19/04/2016 09:11 GMT+7

Lễ hội đền Hùng: Đừng để mất bò mới lo làm chuồng

VŨ VIẾT TUÂN
VŨ VIẾT TUÂN

TTO - Sau ngày lễ giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch) năm nay, những hình ảnh hàng triệu người dồn ứ, hỗn loạn tại khu di tích đền Hùng, tỉnh Phú Thọ vẫn tràn ngập trên mạng xã hội.

Nhiều ý kiến băn khoăn về việc dựng rào chắn gây dồn ứ. Trong ảnh: hàng rào an ninh được lực lượng cảnh sát dỡ bỏ để dòng người di chuyển lên đền Hùng - Ảnh: Nguyễn Khánh
Nhiều ý kiến băn khoăn về việc dựng rào chắn gây dồn ứ. Trong ảnh: hàng rào an ninh được lực lượng cảnh sát dỡ bỏ để dòng người di chuyển lên đền Hùng - Ảnh: Nguyễn Khánh

 

Lo ngại cảnh tượng lại xảy ra lần nữa ở các lễ hội nói chung, nhiều người cùng bàn đến những giải pháp an toàn.

Trước hình ảnh hàng trăm em nhỏ cùng các cụ già phải nhờ đến lực lượng an ninh “giải cứu” khỏi biển người chen chúc để đảm bảo an toàn; những phụ nữ vì không chịu được nắng nóng, ngột ngạt trong suốt mấy mươi phút đồng hồ đã bị ngất lịm dưới chân núi Nghĩa Lĩnh, GS Ngô Đức Thịnh - nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa VN - đã rất có lý khi lo lắng nghĩ đến bài học về tai nạn giẫm đạp của những người hành hương tại thánh địa Mecca (Saudi Arabia) năm 2015 làm hàng trăm người thiệt mạng vẫn còn đó.

Vậy làm sao để có thể hạn chế được những tai nạn đáng tiếc như vậy? Giải pháp có lẽ cần phải được thực hiện từ cả hai phía - ban tổ chức lễ hội đền Hùng và những người dân tham dự lễ dâng hương giỗ Tổ.

GS Ngô Đức Thịnh đưa ra giải pháp đơn giản, đó là không nên dựng rào chắn để ngăn cản người dân dồn ứ lại trong một thời điểm. Những rào chắn này vô tình tăng thêm sự háo hức của người dân, muốn được sớm lên dâng hương, bởi quan niệm đó là giờ thiêng. Ban tổ chức lễ hội đền Hùng nên để người dân được tự do lên dâng hương, theo từng thời điểm mà họ đến.

Một giải pháp khác được PGS.TS Lương Hồng Quang - phó viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia VN - nêu ra là: khi sức chứa của sân trung tâm đền Hùng có hạn, ban tổ chức cần phải phân luồng, phân tuyến để đảm bảo an toàn.

“Người dân cũng phải xem xét lại việc thể hiện lòng thành kính của mình với vua Hùng có nhất thiết phải lên đền vào cùng thời điểm hay không? Và có nhất thiết phải cho các em nhỏ đi cùng, vào những nơi đông như vậy hay không?

Khi tham gia hành hương, người dân phải tính xem trong quá trình hành hương có những nguy hiểm nào có thể xảy ra với trẻ con” - PGS.TS Lương Hồng Quang nêu quan điểm.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Chinh, phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông tỉnh Phú Thọ, cũng cho biết từ những năm sau, ban tổ chức sẽ tuyên truyền để người dân hạn chế mang theo các cháu quá nhỏ tuổi tham dự lễ dâng hương, hoặc nếu có trẻ nhỏ đi theo thì nên đi vào những thời điểm khác nhau, tránh tập trung vào một ngày dâng hương như năm nay.

Tháng 9-2015, thảm họa giẫm đạp lên nhau giữa những người hành hương tại thánh địa Mecca đã làm hơn 700 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.

Ở VN tuy chưa xảy ra những sự cố bi thảm như vậy, nhưng nếu mùa lễ hội nào cũng để tái diễn tình trạng hàng nghìn người, thậm chí hàng trăm nghìn người dồn ứ lại, tạo thành một đám đông hỗn loạn dễ mất kiểm soát, trong một thời điểm như tại lễ khai ấn đền Trần (Nam Định), lễ dâng hương giỗ Tổ đền Hùng (Phú Thọ)... thì khó có thể biết trước tai nạn gì có thể xảy đến.

Không nên làm hàng rào sắt chặn người dân

Hơn 1 triệu người từ mọi miền đất nước đổ về đã gây nên cảnh ùn tắc, chen lấn xô đẩy hết sức nguy hiểm tại lễ hội đền Hùng năm nay.

Nếu ngay từ bây giờ, ban tổ chức lễ hội đền Hùng không có giải pháp tích cực, hữu hiệu thì e rằng sang năm và nhiều năm nữa, cảnh tượng chen lấn, xô đẩy sẽ vẫn tiếp tục diễn ra và rất có thể sẽ xảy ra thảm kịch giẫm đạp lên nhau gây chết người.

Qua quan sát có thể thấy nguyên nhân gây nên cảnh chen lấn, xô đẩy, ngoài việc thiếu ý thức của người dân còn có nguyên nhân quan trọng nữa là giờ khai hội, đền Thượng chỉ được mở cửa sau khi quan chức tế lễ xong, vì vậy dòng người bị dồn ứ quá đông, và sau khi mở rào chắn, họ ào lên như tức nước vỡ bờ. Ở lễ hội đền Trần (Nam Định) cũng vậy, dòng người ào lên chen lấn khi giờ phát ấn được bắt đầu.

Vì vậy để tránh cảnh tượng chen lấn, xô đẩy ở lễ hội đền Hùng cũng như ở các lễ hội khác trong cả nước, thiết nghĩ trong ngày khai hội, đền Thượng nên được mở cửa từ trước đó nhiều ngày, ai đến sớm sẽ vào thắp hương sớm, quan chức đến làm lễ cũng thế. Còn nếu muốn có nghi thức riêng thì quan chức nên làm lễ từ hôm trước chứ không nên làm hàng rào sắt, dây thừng chặn người đi lễ hội để chờ tế lễ xong.

VŨ ĐẢM

Uống nước nhớ nguồn cũng cần đúng cách

Con cháu nhớ về công ơn của tổ tiên ông cha là một đạo lý đẹp cần được gìn giữ và phát huy nhưng cần hơn là phải gìn giữ và phát huy đúng cách. Dân mình thời xưa thì đôn hậu chất phác, thời nay thì “mắc bệnh” tâm lý đám đông. Ai cũng mong điều này, muốn điều kia mà nào có mấy ai hiểu được ý nghĩa thật sự của việc mà họ đang tham gia.

Những đứa trẻ đi dự lễ hội đền Hùng, chúng thấy được gì từ những đôi mắt thơ ngây? Liệu chúng sẽ thấy được cha mẹ chúng là những người hiếu thảo với tiền nhân, thấy được xã hội này đang thực hiện đạo lý tốt đẹp nào đó, hay chúng chỉ đơn giản thấy là sao đông người thế, sao hỗn loạn thế và có lẽ sao mà đáng sợ thế này. 

Thế nào là uống nước nhớ nguồn, thế nào là làm tròn chữ hiếu? Không, sẽ không phải là mâm cao cỗ đầy, càng không phải là cảnh người chen người, mà là sự thành tâm dù trong sâu thẳm của tĩnh lặng là sự biết ơn dù không nói ra nhưng cần lắm được thể hiện ngay trong hành động hằng ngày, trong cuộc sống, trong cách chúng ta cư xử với nhau...

TRẦN ĐỨC THỊNH

*Xem clip quay cảnh triệu người chen chân lên đền Hùng dự lễ

*7 triệu lượt người dâng hương giỗ Tổ Hùng Vương

VŨ VIẾT TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp