Sáng nay 27-1, đông đảo nghệ sĩ nhiều thế hệ cùng đến Nhà tang lễ quốc gia kính viếng, tiễn đưa NSND Trần Tiến vừa từ trần hôm mùng 1 Tết Quý Mão.
Xuân Bắc làm trưởng ban tang lễ
Lễ tang do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam và gia đình tổ chức. NSƯT Xuân Bắc - giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam - là trưởng ban lễ tang. Nhà hát Kịch Việt Nam là nơi Trần Tiến có thời gian công tác lâu nhất, gắn bó cho tới ngày nghỉ hưu.
Với vai trò là trưởng ban tang lễ nhưng Xuân Bắc không đọc điếu văn. Anh hầu như chỉ ở phía dưới lo liệu cho một lễ viếng trang trọng.
Lễ tang của nghệ sĩ Trần Tiến có rất đông nghệ sĩ thuộc nhiều lĩnh vực và thuộc nhiều thế hệ cùng đến viếng.
Không chỉ có những nghệ sĩ gạo cội mà còn có các nghệ sĩ trẻ như Thu Quỳnh (vai Mi sói trong phim Quỳnh "Búp bê"), Thanh Sơn ở Nhà hát Tuổi Trẻ, các nghệ sĩ trẻ của Nhà hát Kịch Việt Nam, đạo diễn Bảo Nhân, đạo diễn Phan Đăng Di…
Lý do không chỉ bởi nghệ sĩ Trần Tiến được đông đảo đồng nghiệp, khán giả mến mộ, kính trọng mà còn bởi ông có tới ba cô con gái xinh đẹp, tài năng và đều nổi tiếng ở hiều lĩnh vực nghệ thuật, từ sân khấu, điện ảnh, truyền hình, múa, cùng con rể là nhà quay phim nổi tiếng Phạm Việt Thanh.
Đặc biệt là con gái Lê Khanh - NSND Lê Khanh, người không chỉ nổi tiếng mà còn rất được lòng đồng nghiệp, công chúng vì tài năng và tính cách khiêm nhường, đam mê nghệ thuật, những đối đãi người - người rất chân tình.
Ba người con gái Hà Nội rất Hà Nội của Trần Tiến được thừa hưởng chất Hà Nội thanh lịch, hào hoa của nghệ sĩ này.
Ba con gái của Trần Tiến: Chúng con trân quý nhân duyên được làm con của bố
Lễ truy điệu nghệ sĩ Trần Tiến diễn ra xúc động trong những giai điệu và ca từ đẹp của bài hát Em ơi Hà Nội phố - bản nhạc mà sinh thời Trần Tiến coi là bản nhạc viết cho mình theo chia sẻ của con gái Lê Khanh tại tang lễ - và những lời cảm động, những vần thơ đầy triết lý nhân sinh, mang tinh thần Phật pháp do ba cô con gái Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vi đọc.
Một điều đặc biệt ở lễ tang này khi cả ba con gái của nghệ sĩ Trần Tiến đều lên nói lời tiễn biệt với cha mình chứ không chỉ có một người đại diện phát biểu. Và cả ba đều chia sẻ cảm động theo cách rất "nghệ thuật".
Em gái út Lê Vi được nói lời tạm biệt với bố trước tiên, rồi đến chị cả Lê Vân và cuối cùng là Lê Khanh. Cả ba đều nói những lời đau buồn vì sinh ly tử biệt nhưng vẫn đầy tinh thần "giải thoát", nước mắt rơi nhưng không bi lụy.
Lê Vi lấy chồng xa, sinh sống ở nước ngoài, khi bố còn sống thường viết thư cho bố nên khi nói lời tiễn biệt cuối cùng với bố, chị chọn cách gửi một lá thư - lá thư cuối cùng - tới bố mình.
Trong lá thư ấy, Lê Vi nói nước mắt của ba chị em rơi nhưng không có nghĩa là đau khổ. Bởi "Hạnh phúc mà chúng con thấy là bố đã được giải thoát sau khi trả hết nợ đời".
Lê Vi không quên tri ân ơn sinh thành của cha mẹ, bày tỏ "trân quý nhân duyên đời này được làm con bố để cả ba đều có chút danh phận trên con đường nghệ thuật".
Cô tin bố đang chứng kiến những tình cảm đong đầy mà gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, người hâm hộ dành cho ông trong lễ tang và những ngày qua và đang nhoẻn miệng cười hạnh phúc viên tròn.
Nghệ sĩ Lê Vân rất xúc động trong giờ phút nói lời tiễn biệt với bố đi vào "vòng tay yêu thương của cha trời mẹ đất". Chị mong bố thấy được mọi người yêu thương bố thế nào trong lễ tang này.
Chị cũng nói lời cảm tạ Nhà nước cho bố mình những cơ hội phát triển sự nghiệm của một nghệ sĩ nhân dân, và đặc biệt là bạn bè, nhân dân cho cái tình, cho lộc.
Lê Khanh đặc biệt xúc động khi chia tay bố. Chị chọn đọc bài thơ tiễn biệt đầy tinh thần "giác ngộ" của người Việt về cái chết:
"Khi tôi chết những người thân thương đừng nhỏ lệ
Hãy nhớ đến tôi một Trần Tiến thế thôi
Chết là trở về với tinh thể sao trời
Trả Trái đất những gì vay mượn trước
Chào những bộ hành tuổi xanh xuôi ngược
Tôi xuống ga đời trả lại vé quê hương".
Trần Tiến - ông tiên cờ Đế Thích về trời
Đọc điếu văn tiễn đưa anh rể, NSƯT Lê Chức (em trai NSƯT Lê Mai - vợ cũ của nghệ sĩ Trần Tiến) xúc động thương tiếc ông tiên chơi cờ Đế Thích trong vở kịch nổi tiếng của Lưu Quang Vũ Hồn Trương ba, da hàng thịt.
"Đã không còn nữa một nghệ sĩ của nghệ thuật đích thực, một nghệ sĩ của nhân dân - người xem bao năm. Đã không còn nữa một người rất có ý thức về nghề nghiệp của mình và đầy tài năng tạo nên tiếng cười thanh sạch, thẩm mỹ; một người Hà Nội với tư chất thơm thảo đất Tràng An", ông Lê Chức xúc động nói.
NSND Trần Tiến tên đầy đủ là Trần Văn Tiến, sinh ngày 30-11-1937 tại Hà Nội, trong số nhà 136 Quán Thánh.
Ông đã từng là ủy viên Ban chấp hành Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam khóa III. Ông nhận được nhiều khen thưởng của các cấp, ở cả lĩnh vực sân khấu và điện ảnh Việt Nam.
Ông Lê Chức xúc động ôn lại chặng đường làm nghề vẻ vang của nghệ sĩ Trần Tiến.
Ông sinh ra trong một gia đình đầy đặn nếp gia phong nhưng ông lại mang tư chất của người nghệ sĩ.
Bến đỗ nghệ thuật lâu dài nhất, vinh quang nhất của ông là Đoàn Kịch Trung ương (nay là Nhà hát Kịch Việt Nam). Ông đã ghi danh mình sừng sững trên sân khấu cùng với một thế hệ vàng do NSND Thế Lữ là người cầm chèo hướng lái.
Nhưng trước khi ông tỏa sáng rực rỡ trên sân khấu kịch và trên màn ảnh thì ông đã như một "con dao pha" trên sân khấu chèo với các vai "hề mồi - hề gậy" đầy duyên dáng, trí tuệ và giàu tính thẩm mỹ.
Ông Lê Chức cho biết, trong bản "tiểu sử nghệ thuật" tự viết ngày 20-6-1997, nghệ sĩ Trần Tiến đã "tạm" thống kê 21 vai diễn sân khấu tiêu biểu và 13 vai "thành danh" trên màn ảnh.
Ngoài ra còn có các hoạt động nghệ thuật trên phát thanh - truyền hình, chương trình Vì an ninh Tổ quốc và làm đạo diễn cho phong trào văn nghệ quần chúng.
Nhiều vai diễn của ông được khán giả yêu mến trên sân khấu như: ông Đại Cát trong vở Quẫn, vai cao bồi trong vở Đứng gác dưới ánh đèn neon, vai Đức trong vở Lửa hậu phương, vai Cậu Jooc "suốt ngày dài lại đêm thâu" ở vở Thần vệ nữ, vai Nghêu trong vở Nghêu - Sò - Ốc - Hến, vai cố vấn Trần Trí Tơ trong vở Nếu anh không đốt lửa.
Đặc biệt là những vai chính kịch là các danh nhân lịch sử như: Đức vua Lý Huệ Tông trong vở Thái sư Trần Thủ Độ và Nguyễn Trãi trong vở Nguyễn Trãi ở Đông Quan…
Và vai diễn đầy ấn tượng tiên cờ Đế Thích trong vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt.
Trong điện ảnh phải kể đến các vai diễn như vai chủ sự trong phim Nguyễn Văn Trỗi, vai thầy đồ phim Thằng Bờm, vai ông bố trong Tự thú trước bình minh cùng với con gái NSƯT Lê Vân, vai lý trưởng trong phim Quan Âm Thị Kính, vai cố vấn ái tình trong phim Kén rể, vai người ông trong phim Bi, đừng sợ…
NSND Trần Tiến an nghỉ tại nghĩa trang Yên Kỳ, Bất Bạt, Sơn Tây, Hà Nội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận