Quan điểm lý luận của Lê Đức Thọ xuất phát trên cơ sở của sự vận dụng và khảo nghiệm trong thực tiễn đấu tranh, tư duy sáng tạo của ông cũng từ đó mà phát sinh, hình thành và phát triển.
Phóng to |
Ông Lê Đức Thọ trong thời gian tham gia đàm phán tại Hội nghị Paris - Ảnh tư liệu |
Chúng ta có thể minh chứng thêm điều này qua việc đề xuất ý kiến của ông với trung ương nhằm xóa bỏ việc thực hiện chủ trương “bao vây vùng kinh tế địch” và vận dụng “chính sách kinh tế mới” trong các khu căn cứ địa kháng chiến ở Đồng Tháp Mười, cũng như tại vùng bán đảo Cà Mau và tây sông Hậu.
Chúng ta biết rằng trong những năm đầu kháng chiến, Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam bộ đã quyết định thành lập các ủy ban bao vây kinh tế địch ở cấp Nam bộ và cấp tỉnh. Thực chất của chủ trương này là thực hiện “bế quan tỏa cảng”, cấm việc lưu thông hàng hóa “nội bất xuất, ngoại bất nhập” giữa những vùng nông thôn giải phóng của ta với các đô thị và những vùng địch hậu - nơi còn đang bị địch tạm thời chiếm đóng.
Đấy là chủ trương không phù hợp với hình thế chiến tranh “cài răng lược”, giữa các khu căn cứ kháng chiến của ta với những vùng tạm chiếm đan xen của địch trên chiến trường Nam bộ. Thực hiện chủ trương này, trên thực tế đã gây ra hậu quả bất lợi cho ta, nhất là ở vùng nông thôn giải phóng rộng lớn tại căn cứ địa U Minh. Bởi trong vùng giải phóng của ta chủ yếu chỉ có sản phẩm nông nghiệp, không sản xuất được những mặt hàng nhu yếu phẩm: thuốc men, vải vóc, dầu lửa, diêm (hộp quẹt), kim chỉ, nồi niêu, chén bát...
Việc “bế quan tỏa cảng” cấm giao lưu kinh tế giữa hai vùng một mặt sẽ làm thóc lúa, hoa màu, lương thực, thực phẩm và các loại sản phẩm nông nghiệp khác không tiêu thụ được sẽ bị ứ đọng do gặp ách tắc về đầu ra khiến nông dân bất bình, dẫn tới hậu quả làm sụt giảm diện tích gieo trồng, cày cấy. Do vậy, tổng sản lượng lúa trong vùng căn cứ địa kháng chiến ở miền Tây Nam bộ năm 1949 đã bị sụt giảm tới 1.480.000 giạ, bằng 29.600 tấn, gây ra tình trạng thiếu gạo trong nông dân, đến mức có nơi phải ăn cháo.
Mặt khác, do bị bế tắc đầu vào nên nhân dân trong vùng giải phóng đã phải chịu đựng sự thiếu thốn nghiêm trọng về các mặt hàng nhu yếu phẩm để đáp ứng cho nhu cầu của đời sống, cho chiến đấu và sản xuất.
Chỉ một năm sau khi “chính sách kinh tế mới” được ban hành và “chủ trương bao vây vùng kinh tế địch” bị bãi bỏ, đã tạo nên một bước chuyển rõ rệt trong đời sống kinh tế và trong các lĩnh vực hoạt động về văn hóa, xã hội ở nông thôn vùng giải phóng, góp sức đắc lực vào việc xây dựng căn cứ địa cách mạng và hậu phương kháng chiến vững mạnh ở chiến khu U Minh.
Ông Lê Đức Thọ là nhà tổ chức tài năng, giàu bản lĩnh và kinh nghiệm. Trong những tháng năm ông làm bí thư Trung ương Cục miền Nam là thời kỳ trên chiến trường miền Nam diễn ra những sự kiện quân sự, chính trị rất quan trọng: tiến hành di chuyển bộ máy của cơ quan lãnh đạo đầu não cuộc kháng chiến chống Pháp từ chiến khu Đồng Tháp Mười xuống căn cứ địa U Minh; tổ chức lại chiến trường, giải thể các khu và thành lập các phân liên khu, đặc khu; củng cố bộ máy tổ chức và điều chỉnh, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ của các ngành quân, dân, chính, Đảng và các đơn vị trực thuộc Trung ương Cục miền Nam và Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam bộ; tổ chức bộ máy giám sát việc thi hành hiệp định Genève; tổ chức việc chuyển quân tập kết ra miền Bắc; tổ chức hệ thống bộ máy lãnh đạo các cấp và bố trí một đội ngũ cán bộ tương ứng để hoạt động bí mật trong lòng địch ở thời kỳ mới trên chiến trường miền Nam nhằm đảm bảo đủ sức đương đầu với cuộc chiến tranh khốc liệt của 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bắt đầu từ mùa xuân năm 1955.
Toàn bộ những nhiệm vụ xung yếu đó của công tác tổ chức, cán bộ đều đặt lên vai ông Lê Đức Thọ và đã được giải quyết một cách thấu đáo, căn cơ, bài bản.
Sáng 5-10, Tỉnh ủy Nam Định phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Đức Thọ với cách mạng Việt Nam và quê hương Nam Định”. Hội thảo là một trong những hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh ông Lê Đức Thọ (10-10-1911 - 10-10-2011). Tại hội thảo, 65 tham luận và bài viết của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban ngành, cơ quan trung ương và một số tỉnh, thành phố trong cả nước, các nhà khoa học và những người từng chiến đấu, công tác cùng thời với ông Lê Đức Thọ đã tiếp tục bổ sung, làm sáng tỏ thêm cuộc đời hoạt động cách mạng rất sôi nổi, phong phú, vẻ vang của ông. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận