Phóng to |
"Người hát tình ca" mang một vẻ ngoài rất công tử - Ảnh: Phạm Hoài Nam |
Đó là bước khởi đầu khá thuận lợi để Hiếu quyết định trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp. Hiếu học luyện thanh với NSND Trần Hiếu và cô Minh Huệ... Đến nay Hiếu đã có đến ba album riêng trên thị trường: Lê Hiếu Vol.1, Vol.2 và Vol.3. Mới đây Lê Hiếu lại tung ra album thứ tư: Để trọn đời thương nhớ.
Với album có tít tựa hẳn hoi, Hiếu nói mình đã thật sự cảm thấy tự tin để chinh phục khán giả (cả trung niên và trẻ tuổi) và muốn xây dựng hình tượng “người hát tình ca” (crooner) từ đây.
Lê Hiếu tên thật Lê Trung Hiếu, sinh năm 1984 tại Hà Nội. Bố mẹ Hiếu đã cho Hiếu theo học keyboard từ năm 8 tuổi khi thấy cậu con trai út và cũng là duy nhất của mình mê đàn. Khi lên 12 tuổi, Hiếu theo học piano với thầy trưởng khoa piano Nhạc viện Hà Nội. Đến khi lên lớp 10, Hiếu kể tự nhiên thấy mình... lớn, muốn được ca hát như một cách để chia sẻ những suy nghĩ, tâm trạng của mình với bạn bè đồng trang lứa. Chiều Hà Nội của nhạc sĩ Vũ Quang Trung là ca khúc đầu tiên Lê Hiếu hát tại cuộc thi của trường và đoạt giải nhất. Lê Hiếu từng “ở bụi” tại TP.HCM khoảng hai năm để học hỏi, tìm hiểu "gu" nghe nhạc của khán thính giả ở đây. Hiện nay, Lê Hiếu đi đi về về giữa Hà Nội và TP.HCM để biểu diễn, thu âm, quảng bá album... |
Khi trò chuyện cùng Hiếu, dễ nhận thấy ẩn sau gương mặt “trẻ thơ” với nụ cười trong sáng là một... “ông cụ”. Cái tính “cụ non” lộ rõ qua dáng vẻ bề ngoài và tác phong làm việc mà mọi người cho là “không mấy sốt sắng trong thời kinh tế thị trường, thời người người làm ca sĩ, nhà nhà có ca sĩ”.
Nhìn lại thì thấy trung bình một năm Lê Hiếu có một album mới. Và như thế thì khó lòng gọi Lê Hiếu là “ca sĩ lười lao động”. Hiếu đính chính rằng hai album đầu là để thăm dò thị trường nên không có gì phải vội. Album thứ ba là “khoảnh khắc của sự thay đổi”, chuyển từ hình ảnh chững chạc sang một hình ảnh trẻ trung, gần gũi với khán giả trẻ hơn nhưng vẫn mang tính “thăm dò thị trường”.
Sau album thứ ba đó Lê Hiếu mới tìm được hướng đi cho riêng mình qua hình ảnh “người hát tình ca” rõ nét: hát tình cảm, chậm rãi nhưng không kém phần trẻ trung. Với phong cách ấy, Lê Hiếu đã vào vai một người kể chuyện, những câu chuyện tình vui buồn lẫn lộn trong Để trọn đời thương nhớ thuyết phục hơn ba album trước nhiều. Màu sắc âm nhạc gần gũi, dễ chịu này khiến những câu chuyện Lê Hiếu kể, những ca khúc Lê Hiếu hát dễ đi vào lòng người hơn, nhất là những người đang yêu...
Hiếu nói mình đã dần quên mấy giải thưởng ca hát thuở học trò (huy chương vàng giọng hát hay học sinh thành phố, huy chương vàng giọng hát các tỉnh đồng bằng Bắc bộ 2001). Chinh phục ban giám khảo của một cuộc thi hát nào đó rõ ràng là dễ hơn chinh phục công chúng yêu nhạc.
Và Lê Hiếu đã sẵn sàng làm “kẻ chinh phục công chúng” với lịch làm việc dày đặc hơn trong thời gian tới. Tài năng không thiếu (chơi piano khá, biết sáng tác và hòa âm), giọng hát nhẹ tênh cùng phong cách trữ tình nửa trẻ con nửa người lớn, thật không quá khó để Lê Hiếu trở thành “người hát tình ca” quyến rũ, người mãi kể những câu chuyện xưng tụng tình yêu...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận