Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, nơi đã cấp cứu và điều trị cho anh Đ.N.H, 45 tuổi ở Đại La, Hà Nội, bệnh nhân vào bệnh viện cấp cứu ngày 20-6 và tử vong ngày 24-6 do hàm lượng methanol trong máu lên tới trên 320 mg/dL, cao hơn 16 lần mức cho phép.
Bệnh viện Bạch Mai cho biết anh H. nghiện rượu và trước khi vào viện đã mua cồn về pha thành rượu để uống.
Loại cồn anh H. sử dụng theo nhãn mác là cồn 90 độ, thành phần chính là ethanol. Tuy nhiên, qua xét nghiệm phần còn lại trong chai thì 88% là methanol, không phải là ethanol như cồn y tế thông thường.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai, từ tháng 1-2017 đến nay trung tâm này đã tiếp nhận bốn bệnh nhân bị ngộ độc do uống cồn y tế thay rượu, trong đó có một tử vong, một bị di chứng ở não, hai người có hồi phục.
Trước tình hình kể trên, bệnh viện Bạch Mai cũng đã có công văn gửi Cục quản lý dược và Cục quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế, đề nghị kiểm tra thành phần methanol trong cồn sát trùng, có biện pháp kiểm soát thành phần methanol trong cồn sát trùng, quy định ghi rõ hàm lượng các thành phần trên nhãn mác chai cồn.
Bệnh viện Bạch Mai cũng kiến nghị sớm đưa chất chỉ thị màu vào cồn công nghiệp để tránh tình trạng mua cồn công nghiệp pha thành rượu hoặc sử dụng cồn công nghiệp làm cồn y tế.
Ngày 14-7, Tuổi Trẻ Online đã liên lạc với công ty sản xuất loại cồn kể trên nhưng công ty cho biết giám đốc đi vắng, chưa thể trả lời vì sao sản phẩm có thành phần methanol quá cao. Theo một chuyên gia về dược học thì thì cồn y tế thông thường có 90% ethanol, gần 10% là nước và phần còn lại có thể có methanol, nhưng không được vượt quá tỷ lệ 200/1 triệu. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận