26/10/2004 15:17 GMT+7

Lê Bình - góp một chữ "tình"...

HOÀI HƯƠNG
HOÀI HƯƠNG

TTO - Nếu có nhiều diễn viên có danh mà khó kể vai thì Lê Bình ngược lại, dù anh chưa từng là ngôi sao lớn. Anh góp mặt khiêm tốn với các vai diễn bình dân và đó đều là những vai để lại ấn tượng.

KhJYnmi5.jpgPhóng to
Ông giám đốc (Lê Bình) phải chống chọi với cả sự khêu gợi của cô thư ký sành điệu (Việt Hà). - Ảnh: T.T.D.

Người liêm khiết có còn “khả năng” liêm khiết giữa tập thể quen tham ô, chia chác của công? Chuyện thật như đùa- vở diễn mới tinh của Nhà hát kịch Sân khấu Nhỏ TP.HCM đặt ra câu hỏi này, với góc nhìn khác lạ hơn nhiều vở trước đây khi cứ hễ nói tới giám đốc là “tham ô - hối lộ - tù tội”.

Và khi vào vai ông giám đốc nói trên, người diễn viên đã phải nén nỗi buồn sau tổn thất lớn trong gia đình để làm khán giả phải bật ra những tràng cười thấm thía. Người diễn viên đó là Lê Bình.

Ngoài đời, Lê Bình không có vẻ hài hước. Thậm chí chẳng có vẻ của một diễn viên. Cao, gầy, khắc khổ. Anh giống một công chức nghèo, và đúng là anh không giàu có. Chẳng biên chế ở đâu, không có thu nhập ổn định thường xuyên nào, những món tiền có được từ các vai kịch - phim chỉ đủ nuôi một vợ ba con trong khu chung cư bình dân Âu Cơ (Q.Tân Bình, TP.HCM), đủ đắp đổi qua ngày, và đủ để “không làm bậy”, mà theo nghề.

Nhưng nếu có nhiều diễn viên có danh mà khó kể vai thì Lê Bình ngược lại, dù anh chưa từng là ngôi sao lớn. Anh góp mặt khiêm tốn với các vai diễn bình dân: ba gác, xích lô, bảo vệ, đưa thư, công chức nghèo, lão nông... những con người mà đời sống thường nhật gần gũi cho anh quá nhiều hình mẫu thật để nhập vai. Nhưng bởi thật và gần, đó đều là những vai để lại ấn tượng được Lê Bình nghiên cứu khắc họa với những tính cách riêng.

Người gõ cửa trong kịch cùng tên, anh đưa thư luôn lật đật bỏ chạy trong phim nhựa Người đàn bà không hóa đá, ông ngư dân rất thực dụng trong phim Hải âu, anh nhà báo láu cá trong Đèn không hắt bóng, ông Hai Khương đầy dằn vặt trong phim Bến mê, và đương nhiên không thể không kể ông giám đốc rất duyên của Chuyện đùa như thật lần này.

Xuất thân từ một công nhân thủy lợi thành quản lý phong trào văn nghệ cấp phường, lên dần tới quận, rồi thành phố…, Lê Bình đã tặng khán giả những vai diễn hóm hỉnh hay dằn vặt, có nét riêng. Cũng nhờ cái nét riêng này mà anh trở thành một trường hợp hiếm của sân khấu: họat động phong trào nổi bật, được đặc cách mời về làm diễn viên chuyên nghiệp, từng tham gia vở diễn nổi tiếng Dư luận quần chúng của những ngày đầu 5B, rồi về đoàn kịch thành phố.

Ngoài sàn diễn, những cơ hội như vai chính ông giám đốc trong Chuyện đùa như thật được trao cho Lê Bình không nhiều, và anh tự tìm cho mình một vai trò khác: viết kịch bản. Nhiều vở diễn của anh đã sống rất nhiều năm trên các sân khấu chuyên nghiệp, nhưng Lê Bình vẫn muốn đăng ký học biên kịch ở trường Sân khấu.

“Đọc lại kịch bản của mình hồi xưa, thấy…mắc cỡ. Lên gân quá xá. Các đạo diễn sở dĩ dựng là vì cảm được cái tình trong đó, chớ còn văn chương câu cú thì…”. Một sự trùng hợp: các tựa kịch bản của Lê Bình tự nhiên đều có chữ "tình": Sân ga tình người (5B), Tình gần, Thuyền tình (Idecaf)… Cái tình bộc trực mà đậm đà được gạn lọc từ gia đình, ngõ xóm, giữa những người bình thường nhỏ bé với nhau, trong môi trường hàng ngày mà Lê Bình đang sống.

Năm nay 50 tuổi, Lê Bình có thêm một vai chính trên sân khấu, để nhớ. Và biên kịch Lê Bình đang tham gia viết thêm trong lĩnh vực kịch - phim truyền hình. Từ đầu năm tới nay anh tham gia đóng 10 phim, và có 2 bộ phim truyền hình dựa trên kịch bản của anh sắp được bấm máy.

Sự trải nghiệm dày lên đang mang lại cho anh những đóng góp cụ thể, bù đắp phần nào những vất vả của cuộc theo đuổi nghệ thuật bền bỉ, hết lòng...

HOÀI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp