Lệ Dung (trái) trong trận đấu ở tứ kết SEA Games 28 - Ảnh: NAM KHÁNH |
Lần đầu tiên có mặt tại một kỳ Olympic nhưng đây cũng là giải đấu cuối cùng của Lệ Dung bởi sau Olympic 2016 cô sẽ giải nghệ.
Bị loại ngay từ lần đầu tuyển chọn
Đó là câu chuyện của Lệ Dung khi lần đầu tiên đi tuyển chọn VĐV đấu kiếm ở Trung tâm Thể thao huyện Sóc Sơn, Hà Nội năm 16 tuổi. Lúc ấy Lệ Dung bị đánh trượt vì chiều cao chỉ mấp mé 1,61m, còn thân hình thì gầy nhẳng. Nhìn cô bạn trong xóm trúng tuyển vào lớp VĐV năng khiếu đấu kiếm đợt đó mang bộ giáp ở đội về nhà giặt giũ, Dung rất buồn. Cô mong một ngày nào đó cũng được đi tập kiếm như bạn dù lúc đó cũng chưa từng biết đấu kiếm là thế nào. Đến kỳ tuyển VĐV lần thứ hai của Trung tâm Thể thao Sóc Sơn, Lệ Dung và người chị sinh đôi của mình là Nguyễn Thị Hoài Thu đã trúng tuyển vì được đánh giá là có sải tay dài. Đang học lớp 11 (năm 2002), hai chị em Lệ Dung - Hoài Thu được đưa về Hà Nội để tập ở đội kiếm trẻ Hà Nội.
Lệ Dung kể: “Gia đình tôi làm nông, mẹ lại chạy chợ buôn bán nên cuộc sống tương đối ổn định. Thế nhưng cả tôi và chị Hoài Thu đều rất yếu, trông gầy gò và chẳng có chút sức lực nào. Lợi thế của tôi chỉ là có sải tay dài nên phù hợp với đấu kiếm. Vì thế, việc đầu tiên của tôi là phải tập thể lực mới đáp ứng được yêu cầu tập luyện. Buổi sáng, chúng tôi phải dậy từ 5g30 để tập luyện, sau đó đi học văn hóa, chiều lại tập. Lúc đầu tôi rất mệt và tưởng rằng không thể vượt qua được những bài chống đẩy, chạy bộ, bật xa... nhưng hai chị em động viên nhau cố gắng. Những buổi tập luyện mệt nhoài, sau giờ tập các đồng đội về nghỉ nhưng tôi phải ở lại để tiếp tục nhồi thể lực. Mỗi ngày nỗ lực hơn một chút, có thế tôi mới đủ sức khỏe để luyện tập và thi đấu được”.
Tháng 11-2002 Lệ Dung tham dự giải quốc tế đầu tiên ở Thái Lan và giành HCĐ. Tại SEA Games 2003 ở Hà Nội, Lệ Dung giành HCV đầu tiên trong sự nghiệp. Cả gia đình cô có mặt tại Nhà thi đấu Cầu Giấy đã vỡ òa trong niềm hạnh phúc với thành tích của Lệ Dung. Đây cũng là tấm huy chương nhiều cảm xúc nhất của cô gái này khi giành chiến thắng ngay trên sân nhà lúc mới tròn 18 tuổi.
Nói về những thành quả đã đạt được, trong suy nghĩ của Lệ Dung dường như đấu kiếm đã trao cho cô cơ hội chứ không phải cô đã làm được những điều kỳ diệu cho môn thể thao này. Lệ Dung chia sẻ: “Tôi không có nhiều tố chất để trở thành một VĐV đấu kiếm, những thành tích có được là do sự nỗ lực của bản thân. May mắn của tôi là các HLV hiểu được con người tôi nên họ đã khai thác được những điểm mạnh để giúp tôi phát huy khả năng của bản thân. Tại SEA Games 2005 ở Philippines, nhiều trận tôi vừa đấu vừa khóc bởi không chỉ đấu với đối thủ mà phải đấu cả với trọng tài do liên tục bị xử ép”. Thế nhưng cuối cùng Lệ Dung cũng giành được HCV khi giành chiến thắng trong trận chung kết năm đó.
Trên sàn đấu là “lửa”, ngoài sàn đấu là “nước”
Nếu ai đã từng gặp Lệ Dung ngoài đời chắc chắn sẽ bất ngờ bởi không ai nghĩ cô gái có thân hình mỏng manh, giọng nói nhẹ nhàng và khiêm tốn này là một kiếm thủ. Trên sàn đấu cô quyết liệt, mạnh mẽ bao nhiêu thì ở ngoài đời Lệ Dung lại nhẹ nhàng, thùy mị bấy nhiêu. Một HLV đội đấu kiếm ví von: trên sàn đấu Lệ Dung như ngọn lửa, luôn bùng cháy dữ dội thì ngoài đời cô như dòng suối mát lạnh, hiền hòa. HLV Phạm Anh Tuấn - trưởng bộ môn đấu kiếm Hà Nội - cho biết để nói về Lệ Dung, anh chỉ có một từ là “perfect” (hoàn hảo).
HLV Anh Tuấn nói: “Tôi không biết đánh giá Dung thế nào cho đủ bởi cô ấy là VĐV nghị lực, bản lĩnh, nhưng ngoài đời là mẫu phụ nữ tuyệt vời. Bên ngoài sàn đấu, cuộc sống và mối quan tâm lớn nhất của cô ấy là gia đình, rảnh lúc nào cũng chỉ muốn được về bên bố mẹ. Ở đội tuyển, Lệ Dung như một người chị mẫu mực của các em từ nỗ lực thi đấu đến cách đối nhân xử thế, sự quan tâm đến mọi người. Với VĐV, trước khi thành tài thì phải thành người, càng khiêm tốn, càng nỗ lực thì càng thành công. Lệ Dung chính là hình mẫu đó. 31 tuổi và đã có đủ mọi vinh quang với đấu kiếm nhưng chưa bao giờ Lệ Dung hết “lửa”, hết nỗ lực vì muốn làm được nhiều hơn thế”.
Olympic Rio là Olympic đầu tiên và cũng là cuối cùng trong sự nghiệp của Lệ Dung, bởi sau giải đấu cô sẽ chia tay sự nghiệp VĐV để chuyển sang công tác huấn luyện. Thế nhưng sau 15 năm thi đấu với cường độ cao, đầu gối của Lệ Dung đã bị chấn thương do quá tải, nhiều khả năng phải mổ cả hai gối. Lệ Dung chia sẻ: “Hiện bác sĩ ở Trung tâm HLTTQG Hà Nội đã gửi phim chụp đầu gối của tôi sang Singapore để hội chẩn. Với chấn thương này, nếu mổ nhiều khả năng tôi phải sang Singapore mới thực hiện được. Sau Olympic tôi muốn được điều trị để đảm bảo sức khỏe. Sau đó tôi phải học xong tấm bằng đại học đang còn dang dở mà lẽ ra phải kết thúc từ rất lâu do bận đi thi đấu”.
Sau 15 năm cống hiến cho thể thao VN, hi sinh tuổi thanh xuân và chuyện riêng tư, kiếm thủ giành 9 HCV SEA Games và góp mặt ở Olympic đến lúc này vẫn chỉ là VĐV hưởng lương hợp đồng của Sở VH-TT Hà Nội. Hỏi Dung về những mong muốn của cô sau khi đã mang về rất nhiều thành tích cho thể thao VN, Lệ Dung nhẹ nhàng từ chối, đúng như tính cách con người Dung, luôn nỗ lực hết mình nhưng không bao giờ than vãn, kêu ca hay đòi hỏi. Lệ Dung nói: “Nếu không có thể thao đã không có Lệ Dung của ngày hôm nay và không ai biết đến tôi. Quan trọng hơn, đấu kiếm đã cho tôi được trải nghiệm những thăng trầm, khám phá nhiều góc cạnh, khả năng của chính bản thân mình mà nếu không lựa chọn đấu kiếm tôi đã không có cơ hội”.
Nguyễn Thị Lệ Dung sinh năm 1985 tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Cô gia nhập đội đấu kiếm Hà Nội từ năm 2002. Có mặt ở đội tuyển quốc gia từ năm 2003, Lệ Dung đã tham dự và giành 9 HCV SEA Games từ năm 2003-2015 và là VĐV xuất sắc nhất của đấu kiếm VN. Ngoài ra, cô còn giành 1 HCĐ châu Á, 1 HCĐ đồng đội trẻ châu Á, đỉnh cao sự nghiệp là giành vé đến Olympic Rio 2016. |
“Đấu kiếm đã cho tôi được trải nghiệm những thăng trầm, khám phá nhiều góc cạnh, khả năng của chính bản thân mình mà nếu không lựa chọn đấu kiếm, tôi đã không có cơ hội Kiếm thủ Nguyễn Thị Lệ Dung |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận