Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế sẽ lấy ý kiến người dân về việc bảo tồn di tích tại Phu Văn Lâu - Ảnh: NHẬT LINH
Sáng 16-5, ông Phan Văn Tuấn - phó giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế - cho biết sẽ tổ chức lấy ý kiến người dân về nhiệm vụ Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị quần thể di tích cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thông tin chi tiết hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch được treo tại di tích Phu Văn Lâu (đường Lê Duẩn, TP Huế); đồng thời được đăng tải tại trang thông tin điện tử của Trung tâm bảo tồn di tích Huế: www.hueworldheritage.org.vn
Các ý kiến đóng góp của người dân được tiếp nhận trực tiếp bằng phiếu ghi tại Phu Văn Lâu hoặc qua email: [email protected]. Thời gian tiếp nhận ý kiến từ 18 đến 27-5.
Kể từ khi hoàn thành trùng tu vào năm 2016, đây là một trong số ít lần Phu Văn Lâu được sử dụng trở thành nơi niêm yết, công bố thông tin, lấy ý kiến của người dân theo đúng chức năng của nó.
Phu Văn Lâu được xây dựng vào năm 1819 dưới thời vua Gia Long dùng làm nơi niêm yết những chỉ dụ quan trọng của nhà vua và triều đình, hoặc kết quả các kỳ thi do triều đình tổ chức.
Thời Minh Mạng, nhà vua quy định sau khi các chiếu thư được tuyên đọc ở Ngọ Môn hoặc điện Thái Hòa sẽ được đặt trên long đình, có che lọng và quân lính theo hầu hai bên để đưa ra niêm yết tại Phu Văn Lâu. Các quan hàng tỉnh và hương lão phải đến quỳ lạy trước chiếu thư.
Phu Văn Lâu còn là địa danh nổi tiếng liên quan đến vua Duy Tân. Theo đó vào năm 1916, Trần Cao Vân và Thái Phiên được cho là đã giả vờ ngồi câu cá ở bến Phu Văn Lâu để bí mật gặp vua Duy Tân bàn việc khởi nghĩa, chống lại thực dân Pháp. Tuy nhiên sự việc bất thành, nhà vua bị người Pháp bắt và đày ra đảo Réunion ở Ấn Độ Dương.
Vào năm 2011, Phu Văn Lâu bị sập một góc bên trái tòa lầu vì mối mọt. Đến năm 2016, việc trùng tu Phu Văn Lâu hoàn thành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận