17/06/2015 10:30 GMT+7

Lê Trung Nghĩa - nhà báo của nông dân nghèo

TRẦN NHẬT VY
TRẦN NHẬT VY

TT - Tên tuổi nhà báo Lê Trung Nghĩa, bút danh Việt Nam, gắn liền với “vụ án đồng Nọc Nạn” xảy ra ở Phong Thạnh, Bạc Liêu năm 1928.

Nhà báo Lê Trung Nghĩa - Ảnh: tư liệu của nhà báo Phan Trung Nghĩa
Nhà báo Lê Trung Nghĩa - Ảnh: tư liệu của nhà báo Phan Trung Nghĩa

Sau đó là "vụ Thạnh Quới" ở Rạch Giá là những vụ nông dân nghèo bị điền chủ cướp đất. Song ngày nay gần như không còn mấy người nhớ đến nhà báo giàu lòng yêu nước, yêu nghề này.

Nhà báo có bút danh "Việt Nam"

Lê Trung Nghĩa (1905-1948) là con ông Lê Minh Điểu, người Đa Kao, thượng thư triều Nguyễn và bà Nguyễn Thị Hương, người Giá Rai, Bạc Liêu (Nguyễn Mẫn, Ấn tượng văn chương phương Nam, NXB Thanh Niên, Hà Nội 2011, trang 85), học ở Sài Gòn rồi về quê mẹ dạy học.

Nhưng đời dạy học của ông không lâu. Nhà báo Ngọa Long, người cùng thời với ông Nghĩa, trong hồi ký “10 năm làng báo Sài Gòn” đăng trên báo Đuốc Nhà Nam ngày 8-3-1970 viết: “Nhà giáo Lê Trung Nghĩa thay vì dạy “nước ta xưa gọi là Gaule và tổ tiên ta là người Gaulois” đã sửa lại thành “nước Pháp xưa gọi là Gaule và tổ tiên người Pháp là người Gaulois”.

Một viên thanh tra học chánh người Pháp đến trường và biết đã quở trách ông Nghĩa. Quở trách thì nhịn được nhưng viên thanh tra buông một câu “sale Annamite!” (tên Annam bẩn thỉu) thì không nhịn được. Ông Nghĩa cự lại, viên thanh tra tát ông, rồi ông liệng bình mực vô viên thanh tra, cuối cùng hai người... xáp lá cà”. Vì chuyện ấy mà ông Nghĩa bỏ dạy và dẫn các em lên Sài Gòn mở tiệm vẽ caricateur (ký họa, phóng họa).

Ông Nghĩa có ba người em là Lê Liễu Huê (nữ sĩ Ái Lan), Lê Chuyên Pha (Lê Pha) và Lê Minh Đức (Bút Sơn), sau này đều là nhà báo. Bút Sơn là cha đẻ nhân vật Xã Xệ nổi tiếng một thời, còn bà Ái Lan (1909 - 1976) cùng chồng là Triệu Thường Thế (Công Minh) sống chết vì nghề báo cho đến hơi thở cuối cùng.

Nhờ nghề vẽ mà ông cộng tác với tờ Đông Pháp Thời Báo của Nguyễn Kim Đính khoảng năm 1925. Thuở ấy vẽ biếm họa, hí họa cho báo rất ít người nên ông Nghĩa ngoài tờ Đông Pháp Thời Báo còn cộng tác với tờ La Tribune Indochinoise (Diễn Đàn Đông Dương) của Bùi Quang Chiêu. Nhưng một tuần vẽ hai ba tranh đăng báo thì “khó sống” nên ông bắt đầu viết với bút danh Việt Nam.

Có người thắc mắc về bút danh này, ông nói: “Tôi lấy quốc hiệu làm bút hiệu để tự nhắc nhở mình đừng quên nguồn cội, nhất là để cố giữ sao cho đời ký giả của tôi đừng phải hoen ố cái quốc hiệu đồng thời là bút hiệu của mình”.

Câu chuyện Nọc Nạn sau này đã được nhà văn Phúc Vân in thành sách - Ảnh: tư liệu
Câu chuyện Nọc Nạn sau này đã được nhà văn Phúc Vân in thành sách - Ảnh: tư liệu

“Tôi vì lương tâm chớ không vì tiền bạc”

Đầu thế kỷ 20, các điền chủ ở miền Nam làm giàu nhờ đất ruộng. Thuở ấy, vùng đất mênh mông này còn hoang hóa nhiều, ai khai phá đăng ký trước thì làm chủ. Nhưng các điền chủ giàu có không trực tiếp khai khẩn mà “đi cướp” cho lẹ! Số là đất hoang mênh mông, dân nghèo tự do khai phá để sinh sống.

Có những gia đình, dòng họ khai khẩn và sinh sống trên những vùng đất ấy hai ba đời, thế nhưng do thiếu hiểu biết nên không hề đăng ký chủ quyền. Các điền chủ có liên hệ mật thiết với chính quyền biết rõ vùng đất nào đã khai phá mà chưa đăng ký. Và họ chỉ việc làm đơn xin khai khẩn, rồi khi được giấy chủ quyền (xưa gọi là bằng khoán) thì kéo người vào đo đất và biến những người chủ thật sự thành “tá điền”.

Đầu năm 1928 ở Giá Rai, Bạc Liêu xảy ra vụ đồng Nọc Nạn. Nọc Nạn là cánh đồng khoảng 70ha thuộc làng Phong Thạnh, huyện Giá Rai, Bạc Liêu. Gia đình Tám Luông vì nghèo và bị điền chủ ức hiếp nên bỏ xứ đem gia đình đến vùng đất hoang này khai khẩn để sinh sống. Đến đời con ông là Biện Toại, Mười Chức thì đất đã gieo trồng tốt và điền chủ là Bang Tắc dòm ngó rồi xin được chủ quyền. Khi Bang Tắc cho người vào thu tô thì gia đình Biện Toại chống cự. Phía Bang Tắc có cảnh sát Tournier chết. Gia đình Biện Toại có bốn người chết.

Tháng 8-1928, vụ án ra tòa đại hình Cần Thơ và chỉ gia đình Biện Toại chịu án. Vụ án đã được ký giả Việt Nam Lê Trung Nghĩa điều tra và tường thuật lại trên báo La Tribune Indochinoise tạo ra một dư luận sôi nổi, khiến vụ Nọc Nạn trở thành điển hình trong các vụ điền chủ cướp đất ở miền Tây.

...Mười năm sau, một vụ khác tương tự xảy ra ở Thạnh Quới, Rạch Giá đụng chạm trực tiếp đến một nhân vật có quyền thế đương thời là đốc phủ Lê Quang Liêm. Lần này ký giả Lê Trung Nghĩa trong khi tường thuật trên báo Indochine NouvellePhóng Sự thì bị hăm dọa và mua chuộc. Bà Lê Liễu Huê đã kể cho nhà báo Ngọa Long và được ghi lại trong hồi ký đăng trên báo Đuốc Nhà Nam ngày 14-3-1970.

Thuở ấy, đốc phủ Lê Quang Liêm, tự Bảy, là một nhân vật “ra vô phủ toàn quyền, dinh thống đốc lúc nào cũng được”. Ông ta là thành viên hội đồng quản hạt, thành viên đại hội đồng kinh tế lý tài Nam kỳ, được coi là “vua ở Rạch Giá”.

Với quyền thế ấy, ông Liêm đã xin và được chính quyền cho 2.000 mẫu đất “hoang” ở làng Thạnh Quới. Thực tế trên 2.000 mẫu đất này đã có hàng trăm gia đình nhiều đời khai khẩn và sinh sống. Tất nhiên là dân thưa kiện. Nhà báo Lê Trung Nghĩa lặn lội từ Sài Gòn xuống Thạnh Quới sống cùng dân chúng trong làng để điều tra.

Khi vụ việc bị đổ bể ở Sài Gòn thì ông Liêm tìm cách bịt lại. Bà Lê Liễu Huê kể: “Một hôm, khi anh tôi ở nhà báo về có đem cho tôi xem một bức thơ của một ông khách gửi đến hăm dọa anh tôi và nhà báo.

Ông ấy buộc anh tôi phải ngưng ngay loạt bài điều tra, nếu không sẽ kiện anh tôi và nhà báo ra tòa. Sau đó một tuần nhằm ngày đưa ông Táo, anh tôi sắp sửa xuống nhà báo thì một ông khách bệ vệ, ngồi xe hơi đến nhà. Đó chính là ông đại điền chủ bị đăng báo và cũng là người gửi thơ hăm dọa...

Nhưng khi ông ấy gặp anh tôi thì lại có cử chỉ lễ độ, tay bắt mặt mừng. Rồi ổng vỗ vai anh tôi tỏ ý hối hận vì lá thơ. Rồi ổng mở cặp da lấy ra một xấp giấy bạc một trăm, độ chừng 2.000 đồng, đưa anh tôi và năn nỉ ngưng lại bài điều tra. Số tiền khi ấy là cả một gia tài...”.

Bà Liễu Huê kể tiếp: “Anh tôi nhếch mép cười đẩy tay đang cầm xấp bạc của ổng ra, rồi đứng dậy nói: “Xin ông cất nó vô cặp đi! Tôi vì lương tâm chớ không vì tiền bạc! Nếu ông bằng lòng để miếng đất của ông mới khẩn cho dân cày làm ruộng nuôi gia đình như họ đã làm từ mấy chục năm nay và không đuổi họ ra khỏi đó thì tôi sẽ cúp thiên điều tra ấy ngay”.

Ông khách cười giả lả rồi rút trong cặp da ra một xấp giấy bạc nữa, độ phân nửa số khi nãy, đưa cho anh tôi cả hai xấp và nài nỉ mãi. Anh tôi nổi nóng, vói tay lên đầu tủ lấy nón rồi lạnh lùng nói “Chào ông!” và nện mạnh gót giày ra khỏi nhà...”.

Bà Liễu Huê nhớ lại: “Anh tôi vẫn viết thiên điều tra trong những đêm khuya muỗi đốt, lòng chẳng có gì ăn và thèm thuốc. Thuốc hết phải hút thuốc tàn. Tết năm ấy chúng tôi ăn một cái tết... đói và nghe nợ mắng như pháo nổ đêm giao thừa”.

Người đến nhà ông Nghĩa hôm ấy chính là đốc phủ Lê Quang Liêm và khi ấy nhà báo Lê Trung Nghĩa lãnh lương chỉ có 80 đồng / tháng.

Cuối năm 1938, anh em ông Nghĩa hùn lại lập một tờ báo trào phúng tên Phóng Sự. Nhưng sang năm 1939, Pháp đàn áp báo chí Sài Gòn nên tờ Phóng Sự chết. Tiền hết, ông Lê Trung Nghĩa dẫn vợ con về Phong Điền, Thừa Thiên sinh sống.

Năm 1945, nhà báo Lê Trung Nghĩa tham gia Việt Minh và làm chủ tịch huyện. Năm 1948, quân Pháp ruồng bố bắt được ông và cả gia đình, chúng xử bắn cả nhà.

_________

Kỳ tới: Nữ phóng viên đầu tiên

TRẦN NHẬT VY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp