Buổi lễ trao giải cuộc thi đã diễn ra trong bầu không khí ấm áp và xúc động - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Câu chuyện anh Hồng Lợi là nguồn cảm hứng về một nghị lực sống tuyệt vời, lan tỏa năng lượng tích cực mà không phải ai cũng biết đến.
Nhà báo Trần Xuân Toàn
Qua cuộc thi, chúng ta cũng cảm nhận rõ hơn về tính nhân văn, cộng đồng và cả sự lạc quan của con người Việt Nam để hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn.
Tổng giám đốc Herbalife VN và Campuchia Vũ Văn Thắng
Lễ trao giải bắt đầu với sự xuất hiện bất ngờ nhưng cũng đầy... năng lượng với vợ chồng kình ngư không chân Nguyễn Hồng Lợi và nhà thiết kế Phan Thị Tường Nghĩa.
Nguồn cảm hứng từ Nguyễn Hồng Lợi
Bị dị tật bẩm sinh không có chân và chỉ có một tay, nhưng Hồng Lợi đã đứng lên từ chính nghiệt ngã của cuộc đời để trở thành VĐV bơi lội với nhiều thành tích đáng nể.
Hồng Lợi cũng chính là một phần nguồn cảm hứng của cuộc thi như chia sẻ của nhà báo Trần Xuân Toàn - ủy viên ban biên tập báo Tuổi Trẻ: "Từ khi xây dựng ý tưởng cuộc thi, chúng tôi đã thảo luận rất nhiều và chính câu chuyện anh Hồng Lợi là nguồn cảm hứng về một nghị lực sống tuyệt vời, lan tỏa năng lượng tích cực mà không phải ai cũng biết đến. Với cuộc thi, mục đích của chúng tôi là muốn truyền tải những điều tích cực trong cuộc sống.
Thật bất ngờ là ban tổ chức đã nhận được hơn 400 clip dự thi rất chất lượng sau 3 tháng phát động.
Có những câu chuyện đã khiến thành viên ban giám khảo phải bật khóc như: chị Trần Thị Xuân Đào của nhóm thiện nguyện Tâm Phúc giúp đỡ những mảnh đời khó khăn trong mùa dịch, hay câu chuyện cô Lê Thị Lan, người phụ nữ ở huyện biên giới Hồng Ngự (Đồng Tháp), vượt qua bệnh ung thư để giúp người khác...".
Hãy sớm đến với tập luyện
Có mặt trong lễ trao giải với tác phẩm đoạt giải khuyến khích Đời ngắn lắm, đừng ngủ dài, anh Hoàng Xuân Định chia sẻ: "Ba năm trước, tôi trải qua biến cố sức khỏe với nhiều căn bệnh, kể cả nghi vấn về ung thư. Bảy ngày chờ đợi kết quả dài lê thê nhưng may mắn tôi đã không mắc ung thư". Cũng từ đó, anh Định bắt đầu ý thức về dinh dưỡng và thể thao.
Và không muốn nhiều người phải trải qua cảm giác như mình, anh đã bắt đầu kêu gọi mọi người cùng tập luyện.
"Tôi từng hỏi 100 người thì tất cả đều hiểu lợi ích của thể dục nhưng chỉ có 15 người tập. Có hai lý do để họ đến với thể thao: một là thực sự hiểu lợi ích của nó và hai là trải qua một biến cố sức khỏe. Tôi hi vọng sẽ không ai phải trải qua biến cố như mình rồi mới nghĩ đến việc tập luyện", anh Định nói.
Trong khi đó, Ngô Thu Hằng - người đoạt giải nhì với tác phẩm Sống chậm để trân quý những giá trị - lại có những chia sẻ thú vị với cuộc thi.
Là tiếp viên hàng không ở Hà Nội, vì dịch COVID-19, nhiều tháng qua Hằng không thể đi làm. Để tránh xa những suy nghĩ tiêu cực, cô chọn "sống chậm" để trân quý giá trị cuộc sống.
Hằng tâm sự: "Tôi đã quay lại mọi sinh hoạt hằng ngày trước khi cuộc thi "Lan tỏa năng lượng tích cực" được công bố. Rồi như một cơ duyên, cuộc thi giúp tôi có cơ hội trải lòng, chia sẻ về bản thân trong thời gian qua.
Tôi thấy bản thân mình được trải nghiệm những điều tích cực. Tôi dành nhiều thời gian để đi học và cho người thân, bạn bè. Tham gia cuộc thi cũng là một cách giúp tôi bận bịu trong những ngày này, và tôi muốn chia sẻ những trải nghiệm của mình để giúp mọi người sống yêu đời hơn".
Thông điệp sống tích cực cho cộng đồng
Đến với cuộc thi, anh Trần Đình Hoàng lại chọn một góc nhìn khác để lan tỏa năng lượng tích cực. Câu chuyện trong video của anh kể về nhóm thiện nguyện Tâm Phúc, gồm nhiều người trẻ bỏ thời gian công sức để giúp đỡ người cơ nhỡ, khó khăn trên khắp thành phố.
Trong mùa dịch, họ không quản ngại khó khăn mang đến cho những cụ già, bác xe ôm... từng chiếc khẩu trang, từng tô cháo.
Là một độc giả trung thành của báo Tuổi Trẻ nên khi biết về cuộc thi, anh Hoàng lập tức tham gia.
"Tôi làm đoạn video này với mục đích giống như tên gọi của cuộc thi, đó là lan tỏa năng lượng tích cực. Chỉ cần những hành động rất nhỏ, rất đời thường này thôi nhưng ý nghĩa của nó là rất lớn. Đặc biệt là bây giờ trên các phương tiện mạng xã hội có những nội dung đầy tiêu cực hay thậm chí vô bổ, cuộc thi là một tia sáng giúp thay đổi điều đó".
Với đoạn video ấn tượng này, anh Hoàng đã được nhận giải nhất trị giá 30 triệu đồng. Với anh, đó là một niềm vui. Nhưng ý nghĩa của nó sẽ còn lớn hơn thế, bởi anh mong sẽ càng có thêm nhiều người trẻ tham gia những việc làm ý nghĩa cho đời, cho xã hội.
"Giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn chính là chia sẻ những năng lượng tích cực", anh nói. Có mặt tại lễ trao giải, nhân vật chính trong clip của anh Hoàng - chị Trần Thị Xuân Đào đã khóc khi kể những trải nghiệm của mình với những mảnh đời khó khăn trong quá trình thiện nguyện.
Như một lời kết, ông Vũ Văn Thắng - tổng giám đốc Herbalife VN và Campuchia - chia sẻ: "Cuộc thi đã diễn ra thành công và mang đến nhiều ý nghĩa. Chúng tôi nghĩ các bạn đọc dự thi không quá quan trọng tiền thưởng, mà họ muốn truyền tải những thông điệp sống tích cực cho cộng đồng.
Qua cuộc thi, chúng ta cũng cảm nhận rõ hơn về tính nhân văn, cộng đồng và cả sự lạc quan của con người Việt Nam để hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn.
Herbalife VN hi vọng tiếp tục được đồng hành cùng Tuổi Trẻ trong những cuộc thi ý nghĩa thế này ở tương lai".
Tác giả Trần Đình Hoàng đoạt giải nhất
Anh Trần Đình Hoàng (giữa), tác giả clip “Làm cho người ta cười là mình có phúc” nhận giải nhất cuộc thi - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Sau 3 tháng phát động, ban tổ chức cuộc thi đã nhận hơn 400 clip dự thi của bạn đọc trong và ngoài nước. Trong đó, nhiều clip dự thi được đánh giá có chất lượng về hình ảnh và cả thông điệp truyền tải năng lượng tích cực đến cộng đồng.
Bên cạnh đó, phần tương tác hình ảnh, chia sẻ câu chuyện, hưởng ứng lan tỏa thông điệp tích cực về cuộc sống cùng hagtag #lantoanangluongtichcuc trên mạng xã hội cũng được rất nhiều bạn đọc quan tâm với hàng trăm, hàng nghìn lượt đăng tải...
Phần thi chia sẻ clip yêu thích trên mạng xã hội cũng được quan tâm với hàng nghìn lượt like, share, góp phần tăng tính lan tỏa của cuộc thi...
Ngoài giải nhất thuộc về anh Trần Đình Hoàng với clip dự thi đầy tính nhân văn Làm cho người ta cười là mình có phúc, ban tổ chức cũng đã trao giải nhì trị giá 20 triệu đồng cho chị Ngô Thu Hằng với clip Sống chậm để trân quý những giá trị.
Tác giả Lê Minh Thi đã giành giải ba trị giá 10 triệu đồng với clip Vượt qua bệnh hiểm nghèo để lan tỏa năng lượng tích cực.
Ngoài ra, giải được yêu thích nhất (đạt nhiều lượt chia sẻ trên fanpage truyền hình báo Tuổi Trẻ) đã thuộc về tác giả Ngô Viết Quốc Huy với clip Hành trình thử thách bản thân.
10 giải khuyến khích trị giá 3 triệu đồng/giải của cuộc thi đã thuộc về các tác giả sau đây:
1. Tác giả Trương Thị Mai Chi với clip Sống lành mạnh ngay hôm nay cho sức khỏe mai sau.
2. Tác giả Quốc Hoàn - Lê Biết với clip Dìu mẹ đi du lịch.
3. Tác giả Phạm Quốc Huy với clip Tài sản lớn của đời người là sức khỏe và trí tuệ.
4. Tác giả Hoàng Xuân Định với clip Đời ngắn lắm,
đừng ngủ dài.
5. Tác giả Trần Đình Hoàng với clip Lại Sơn - Nơi điện đón người trở về.
6. Tác giả Lê Thu Thảo với clip "Dưới mái nhà, hai ta".
7. Tác giả Hoàng Khải, với clip Âm thanh ánh sáng cho những người không nghe không thấy.
8. Tác giả Đào Đức Thọ với clip Gia đình Bình Bông Bụp.
9. Tác giả Vũ Thị Tươi với clip Xanh sạch đẹp.
10. Tác giả Kim Thoa với clip Những chàng lính cứu hỏa tự hào hát bài ca về nghề.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận