Hàng trăm năm qua, người dân Boho sử dụng đất tại nghĩa trang để điều trị một loạt các tình trạng như đau răng, đau họng - Ảnh: SHUTTERSTOCK
Cao nguyên Fermanagh ở Bắc Ireland có những dãy núi hùng vĩ đẹp như tranh vẽ nhưng cũng gợi lên trong tâm trí nhiều người về một vùng đất kỳ bí, nơi người dân lưu truyền lại một niềm tin kỳ lạ từ hàng trăm năm trước rằng đất ở đây có sức mạnh chữa bệnh kỳ diệu.
Câu chuyện bắt đầu vào năm 1815, một người đàn ông được người dân trong vùng giáo xứ Boho rất tôn kính nhờ khả năng chữa bệnh bằng việc cầu nguyện là Reverend James McGirr chết đi.
Trước khi chết, ông McGirr tuyên bố rằng: "đất lành che chở tôi và sẽ chữa khỏi mọi bệnh tật của người dân giống như tôi từng làm khi còn sống". Kể từ đó, người dân Boho rỉ tai nhau về việc "đất lành chữa bệnh".
Bất cứ khi nào một giáo dân bị bệnh, người ấy sẽ quỳ xuống bên cạnh mộ của McGirr trong nghĩa trang của địa phương để xúc một muỗng đất vào một túi vải. Sau đó, họ mang túi về nhà, đặt dưới gối và gối đầu trên đó hoặc bôi trực tiếp vào vết thương. Đến sáng thì bệnh tật sẽ dần khỏi!
Hàng trăm năm qua, người dân Boho sử dụng đất tại nghĩa trang để điều trị một loạt các tình trạng như đau răng, đau họng và vết thương ngoài da nhỏ. Sau khi hết bệnh, để tránh xui xẻo, người ta lặng lẽ mang đất trả về vị trí cũ.
Đất ở Boho chứa các sinh vật cực nhỏ mà người ta khó có thể nhìn thấy - .Ảnh: SHUTTERSTOCK
Không phải người nào cũng tin vào câu chuyện và sức mạnh chữa bệnh của đất ở Boho. Không ít người bật cười cho rằng đó là sự mê tín.
Gerry Quinn, một nhà sinh vật học địa phương cùng các đồng nghiệp tại Trường đại học Y Swansea từng thực hiện nghiên cứu về đất ở Boho vào năm 2018 và nhận ra sự thật đằng sau câu chuyện từ hàng trăm năm trước.
Hóa ra, đất ở Boho chứa các sinh vật cực nhỏ mà người ta khó có thể nhìn thấy.
Quinn tìm thấy trong đất một chủng vi khuẩn Streptomyces trước đây chưa từng được biết đến. Vi khuẩn Streptomyces tạo ra một loại hóa chất độc đáo có tác dụng ức chế hoặc tiêu diệt các vi khuẩn khác nên thường được dùng để điều chế sản xuất thuốc kháng sinh.
Nhưng chủng Streptomyces đặc biệt mà Quinn tìm thấy lại có thể tiêu diệt một số mầm bệnh gây bệnh đã trở nên kháng thuốc kháng sinh thông thường.
Đất ở Boho, nơi tìm thấy chủng độc đáo này, đã được lắng đọng trong giai đoạn cuối của thế Cánh Tân (Pleistocene) trên nền đá vôi đã tạo cho đất một đặc tính kiềm cao nên có nhiều Streptomyces.
Đất từ nghĩa địa của Boho chứa tới tám chủng Streptomyces khác nhau, mỗi chủng tạo ra 10-20 loại kháng sinh khác nhau.
Đặc biệt trong đó, các chủng Streptomyces trong đất có thể tiêu diệt được khuẩn tụ cầu vàng kháng methicillin (MRSA), khuẩn cầu ruột kháng Vancomycin (VRE), phế trực khuẩn gây bệnh hô hấp Klebsiella và khuẩn CRAB, theo BBC.
Cho đến nay, đất từ nghĩa trang của vùng Boho vẫn đang được các nhà khoa học nghiên cứu phân tích.
Giáo sư Paul Dyson (Trường đại học Y khoa Swansea), cho biết: "Khám phá của chúng tôi là một bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống lại tình trạng kháng kháng sinh hiện nay, đồng thời cho thấy các bài thuốc dân gian rất đáng để nghiên cứu trong quá trình tìm kiếm kháng sinh mới".
"Bất cứ một điều gì được truyền miệng, nếu là mê tín hoặc sai sự thật thì sẽ không thể tồn tại và được người dân của hàng trăm năm tin theo. Bởi thế nên các câu chuyện đi kèm có thể khá "vô lý" nhưng chắc chắn đằng sau nó sẽ có một bí mật khoa học nào đó.
Tuy nhiên, không phải niềm tin nào cũng mang đến lợi ích sức khỏe thực sự.
Tháng 3-2020, một người Ấn Độ bị bắt khi tổ chức sự kiện 200 người "uống nước tiểu bò" để chống COVID-19.
Mặc dù phần lớn người Ấn Độ coi trọng loài bò nhưng niềm tin uống nước tiểu bò và tắm phân bò để chữa bệnh là thiếu căn cứ khoa học.
Gần 300 người chết và hơn 1.000 ca ngộ độc ở Iran do niềm tin rằng uống chất cồn chống COVID-19.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận