03/05/2020 09:17 GMT+7

Lê Đức Hiệp và Võ Hoàng Hiếu: 2 'ông trùm' poster phim Việt

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Nếu hiểu theo nghĩa hẹp của từ "ông trùm" - ở đây là những người làm nhiều poster phim Việt nhất hiện nay - thì Lê Đức Hiệp và Võ Hoàng Hiếu thực sự là 2 "ông trùm" trong lĩnh vực này.

Lê Đức Hiệp và Võ Hoàng Hiếu: 2 ông trùm poster phim Việt - Ảnh 1.

Nhà thiết kế poster phim Lê Đức Hiệp - Ảnh: NVCC

Trong số ít những tên tuổi thiết kế poster phim Việt hiện nay, có 3 cái tên rất quen thuộc với các nhà sản xuất, phát hành phim là Lê Đức Hiệp, Võ Hoàng Hiếu và Công ty thiết kế Song Phan.

Nhiều khán giả có thể không để ý chuyện ai đứng sau những poster phim bắt mắt khi tới rạp, nhưng hẳn họ sẽ nhớ những bộ phim đã được Hiệp và Hiếu thiết kế poster.

Với Hiệp là Song Lang, Cô Ba Sài Gòn, Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Tháng năm rực rỡ, Gái già lắm chiêu...; với Hiếu là Mẹ chồng, Mùa viết tình ca, Trạng Quỳnh, Siêu sao siêu ngố, Chị chị em em...; với Công ty thiết kế Song Phan là Lôi Báo, Người bất tử, Ngôi nhà bươm bướm, Mắt biếc, Hai Phượng, Tiệc trăng máu...

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi nói về hai nhà thiết kế trẻ đang thống lĩnh thị trường poster phim Việt.

Lê Đức Hiệp và Võ Hoàng Hiếu: 2 ông trùm poster phim Việt - Ảnh 2.

Nhà thiết kế poster phim Võ Hoàng Hiếu - Ảnh: NVCC

Poster phim: động lực để khán giả mua vé

Mảng poster phim Việt thực sự rộ lên mạnh mẽ khoảng 3 năm trở lại đây trong bối cảnh cả nhà sản xuất lẫn nhà phát hành phim đều hiểu rõ và chú ý đến tầm quan trọng của nó trong chiến dịch truyền thông cho một bộ phim.

Theo đại diện của nhà sản xuất CJ HK Entertainment, những poster phim gần đây đã được chú ý đầu tư nhiều hơn vì poster bây giờ không đơn thuần là tấm hình giới thiệu tên phim và diễn viên, mà còn là công cụ hiệu quả để quảng bá cho phim, tạo độ nhận biết rộng rãi trên mạng xã hội, giúp bộ phận truyền thông và phát hành tiết kiệm được rất nhiều chi phí và công sức cho việc quảng bá.

Những poster thành công thường tạo được độ lan truyền (viral), xu hướng (trend) mạnh trên mạng xã hội (nó có thể khiến khán giả tự nguyện chia sẻ nhiều, poster được "chế" theo nhiều cách khác nhau...), như poster của các phim: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Tháng năm rực rỡ, Mắt biếc, Cô Ba Sài Gòn...

Thường thì nhà thiết kế poster sẽ được mời tham gia khi phim đã hoàn chỉnh và đợi kế hoạch ra rạp (số này chiếm khoảng 60-70%), hoặc phim còn đang ở dạng kịch bản chờ đầu tư sản xuất.

Cả Hiếu và Hiệp đều muốn được tham gia ngay từ đầu bởi điều này giúp họ được chủ động hơn và có thêm nhiều "đất đai" cho sáng tạo.

Theo chia sẻ của đại diện nhà sản xuất CJ HK Entertainment, lý tưởng nhất thì người thiết kế poster phim nên được tham gia ngay từ giai đoạn đầu của dự án.

Họ sẽ được đọc kịch bản, sau đó trao đổi thật chi tiết về định hướng của phim với bộ phận sản xuất và marketing. Như vậy họ sẽ không đi sai hướng khi thiết kế và có nhiều cơ hội được tự do sáng tạo ý tưởng hơn.

Người thiết kế poster đôi khi rơi vào thế giằng co khó xử giữa các bên như nhà sản xuất, nhà phát hành và nhà đầu tư vì không ai chịu ai trong quan điểm thế nào là một poster phim phù hợp nhất. Một cái "khổ" nữa theo Hiệp là tính ít đa dạng của phim Việt hiện nay, thể loại chiếm số đông vẫn là phim hài, dư địa cho sáng tạo không nhiều.

Chưa kể tâm lý một số nhà sản xuất và phát hành luôn muốn poster phim của họ phải thể hiện theo kiểu phim hài, bất chấp phim không hài vì cho rằng khán giả thích thế, làm thế mới hấp dẫn.

Những lựa chọn của đam mê

Trong khi trung bình mỗi năm phim Việt ra mắt chưa tới 20 phim, riêng Hiệp và Hiếu, mỗi người đã "xử" poster cho khoảng 5-6 phim trong số ấy.

Có những năm bội thu nhất như 2018, Hiếu tiết lộ bạn làm poster tới 10 phim, trong đó có 3 phim tết. Theo chị Thu Tâm - trưởng phòng phát hành phim Việt của Công ty CGV, Hiếu và Hiệp là những đối tác lâu dài và tham gia tất cả các dự án lớn nhỏ của CGV thời gian qua.

Mặc dù ở Việt Nam có ngành đào tạo về poster nhưng chuyên về poster phim thì chưa có nên cả Hiếu và Hiệp đều là những người "rẽ ngang" từ một nhánh gần của thiết kế đồ họa sau "cú hích" thành công đầu tiên khi thử sức cùng poster phim mà với Hiệp là Song Lang còn Hiếu là Mẹ chồng.

Lê Đức Hiệp và Võ Hoàng Hiếu: 2 ông trùm poster phim Việt - Ảnh 3.

Poster phim Mẹ chồng do Võ Hoàng Hiếu thiết kế - Ảnh: NVCC

Hiệp học kinh tế ở ĐH Thăng Long (Hà Nội) nhưng đã có nhiều năm cộng tác với báo Hoa Học Trò trước khi "Nam tiến" để đầu quân cho tạp chí Businesswoman và trở thành giám đốc sáng tạo của tạp chí này.

Trong khi đó Hiếu học thiết kế đồ họa ở ĐH Hồng Bàng, ngành mỹ thuật công nghiệp và từng làm thiết kế, nghệ thuật nhiều năm trước khi giữ ghế giám đốc sáng tạo của Công ty Biz-Eyes thuộc Tập đoàn Square Group suốt 7 năm qua.

Sự đam mê những ý tưởng sáng tạo là điểm chung ở Hiệp và Hiếu, và không lạ khi cả hai cùng rất mê phim. Trong khi Hiệp theo chủ nghĩa duy mỹ, thích tự mình thể hiện những ý tưởng trên poster thì Hiếu lại cảm thấy mình có thể làm tốt hơn ở khâu lên ý tưởng và tổ chức thực hiện poster với một nhóm từ 4-5 thành viên chuyên nghiệp và phù hợp nhất cho dự án đó.

Hiếu mê bìa sách, bìa đĩa từ nhỏ và không ít lần xem phim xong còn lên Internet tìm poster phim để ngắm cho thỏa.

Không xuất thân từ dân đồ họa "gốc" nhưng Hiệp lại có lợi thế của một người thường xuyên phải tư duy ý tưởng hình ảnh cho những trang báo thời trang của tạp chí.

Anh cho rằng có lẽ nhờ kinh nghiệm này, kết hợp thêm với kiến thức tự học, tự mày mò về đồ họa mà Hiệp đã gặt hái được những thành công đã có trong khi tư duy ý tưởng làm poster phim.

* Nguyễn Thị Huyền Trang (trưởng phòng marketing mảng phim nội của Công ty CP phim Thiên Ngân - Galaxy):

"Làm việc với Hiệp rất an tâm"

Với Hiếu, Galaxy đã hợp tác rất thành công ở dự án phim Tết 2019 Cua lại vợ bầu - một trong những phim Việt có doanh thu cao nhất.

Còn với Hiệp, Galaxy đã cộng tác ở các dự án phim Bạn gái tôi là sếp, 100 ngày bên em, Ước hẹn mùa thu, sắp tới là dự án phim Kiều. Galaxy khá ăn ý với Hiệp, làm với Hiệp rất an tâm vì bạn rất chuyên nghiệp và đầu tư rất nhiều cho sản phẩm của mình.

* Tường Thị Thu Tâm (quản lý tiếp thị phim tại Công ty CGV):

Trong số các phim của CGV, Hiếu đảm nhận nhiều thiết kế. Vai trò của Hiếu không chỉ là nhà thiết kế (designer) mà còn là giám đốc sáng tạo (creative director) cho nhiều dự án phim Việt của CGV. Hiếu có thể đảm nhận tất cả các thể loại phim khác nhau với những yêu cầu khác nhau một cách tốt nhất.

Ngoài ra, để làm được "key materials" (bộ nhận diện thương hiệu), người đảm nhiệm thiết kế phải có tư duy về thị trường khán giả rất nhạy bén, và đây là thế mạnh rất lớn của Hiếu.

hiep mang gao toi gop cho atm o tan phu - nvcc 2(read-only)

Lê Đức Hiệp bên những bao gạo mua từ tiền bán tranh cổ động “Ở nhà là yêu nước” mang tới góp vào “ATM gạo” ở Vườn Lài, Q.Tân Phú, TP.HCM - Ảnh: NVCC

Bỗng dưng nổi tiếng với Ở nhà là yêu nước

Mặc dù đã nhiều năm làm thiết kế và cũng có tiếng tăm nhất định với poster phim, nhưng gần đây nhiều người lại biết tới Hiệp ở một thành công đáng nhớ khác của anh với bức tranh cổ động Ở nhà là yêu nước".

Bức tranh Ở nhà là yêu nước là bức tranh cổ động đầu tiên của Hiệp. Bởi vậy Hiệp khiêm tốn nói có lẽ anh đã may mắn khi được mọi người hưởng ứng nhiệt tình. Thành công đầu tiên là động lực để Hiệp có cảm hứng vẽ thêm bức tranh cổ động thứ hai là Cảm ơn Việt Nam.

Dự án nhỏ bán hơn 60 bức tranh Ở nhà là yêu nước khổ A2 của Hiệp để lấy tiền mua gạo ủng hộ người nghèo bị ảnh hưởng dịch COVID-19 đã thành công ngoài mong đợi, bán sạch chỉ trong 3 ngày với giá 300.000 đồng/bức.

Hơn một nửa trong số những người mua là người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội và TP.HCM. Nhiều người nói với tác giả họ mua làm kỷ niệm, lưu lại ký ức về những ngày tháng "lịch sử".

Điểm đóng góp đáng kể của Hiệp trong bức vẽ này chính là việc bạn đã đưa vào ngôn ngữ giao tiếp của thế hệ mình, của những người đang sống cùng thời để khiến họ cảm thấy poster "gần gũi và liên quan tới mình".

Đó là cách dùng khẩu hiệu theo cách nói của "dân mạng" như "Vì nửa năm 2020 không Cô Vy!" và "Ai ho báo y tế - Ai tung tin giả báo công an - Ai trốn cách ly báo cộng đồng mạng".

Với 16 triệu đồng tiền bán tranh từ dự án thiện nguyện nho nhỏ này, Hiệp đã mua 1,2 tấn gạo mang tới góp vào máy "ATM gạo" đầu tiên của anh Hoàng Tuấn Anh ở Vườn Lài, Q.Tân Phú.

Sau khi kết thúc dự án đợt 1, do vẫn tiếp tục nhận được yêu cầu, mới đây Hiệp đã phải in thêm 200 bức tranh này với giá bán như cũ và cam kết dành 50.000 đồng/bức bán được mua thêm gạo góp cho "máy ATM".

Theo cập nhật của Hiệp tới ngày 1-5, số tiền bán tranh đợt 2 của Hiệp đã thêm được 690kg gạo nữa và lần này tới 70% số người mua là người nước ngoài, trong đó có các cơ quan ngoại giao của Úc, Anh, Thụy Điển và Bỉ.

Triển lãm 'poster phim VN' Triển lãm "poster phim VN"

TT - Kỷ niệm 119 năm ngày sinh Bác Hồ, Viện Phim VN phối hợp với Viện Lưu trữ quốc gia Singapore tổ chức cuộc triển lãm poster phim VN chủ đề Đất nước đi lên từ chiến tranh tại Nhà văn hóa điện ảnh TP.HCM (186 Nguyễn Văn Trỗi, Tân Bình, TP.HCM) từ ngày 19-5 đến 19-6.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp