Đặc biệt, cần xây dựng hệ thống động lực nhằm thúc đẩy và tăng chất lượng phục vụ dân.
Phóng to |
Người dân làm thủ tục tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (Phòng tài nguyên - môi trường Q.Tân Bình, TP.HCM)- Ảnh: T.Đạm |
Một số ý kiến đã được Thủ tướng tiếp thu và sẽ thực hiện ngay trong thời gian tới...
Không nên tăng trưởng kiểu cũ...
Theo ông Nguyễn Quang Thái - phó chủ tịch Hội Khoa học kinh tế VN, trong cuộc gặp với Thủ tướng, ông đã nêu ba vấn đề chính.
Thứ nhất là tình hình thế giới đã có phục hồi nhẹ, nhưng ông nhấn mạnh dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản vài năm tới chưa hẳn đã tốt lên. Do vậy, những khó khăn này vẫn tác động đến tình hình VN.
Tuy nhiên, ông Thái cho rằng VN có thể sẽ không khó khăn như các nước hoặc như dự báo nếu thật sự tập trung vào cải cách. Đặc biệt, VN không thể phục hồi tăng trưởng GDP theo cách cũ nữa, bởi như thế có thể sẽ lặp lại những khó khăn như từng xảy ra. Ông kiến nghị muốn phục hồi tăng trưởng cần xác định phải đi liền với cải cách.
Về thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng, ông Nguyễn Quang Thái cũng cho rằng đó là một thông điệp đáng hoan nghênh, nhưng vấn đề là làm sao tổ chức thực hiện.
Việc Chính phủ xác định sẽ đẩy mạnh cổ phần hóa, từ nay đến năm 2015 sẽ cổ phần hóa 500 doanh nghiệp trong tổng số hơn 1.100 doanh nghiệp nhà nước, theo ông Thái, cần tiến hành nghiêm túc nhưng thận trọng, có sức ép hành chính... để làm sao doanh nghiệp mạnh lên.
Ông Nguyễn Quang Thái cho biết đã thẳng thắn đề nghị cải tiến các phiên họp của Chính phủ. Thay vì Chính phủ họp vào mỗi cuối tháng, bàn và quyết những vấn đề thường xuyên, ông Thái nhắc lại đề nghị cuộc họp chỉ nên dành 50% thời gian giải quyết vấn đề thường xuyên, thời gian còn lại cần dành cho các chuyên đề.
Thủ tướng đã đồng ý và cho biết trong cuộc họp Chính phủ vào thứ bảy (ngày 25-1), Chính phủ sẽ dành một nửa thời gian bàn chuyên đề về nâng cao sức cạnh tranh.
Nâng cao chất lượng quản trị
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Sỹ Dũng, phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho biết ông cũng đã chia sẻ một số quan điểm trong thông điệp của Thủ tướng.
Theo đó, VN cần xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp hơn, xây dựng hệ thống động lực để thúc đẩy và tăng chất lượng phục vụ dân của công chức.
Trong đó, bên cạnh cơ chế bầu cử, trước mắt có thể triển khai việc đo đếm sự hài lòng của người dân và cần lấy sự hài lòng này làm thước đo khi thăng chức, tăng lương, tặng thưởng huân huy chương... cho cán bộ, công chức.
Nếu việc này được thực thi, ông Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng sẽ tạo được sự thay đổi trong chất lượng phục vụ dân, từ đó tăng chất lượng bộ máy...
Ông Nguyễn Sỹ Dũng cũng kiến nghị Chính phủ cần có kế hoạch để triển khai Hiến pháp mới. Với quy định của Hiến pháp mới, theo ông Dũng, có thể tạo đột phá trong nền quản trị quốc gia mà đầu tiên có thể đặt trọng tâm vào chính quyền địa phương.
Đặc biệt, nếu phân định rõ chức năng của địa phương thì sẽ tránh được trùng lặp trong quản trị. Ví dụ, nên theo hướng việc gì địa phương làm được thì trung ương sẽ không làm, cái gì cấp dưới không làm được cấp trên mới làm.
Trung ương sẽ chỉ tập trung vào làm những việc lớn như an ninh quốc gia, quốc phòng... Còn ngay như việc trật tự an toàn xã hội có thể phân cho địa phương...
* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Sẽ công khai giá điện, xăng dầu Năm 2014, Chính phủ quyết tâm tạo bước chuyển rõ nét trong công tác quản lý giá và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nhất là chấm dứt tình trạng Nhà nước phải bù lỗ giá hàng hóa, Nhà nước chỉ hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo và các đối tượng chính sách. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá xăng dầu, than, điện để nhân dân giám sát và từng bước tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế và giáo dục; tập trung tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là cổ phần hóa trong năm nay và năm 2015 khoảng 500 doanh nghiệp nhà nước, đồng thời tái cơ cấu ngân hàng mà quan trọng nhất là tập trung xử lý nợ xấu và tình trạng sở hữu chéo. Chính phủ cũng tập trung đẩy nhanh tiến trình đàm phán các hiệp định thương mại tự do với các đối tác nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo thêm động lực để đẩy mạnh cải cách ở trong nước, nhất là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và tăng cường dân chủ trong kinh tế. (trích phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với nhóm chuyên gia tư vấn ngày 22-1) CHINHPHU.VN |
* Ông Nguyễn Đình Cung (quyền viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương): Công bố doanh nghiệp sẽ cổ phần hóa Tại cuộc làm việc với các chuyên gia, người đứng đầu Chính phủ đã khẳng định mục tiêu: từ nay đến năm 2015 cổ phần hóa 500 doanh nghiệp, trong đó có cả các tập đoàn, tổng công ty. Theo tôi, đây là một tín hiệu rất tích cực đối với thị trường. Đặc biệt Thủ tướng đã nhiều lần nêu rõ nếu doanh nghiệp nhà nước nào không nghiêm túc thực hiện đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt thì sẽ bị xử lý nghiêm, thay thế những cán bộ không thực hiện cổ phần hóa theo đúng chủ trương đã đề ra. Theo tôi, để thực hiện được mục tiêu cổ phần hóa 500 doanh nghiệp trong hai năm còn lại, ngay từ đầu năm các bộ ngành và địa phương phải lên danh sách và công bố rõ những doanh nghiệp sẽ cổ phần hóa trong năm 2014 và 2015, nghĩa là công khai tên doanh nghiệp cổ phần hóa kèm theo lộ trình cụ thể. Ví dụ như từng bộ trưởng phải lên danh sách trong ngành còn bao nhiêu doanh nghiệp, sẽ cổ phần hóa những doanh nghiệp nào và trong bao lâu? Nếu không thực hiện đúng lộ trình thì xử lý trách nhiệm cán bộ có liên quan. Qua đó xã hội có điều kiện để tham gia giám sát việc thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ. Việc cần làm ngay là yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải thực hiện công bố thông tin theo các chuẩn mực của công ty cổ phần niêm yết. V.V.THÀNH ghi |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận