16/12/2017 20:26 GMT+7

Lê Đại Cang - bậc danh sĩ từ đại thần thành lính khiêng võng

ĐỨC TRIẾT
ĐỨC TRIẾT

TTO - Trong cuộc đời làm quan, Lê Đại Cang đã 20 lần được thăng quan tước, nhưng cũng có 5 lần bị giáng chức.

Lê Đại Cang - bậc danh sĩ từ đại thần thành lính khiêng võng - Ảnh 1.

Trích ngâm trường ca "Người khiêng võng" tại hội thảo - Ảnh: ĐỨC TRIẾT

Không chỉ nhà văn Hoàng Quốc Hải mà các nhà nghiên cứu, nhà văn,tác giả sân khấu…  khi dự hội thảo khoa học Lê Đại Cang với Bắc thành và Hà Nội, sáng ngày 16/12, tại Hà Nội đều khẳng định danh nhân Lê Đại Cang là nhân cách bậc "Quốc sĩ", và xứng đáng được đặt tên phố ở Hà Nội. 

"Ra xuất chính khi đầu còn xanh (31 tuổi), cho đến lúc đầu bạc, ở độ tuổi "cổ lai hy" (70 tuổi), thì về hưu, thật đáng khâm phục. Ở đâu, lúc nào Lê Đại Cang cũng tràn đầy trách nhiệm và nhiệt huyết… Hành trang và sự nghiệp của danh nhân Lê Đại Cang còn lưu lại cho hôm nay nhiều bài học đáng để suy ngẫm", GS.TS Nguyễn Minh Tường nói.

" Vua đê" Bắc Hà

Theo các nhà nghiên cứu, trong 20 năm làm quan ở Bắc thành, danh nhân Lê Đại Cang đã để lại công lao và sự nghiệp rất lớn lao, xuất sắc. 

Đặc biệt, ông đã từng được mệnh danh là "vua đê" Bắc Hà khi được vua Minh Mệnh cử ra Bắc làm Quản lý Đê chính trong những năm 1828-1830. 

Trong thời gian này, Lê Đại Cang đã tiến hành khảo sát và bắt tay  vào công việc sửa đắp, khơi đào nạo vét lòng sông và xây dựng các tuyến đê mới thuộc hệ thống đê điều của 2 dòng sông đặc biệt qua trọng ở Bắc thành là sông Nhị Hà (sông Hồng) và sông Ngũ Huyện Khê. 

Không chỉ thế, trong quá trình khảo sát hầu như toàn bộ đê điều của 5 trấn Sơn Tây, Sơn Nam, Bắc Ninh, Nam Định, Hải Dương và phủ Hoài Đức, ông đã ghi chép cụ thể hiện trạng của các tuyến đê rồi biên soạn thành sách Tổng kê.

Từ những cứ liệu được ghi đầy đủ trong Đại Nam thực lục về chuyện này, GS.TS Nguyễn Minh Tường đã gọi Lê Đại Cang là "tổng công trình sư và nhà khoa học đê điều xuất sắc". Còn GS Hoàng Chương nhận định: "Có thể nói, đó là cả một cuộc chiến đấu vĩ đại với giặc "nước" của quân dân Bắc thành và Hà Nội. 

Trong cuộc chiến đấu này, Lê Đại Cang đã thực sự là một vị tư lệnh anh hùng. Câu đối "Đê tồn Cang tại/ Đê hoại Cang vong" do Lê Đại Cang tự đề trên công trường Nha Đê chính ở cửa Nam đã thể hiện ý thức sống chết để hoàn thành nhiệm vụ của ông".

Thực ra, không riêng gì lúc làm quan ở Bắc Hà, mà lúc làm quan ở Quảng Nam, Châu Đốc, ông luôn chủ trương đào kênh, khơi dòng chảy. Hay khi làm Tổng đốc An - Hà (An Giang - Hà Tiên), ông cũng đã từng đề nghị vua Minh Mệnh cho tổ chức đào sông ở An Giang…

Lê Đại Cang - bậc danh sĩ từ đại thần thành lính khiêng võng - Ảnh 2.

Theo GS.TS Nguyễn Minh Tường, hành trạng và sự nghiệp của danh nhân Lê Đại Cang còn lưu lại cho hôm nay nhiều bài học đáng để suy ngẫm - Ảnh: ĐỨC TRIẾT

Những bài học làm người, làm quan

Đây là lần thứ 3 hội thảo về danh nhân Lê Đại Cang được Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức, vẫn thu hút được sự quan tâm của đông đảo diễn giả. 

Điều mà các diễn giả muốn nhắc đến nhiều hơn cả về danh nhân Lê Đại Cang là những bài học làm người, làm quan từ ông. 

Dịp này, thêm một lần nữa các nhà văn, nhà nghiên cứu đã dẫn lại chuyện con đường quan lộ mà chính Lê Đại Cang đã tự bạch: "Cay cực ra Bắc vào Nam, rong ruổi không ngừng… và vì nước quên nhà, và vì việc công quên việc riêng là tiết tháo của kẻ làm tôi " (trích dẫn lời Lê Đại Cang trong Lê Thị gia phả). 

Đấy là những chuyện ông đã 20 lần thăng thưởng quan tước, nhưng cũng có đến 5 lần bị giáng chức, 1 lần bị án "trảm giam hậu"… Chẳng hạn như khi làm Quản lý Đê chính, dù có rất nhiều công trạng, ông cũng từng bị 2 lần bị giáng chức do sửa đắp đê không đúng quy định, hay do vỡ đê ở Sơn Nam. 

Ông hai lần bị giáng chức từ đại thần thành lính khiêng võng, lúc làm Tổng đốc, Tuần phủ An -Hà… Dẫu vậy, sau những "ba đào" ấy, Lê Đại Cang vẫn tận tụy với bất kể nhiệm vụ nào được giao.

Vì thế, theo PGS.TS Nguyễn Thị Phương Chi, cuộc đời làm quan của Lê Đại Cang khi gặp thời thành công không đắc chí, lúc sa cơ thất bại ông vẫn không nản chí. 

Cuộc đời ông là tấm gương đối với các quan chức về sự tận tụy, hết mình, luôn đi sâu đi sát thực tế, tới tận nơi xem tình hình cụ thể. "Trong đó có những  bài học về không sợ hiểu lầm, không sợ bị vu oan, giáng họa, khi làm quan có lúc thăng trầm; cái gì có lợi cho dân thì gắng sức làm, cái gì có hại cho dân thì tuyệt đối tránh" - PGS. TS Nguyễn Thị Phương Chi nhấn mạnh.

Góp thêm một câu chuyện, nhà văn Hoàng Quốc Hải nhắc đến tài xử án của Lê Đại Cang đã  tìm ra "Viên dịch Hình tào nhiều người tham nhũng" khi ông được cử làm khâm sai ra Bắc thành xét xử các vụ án tồn đọng. 

Ông nói: "Nhân việc ngày xưa liên hệ đến ngày nay mà buồn cho nền công lý nước nhà. Có vụ án xử đi xử lại tới 10 năm vẫn chưa thành án. Có vụ án quy tội giết người nhưng chưa thi hành án như ở Bắc Giang, ở Bình Thuận. Công dân phải ngồi tù hơn 10 năm mới phát hiện oan sai".

Ít người biết đến danh nhân Lê Đại Cang

Có một điều đáng ngạc nhiên là nhiều diễn giả thẳng thắn bày tỏ rằng trước đó (trước những hội thảo năm 2013 ở Quy Nhơn và hội thảo năm 2016 ở An Giang) đã không biết vị trọng thần triều Nguyễn này là ai.

Theo Giáo sư Hoàng Chương, đây là bậc danh sĩ bị lãng quên, ít được nhắc đến, kể cả trong chính sử.

"Khi được biết đến, càng đọc về ông, tôi càng "mê muội", xen lẫn cảm phục"- Tiến sĩ Lê Thị Bích Hồng bày tỏ.

Ngay sau biết về danh nhân Lê Đại Cang, tác giả sân khấu Nguyễn Sỹ Chức đã viết kịch bản tuồng Hoạn lộ (giành giải A của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam 2016), nhà thơ Thanh Thảo đã viết trường ca Người khiêng võng với những câu thơ:

…tôi sinh ra làm người khiêng

trách nhiệm

làm người khiêng

số phận

làm người khiêng

lo lắng

làm người khiêng

cay đắng

ĐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp