Diễn ra từ nay đến ngày 29-10, triển lãm "Kết nối với..." trưng bày 23 tác phẩm với đa chủ đề và phong cách, từ trừu tượng, tối giản đến nghệ thuật thị giác.
Phòng trưng bày tranh Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc
Mỗi tác phẩm mang những màu sắc và cảm xúc đặc trưng tại các mốc thời gian khác nhau trong năm, đưa người xem cùng nhìn lại dòng chảy thời gian thông qua trải nghiệm, câu chuyện và góc nhìn riêng của từng tác giả.
Đây cũng là triển lãm đầu tiên ra mắt không gian mới của TomuraLee tại TP.HCM (số 24 đường số 1, Bình Khánh, TP Thủ Đức) sau hai chi nhánh tại Tokyo (Nhật Bản) và Seoul (Hàn Quốc).
Theo đại diện TomuraLee, phòng trưng bày tại TP.HCM sẽ được dành riêng để giới thiệu tác phẩm của các nghệ sĩ mới nổi và thành danh tại Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản và quốc tế, bao gồm các lĩnh vực sáng tác tranh, gốm sứ, điêu khắc, ảnh, sắp đặt và cả đồ cổ lâu đời.
Chủ đề "Kết nối với…" thể hiện thông điệp TomuraLee không chỉ muốn trở thành nơi kết nối các nghệ sĩ trong và ngoài nước, mà còn là không gian để người yêu nghệ thuật được gặp gỡ, tiếp cận với những tác phẩm nghệ thuật chất lượng.
Qua đó, góp phần làm phong phú thêm môi trường giao lưu, kết nối giữa nghệ sĩ và người thưởng thức, giữa tác phẩm với người xem.
Thêm cơ hội kết nối họa sĩ Việt với thế giới
Theo họa sĩ Tào Linh, việc có thêm một phòng tranh của người nước ngoài tại Việt Nam có nhiều cái hay, vừa mở ra cơ hội kết nối họa sĩ Việt với thế giới, vừa giúp công chúng quốc tế chú ý hơn đến nghệ sĩ và tác phẩm của Việt Nam.
Mô hình gallery trong nước vốn không mới, nhưng nhiều nơi giống cửa hàng bán tranh hơn là phòng trưng bày. Chưa kể còn tồn tại nhiều vấn đề về bản quyền, sao chép tranh, không bảo quản tốt tác phẩm… Vì thế, nhiều họa sĩ phải tự đứng ra làm triển lãm, tự giới thiệu mình.
"Gần đây, người Việt cũng bắt đầu mua tranh nhiều hơn. Nhưng cách mua tranh của người nước ngoài rất khác. Đa phần họ thông qua gallery uy tín chứ không trực tiếp tìm nghệ sĩ.
Họa sĩ mà phải đi bán tranh thì cũng không hay. Nên cách tiếp cận này vừa phù hợp, vừa mang đến nhiều cơ hội hơn" - họa sĩ Tào Linh chia sẻ.
Còn với họa sĩ Hoàng Phương Liên, chị rất vui khi được họa sĩ Lê Thiết Cương mời cùng triển lãm tại một gallery mới, lại của người nước ngoài ở TP.HCM. Theo họa sĩ, người nước ngoài mở gallery thường có cách làm riêng, khác với thông lệ ở Việt Nam về trưng bày và giới thiệu.
Phòng treo ít tranh, thoáng và trang nhã, đủ độ lùi để người xem thưởng thức những bức khổ lớn, và đủ không gian để không bị "ngợp" vì quá nhiều tranh chen chúc như một số nơi khác.
Dù địa điểm hơi khuất nhưng phòng tranh được thiết kế sang trọng, chỉn chu từng chi tiết đến cả bảng tên. Tranh cũng được đóng đinh gọn gàng chứ không treo dây trên tường, sắp xếp rất vừa phải, giúp người xem dễ dàng tập trung thưởng thức từng tác phẩm một.
"Công chúng quốc tế khi mới đến thường chưa biết nhiều họa sĩ Việt Nam. Họ phải đi qua cầu nối của những người có tiếng, hoặc thông qua các gallery để biết thêm về họa sĩ trong nước.
TomuraLee đã có kinh nghiệm hoạt động ở Nhật và Hàn, có cộng đồng riêng, là cơ hội kết nối nghệ sĩ với nhiều tệp công chúng và khách hàng mới quốc tế" - họa sĩ Phương Liên chia sẻ.
TomuraLee là phòng trưng bày nghệ thuật đương đại thành lập năm 2019 với các chi nhánh ở Tokyo, Nhật Bản và Seoul, Hàn Quốc.
Phòng tranh chuyên hợp tác, trưng bày tác phẩm của các nghệ sĩ Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản và thế giới có nhiều đóng góp cho nghệ thuật đương đại.
Một số hình ảnh khác tại triển lãm "Kết nối với...":
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận