04/01/2025 13:21 GMT+7

Lễ hội năm mới thành 'lễ hội rác thải' do tâm lý đám đông?

Rác thải ngập ngụa sau các sự kiện công cộng như lễ hội đón năm mới không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam. Vì sao?

Lễ hội năm mới thành 'lễ hội rác thải' do tâm lý đám đông? - Ảnh 1.

Đủ loại rác thải trên tuyến đường Tôn Đức Thắng (đoạn trước bến Bạch Đằng, quận 1, TP.HCM) - Ảnh: NGUYÊN KHANG

Vào mỗi dịp giao thừa, những sự kiện đón năm mới thường thu hút đông người tập trung tại các khu vực công cộng. Tuy nhiên sau những khoảnh khắc vui tươi đó, các khu vực này thường biến thành một bãi rác.

Xả rác theo đám đông

Rác thải ngập ngụa sau các sự kiện công cộng như lễ hội đón năm mới không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam. Ngay cả các nước phát triển như Mỹ, tình trạng người dân xả rác bừa bãi khi đón giao thừa cũng diễn ra.

Đơn cử, tại Quảng trường Thời Đại (New York, Mỹ), lượng rác thu gom được sau sự kiện đếm ngược và thả quả cầu pha lê đón năm mới 2024 lên tới 50 tấn. 

Tại TP.HCM, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 1 đã phải huy động hơn 10 xe chở rác để phục vụ công tác thu gom rác tại khu vực bến Bạch Đằng và phố đi bộ Nguyễn Huệ sau sự kiện đón năm mới 2025.

Hành vi xả rác bừa bãi tại các sự kiện công cộng, ngoài lý do thói quen và nhận thức cá nhân thì còn do tâm lý đám đông

Khi tham gia các sự kiện đông người, cá nhân thường bị ảnh hưởng bởi hành vi của nhóm, dẫn đến sự suy giảm ý thức về trách nhiệm cá nhân trong việc tuân thủ chuẩn mực và đạo đức xã hội.

Những người trong đám đông tự cho rằng "mọi người xả rác được thì mình cũng xả rác; mình xả rác sẽ có người khác dọn", và coi đó như một cách biện minh cho hành vi thiếu trách nhiệm của mình.

Tâm lý đám đông cũng giải thích cho hành vi giẫm đạp lên vườn hoa tại các sự kiện công cộng, hoặc lấy trộm chậu hoa, cây cảnh trang trí tại các đường hoa Tết hằng năm.

Bên cạnh đó, việc thiếu thùng rác ở các khu vực tập trung đông người và các thùng rác thường xuyên quá tải cũng khiến người dân chọn cách vứt rác ngay tại chỗ.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng và đơn vị tổ chức sự kiện cũng chưa trú trọng đến việc hướng dẫn và nhắc nhở người tham gia không xả rác để giữ gìn vệ sinh chung. 

Quan trọng hơn, trách nhiệm của các đơn vị tổ chức sự kiện và hàng quán xung quanh chưa được quy định rõ ràng. Thực tế, không ít hàng quán bán đồ ăn uống nhưng không thu gom rác phát sinh, khiến tình trạng ô nhiễm càng nghiêm trọng hơn.

"Bêu" tên người xả rác lên các phương tiện công cộng?

Để cải thiện tình trạng người dân xả rác bừa bãi tại các sự kiện công cộng, đầu tiên các nhà mạng di động và mạng xã hội có thể đóng vai trò lớn trong việc tuyên truyền, nhắc nhở. 

Tin nhắn có thể được gửi đồng loạt tới từng thuê bao căn cứ trên định vị điện thoại của người dùng tại khu vực diễn ra sự kiện.

Người dẫn chương trình cũng có thể lồng ghép nhắc nhở không xả rác bừa bãi để giữ gìn vệ sinh chung vào các thời điểm khác nhau của chương trình countdown, đồng thời sử dụng chính các màn hình LED để phát các thông điệp liên quan. 

Đây là cách mà các rạp chiếu phim đã áp dụng từ lâu.

Bên cạnh đó, cần bố trí thêm nhiều thùng rác lớn tại các khu vực đông người. Thùng rác cần được đặt ở vị trí dễ thấy, dễ tiếp cận và có thiết kế phù hợp để phân loại rác ngay từ nguồn.

Huy động lực lượng thanh niên tình nguyện thu gom rác ngay trong sự kiện cũng là một cách làm hiệu quả. 

Thực tế, sau đêm hội âm nhạc countdown chào đón năm mới 2025 tại phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), không ít bạn trẻ đã chung tay dọn rác. 

Điều này không chỉ giảm áp lực cho công nhân vệ sinh mà còn là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng đến chính những người tham gia sự kiện đã lỡ tay xả rác. 

Việc tự thu dọn rác của mình sau khi tham gia các sự kiện công cộng hay trước khi trả phòng khách sạn là hành động thường thấy ở người dân Nhật Bản là điều cần học hỏi.

Một biện pháp khác là áp dụng chế tài nghiêm khắc đối với hành vi xả rác bừa bãi. 

Cơ quan chức năng có thể tận dụng hệ thống camera giám sát tại các khu vực công cộng để phát hiện và xử phạt người vi phạm. Hình ảnh người vi phạm có thể được chiếu lên các màn hình LED công cộng để cảnh cáo người vi phạm và giáo dục những người khác.

Các đơn vị tổ chức sự kiện cũng cần đặt cọc một khoản tiền vệ sinh với cơ quan quản lý, và chỉ được hoàn lại khi khu vực tổ chức được dọn sạch. Biện pháp này sẽ khuyến khích các đơn vị tổ chức chủ động hơn trong việc kiểm soát và xử lý rác thải.

Ngoài ra, việc xây dựng ý thức từ sớm cho cộng đồng cũng rất quan trọng. 

Các hoạt động giáo dục về giữ gìn không gian công cộng sạch đẹp và bảo vệ môi trường cần được triển khai một cách sâu rộng hơn, không chỉ tập trung vào các sự kiện lớn như countdown đón năm mới mà còn nhắm đến đời sống thường nhật. 

Khuyến khích người dân mang theo chai nước tái sử dụng, túi đựng rác cá nhân khi tham gia các sự kiện đông người cũng là một cách làm thiết thực, giúp giảm lượng rác thải đáng kể.

Những giải pháp nêu trên, nếu được thực hiện một cách đồng bộ và quyết liệt, sẽ không chỉ giúp các sự kiện trở nên sạch đẹp hơn mà còn góp phần xây dựng thói quen sống xanh, bền vững cho cộng đồng.

Để lễ hội đón năm mới không còn là 'lễ hội rác' - Ảnh 2.Phân loại rác: món nợ bao giờ trả xong?

Từ 1-1-2025, các trường hợp không phân loại, thu gom rác thải sẽ bị xử phạt theo nghị định 45/2022. Nhưng ai phạt, phạt ai, phạt sao cho xuể khi nơi nơi chưa sẵn sàng, chưa thể nghiêm túc thực hiện phân loại rác.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp