hữu Trang. Bởi chính tay anh đã "mài giũa" để học trò đạt vinh quang ở giải thưởng mà ông thầy "lập kỷ lục" rớt chục lần!

hoangoanh

Diễn viên Hoàng Oanh Ảnh: Linh Đoan

Tôi được học thầy Thảo vào khoảng năm 2007 tại khoa kịch hát dân tộc Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh TP.HCM. Thầy Thảo là người thầy nhỏ tuổi nhất tôi được học nhưng tụi tôi rất thương và cũng có lúc sợ thầy lắm, bởi tánh thầy kỹ càng.

Thầy nói: "Muốn khán giả thương thì trước hết phải tôn trọng khán giả, bước ra sân khấu phải nghiêm túc, đàng hoàng từ trang phục, hóa trang, đạo cụ tới hóa thân vào nhân vật". Bước vô làm nghề mới thấy nhờ thầy nhắc đã tạo thói quen tốt, giờ ra sân khấu luôn giữ được sự chỉn chu.

Thầy là người chuốt bài để tôi đoạt HCV giải Trần Hữu Trang năm 2014. Trước mỗi nhân vật, thầy phân tích nhân vật kỹ càng rồi cho trò tự diễn theo cách cảm của mình, không áp đặt, cái nào sai thầy kêu bỏ, cái nào hay thầy nâng cấp lên.

Ra trường lâu rồi nhưng có chuyện buồn vui trong nghề nghiệp, tôi hay gọi điện thoại cho thầy. Thầy rất chịu khó lắng nghe trò, an ủi và động viên để trò lấy lại tinh thần!".

Diễn viên Hoàng Oanh (Đoàn cải lương Long An)

Một thời Đồng Ấu Bạch Long -

TTO - Có những nghệ sĩ là những người thầy của rất nhiều ngôi sao hiện nay nhưng họ có cuộc sống khá âm thầm, lặng lẽ. Có nghệ sĩ cưng học trò như con, luôn đắm đuối với nghiệp “đưa đò” dù công việc này lấy đi của họ rất nhiều sức lực.

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp