Phóng to |
Thúy Phượng tuy bị mù nhưng vẫn không ngừng mong muốn được vươn lên và đóng góp cho XH, với những gì cô đang làm: cô giáo dạy tin học |
Buổi tọa đàm Lẽ sống thanh niên ngày nay (do Ban tổ chức vận động bình chọn Công dân trẻ TP.HCM tổ chức), diễn ra vào chiều 20-12-2006 tại báo Tuổi Trẻ như buổi trò chuyện gần gụi của những bạn trẻ - trong đó có 20 gương mặt Công dân trẻ TP.HCM- để chia sẻ điều mà không ít bạn trẻ ngày nay cho rằng quá xa vời!
Đặt lợi ích riêng trong lợi ích chung
Theo TS Hồ Thiệu Hùng thì có thể phân loại lẽ sống ở bốn loại: vì mình và chỉ vì mình (1); vì mình và phù hợp với lợi ích XH (2); vì XH trong đó có vì mình (3) và vì XH, không vì bản thân (4). Trong giới trẻ ngày nay, phần lớn bạn chọn cho mình lẽ sống theo cách (2) và (3), bởi không phải ai cũng có thể sống được theo cách (4) và những cá nhân vị kỷ thì cũng không nhiều.
Đó cũng là giao thoa của nhiều bạn trẻ khi họ chia sẻ lẽ sống của mình, như thần đồng tin học Nguyễn Khánh Ánh Hoàng "Theo tôi, lẽ sống là điều thật bình thường, chứ không phải quá lớn lao. Hãy làm những điều bình thường bằng một nghị lực phi thường". Hoàng cũng cho biết, nếu được chọn lựa giữa việc làm chuyên môn công nghệ thông tin, với việc làm lãnh đạo một vị trí XH, thì bạn chọn phương án một, bởi, nếu cống hiến tốt cho chuyên ngành sở trường, thì đó là cách đóng góp hữu hiệu cho XH, chứ không cần phải đặt mình vào vị trí cao cấp nào...
Phóng to |
Thành Trung hứng khởi chia sẻ suy nghĩ của mình |
Còn với chàng trai 24 tuổi Lê Trung Hải, trưởng nhóm Những ước mơ xanh, chuyên giúp đỡ các em ở mái ấm và là một trong số hai bạn trẻ của TP.HCM nhận giải Thanh niên sống đẹp của T.Ư Đoàn thì "Theo tôi, lẽ sống mà chúng ta chọn cần phù hợp với chuyên môn cá nhân, phù hợp với lợi ích chung. Với riêng cá nhân, lẽ sống của tôi rất đơn giản, giúp được ai thì giúp, cứ sống hết mình". Theo Hải thì đơn giản, song, không phải ai cũng có thể đến với trẻ em đường phố như là một phần cuộc sống của mình như Hải.
Không bỏ quên chìa khóa ở tuổi 20
Bạn Nguyễn Thành Trung khuấy lên nhiều sự đồng thuận: "Phải làm sao để khi 40 tuổi, 60 tuổi chúng ta không giật mình hối tiếc chúng ta đã để quên chìa khóa ở tuổi 20, hối tiếc vì nhiều điều chưa làm được, nhiều điều bỏ qua khi chúng ta còn trẻ". Và chính Trung làm không ít người suy nghĩ khi đưa ra trăn trở: "Người trẻ, rất ít người dám nghĩ lớn và thậm chí, khi họ nghĩ được chuyện lớn rồi, thì lại gặp không ít lời... bàn ra từ người đi trước"...
Với Xuân Nghĩa, chàng trai đã dùng đôi chân vẽ nên cuộc đời khi không có đôi tay thì lẽ sống với anh cũng chỉ gói gọn "Sống không để tuổi trẻ trôi qua lãng phí". Giảng giải mộc mạc, Nghĩa chia sẻ thêm, tại sao có nhiều bạn trẻ lãng phí thời gian của mình với game online, trong khi đó, họ có thể tìm đến các hoạt động xã hội như đến với các mái ấm, nhà mở... để giúp đỡ những bạn nhỏ.
"Với em, sống cần phải lạc quan và có mục đích. Em tin rằng mình sẽ chiến thắng căn bệnh ung thư xương đã theo em hơn 3 năm nay, "đóa hướng dương không cần mặt trời" Lê Thanh Thúy phát biểu hồn nhiên. Còn với bạn Nguyễn Thành Trung thì khi hiện thực hóa, lẽ sống được đặt vào bối cảnh toàn cầu hóa "Có lúc chúng ta cần phải bỏ đi cái tôi, vì cái chung, như việc tôi đang cùng liên kết với một số công ty vừa và nhỏ khác trong lĩnh vực, để tạo thành khối đối trọng để cạnh tranh khi VN trở thành thành viên WTO. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên phải tự thôi thúc mình, phải luôn nghĩ tại sao chúng ta thua nước bạn, ví như Nhật Bản, họ cũng đã đứng lên từ hoang tàn của chiến tranh, để từ đó thêm quyết tâm làm cho đất nước giàu mạnh hơn". |
Có thể vẫn còn không ít bạn cho rằng lẽ sống là khái niệm to tát, không cần nghĩ đến làm gì, song, tiến sĩ tâm lý học Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh: "Lẽ sống là điều bạn tự giải mã khi trả lời câu hỏi, mình sống vì điều gì? Phải chăng đó là sống có ích, sống nhân hậu; biết lạc quan, biết ước mơ và biết phấn đấu, phân khúc cuộc đời để thực hiện những kế hoạch mình ấp ủ. Lẽ sống cần được bắt đầu bằng nội lực của bạn. Mỗi ngày, bạn hãy chọn cho mình một niềm vui và làm một việc có ích".
Thật vậy, tuổi trẻ không đến hai lần. Xác định lẽ sống không là điều gì... ghê gớm. Tiến sĩ Đinh Phương Duy, Phó hiệu trưởng Trường đào tạo cán bộ TP đã "đơn giản hóa" những gì cần hiểu về lẽ sống khi trao đổi những quan điểm: "Nhiều bạn trẻ còn sống lơ lửng, không mục đích. Chúng ta phải có khát vọng và nó phải rõ ràng, thậm chí là cần có cả tham vọng, bởi điều đó làm chúng ta đi xa hơn. Tuổi trẻ cần dám nói, sống hết mình, sống thật với mình, biết kiên nhẫn, dám làm và dám chơi - chơi làm sao để đó là phương tiện hữu ích cho cuộc sống. Quan trọng nhất, các bạn vẫn luôn là chính mình, không phải là bản sao ai khác".
Vậy với bạn, lẽ sống của bạn là gì? Nếu bạn chưa từng nghĩ đến thì có lẽ không quá sớm để bạn nghĩ về nó. Nếu bạn đã từng nghĩ đến, bạn đã làm gì để trả lời...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận