03/09/2019 08:08 GMT+7

Lễ khai giảng 45 phút ở Đà Nẵng

ĐOÀN CƯỜNG - H.HG.
ĐOÀN CƯỜNG - H.HG.

TTO - Hiệu trưởng không đọc diễn văn, lãnh đạo các cấp không phát biểu... Từ nhiều năm nay, lễ khai giảng năm học mới tại Đà Nẵng gói gọn trong khoảng 45 phút, có trường còn ngắn hơn.

Lễ khai giảng 45 phút ở Đà Nẵng - Ảnh 1.

Từ năm 2016, lễ khai giảng năm học mới tại Đà Nẵng diễn ra ngắn gọn, không có phát biểu của lãnh đạo các cấp - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Từ năm 2016, Sở GD-ĐT Đà Nẵng đã chỉ đạo các trường về tổ chức lễ khai giảng ngày 5-9. Theo đó, thời gian tổ chức khai giảng gói gọn trong 45 phút, riêng các trường mầm non, tiểu học có thể kết thúc sớm hơn.

Hướng dẫn của Sở GD-ĐT Đà Nẵng cũng ghi rõ lãnh đạo đến dự lễ khai giảng chỉ tặng hoa và chúc mừng, không phát biểu. Đối với hiệu trưởng chỉ nói trọng tâm vào chúc mừng các em nhân năm học mới, không trình bày diễn văn dài dòng, sau đó tiến hành vào học tiết thứ 2 luôn.

Không phát biểu, không thả bóng bay

Bà Lê Thị Bích Thuận, giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, cho biết từ giữa tháng 8, sở đã có văn bản gửi các phòng GD-ĐT, các trường THPT hướng dẫn về lễ khai giảng năm học mới và Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường. Tất cả các trường đều khai giảng đúng vào sáng 5-9, bắt đầu lúc 7h15, tối đa không quá 45 phút.

Chương trình lễ khai giảng cũng phải gọn nhẹ: đón học sinh đầu cấp, chào cờ, hát quốc ca, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu. Tiếp đó là đọc thư của Chủ tịch nước; phát biểu chào mừng năm học mới của hiệu trưởng 3-5 phút và đánh trống khai trường.

Sở GD-ĐT Đà Nẵng cũng yêu cầu các đơn vị, trường học không thả bóng bay trong lễ khai giảng.

"Lễ khai giảng được tổ chức với tinh thần ngắn gọn, không có phần phát biểu của lãnh đạo các cấp. Đối với bài phát biểu chào mừng năm học của hiệu trưởng phải tập trung chào mừng các em đến trường, nhất là học sinh đầu cấp, không trình bày như một báo cáo" - bà Thuận cho hay.

Sau khi lễ khai giảng kết thúc, các trường học tổ chức dạy học bình thường theo thời khóa biểu của đơn vị.

Cũng theo Sở GD-ĐT Đà Nẵng, năm mới toàn TP có 207 trường mầm non (tăng 2 trường), 101 trường tiểu học, 60 trường THCS (tăng 1 trường), 32 trường THPT và trường nhiều cấp học; 3 trung tâm GDTX.

Để chuẩn bị cho năm học mới 2019-2020, các quận, huyện trên địa bàn đã tổ chức thi tuyển và sẽ bố trí giáo viên trúng tuyển về các trường trước ngày 3-9.

TP.HCM lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường

Theo ban giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, sở đã có văn bản chỉ đạo các trường, các đơn vị giáo dục trên địa bàn lồng ghép nội dung giáo dục về bảo vệ môi trường trong lễ khai giảng năm học mới.

Cụ thể là vận động học sinh, sinh viên, giáo viên, phụ huynh... không xả rác ra đường và kênh rạch - vì thành phố sạch và giảm ngập nước; xây dựng trường học xanh; thực hiện phong trào chống rác thải nhựa...

Sở cũng yêu cầu các đơn vị giáo dục cần có hình thức tuyên truyền và giải pháp cụ thể thực hiện tại từng đơn vị mình sao cho phù hợp với đối tượng học sinh cũng như điều kiện tại đơn vị.

"Mong thầy cô đừng đọc báo cáo trong lễ khai giảng"

Trương Thi Minh (học sinh lớp 5 ở TP.HCM):

Em mong lễ khai giảng tổ chức ngắn ngắn thôi để tụi em không phải ngồi ở sân trường quá lâu, rất nóng và khó chịu. Thật ra, em cũng thích xem các tiết mục văn nghệ hoặc ảo thuật, nhưng chỉ 1-2 tiết mục là được rồi.

Em thích tham gia các trò chơi hơn, nhất là trò chơi kéo co và các trò chơi có liên quan đến tiếng Anh, khoa học... Không chỉ được chơi thoải mái, mà sau mỗi trò chơi nếu thắng cuộc tụi em còn được phần thưởng nữa, rất là thích.

Phạm Gia Huy (học sinh lớp 9 ở TP.HCM):

Em mong ước các thầy cô hiệu trưởng đừng đọc báo cáo về tỉ lệ học sinh lên lớp, tỉ lệ học sinh giỏi, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp cuối cấp... trong lễ khai giảng vì dễ gây nhàm chán. Vả lại, những điều đó chúng em nghe xong sẽ quên ngay, không đọng lại gì cả.

Do đó, em mong lễ khai giảng thực sự là một ngày có nhiều hoạt động hấp dẫn, tạo sự thoải mái, vui tươi, là một dấu ấn khiến chúng em nỗ lực hơn trong học tập.

Ở trường em và nhiều trường THCS khác đều có rất nhiều câu lạc bộ học thuật và nghệ thuật. Nếu sau lễ khai giảng, mỗi câu lạc bộ này làm một gian hàng cho học sinh được trải nghiệm, vừa học vừa chơi thì thật thú vị và bổ ích.

Ví dụ câu lạc bộ STEM sẽ cho học sinh làm những thí nghiệm có liên quan đến đời sống thực tế, câu lạc bộ nghệ thuật thì cho học sinh được tự do đàn và hát, múa... Như vậy sẽ rất vui.

Lễ khai giảng cho ai? Lễ khai giảng cho ai?

TTO - Lễ khai giảng một, hai năm học gần đây ít nhiều có đổi mới nhưng quán tính cũ còn nặng. Chuẩn bị kịch bản ngày khai giảng thường phụ thuộc vào chức vụ đại biểu về dự, có thể nói không ngoa: hầu hết vì đại biểu về dự khai giảng.

ĐOÀN CƯỜNG - H.HG.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp