09/02/2022 17:16 GMT+7

Lấy cớ 'đi ăn giỗ, đám cưới' để nghỉ bán xăng dầu sẽ bị rút giấy phép

N.AN
N.AN

TTO - Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định quan điểm các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải có trách nhiệm, nghĩa vụ đảm bảo cung ứng xăng dầu, trường hợp phát hiện vi phạm như găm hàng sẽ rút giấy phép.

Lấy cớ đi ăn giỗ, đám cưới để nghỉ bán xăng dầu sẽ bị rút giấy phép - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm khi phát hiện vi phạm trong kinh doanh xăng dầu - Ảnh: N.K.

Chiều 9-2, Bộ Công thương tổ chức cuộc họp khẩn với các đơn vị liên quan về tình hình cung ứng, sản xuất kinh doanh xăng dầu cho thị trường trong nước, với sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên để triển khai các chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp trước đó.

Nguồn cung đảm bảo, sao khan hàng?

Tại cuộc họp, nhiều địa phương báo cáo có tình trạng khan hàng, thiếu hàng ở một số cửa hàng, cây xăng, song việc kiểm tra thực tế cho thấy không có tình trạng găm hàng chờ tăng giá.

Ông Nguyễn Tuấn Hà, phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho hay các đơn vị quản lý thị trường khi trực tiếp kiểm tra đều đo bồn trữ xăng tại các cửa hàng. Đến nay có 19 đơn vị tạm ngừng hoạt động, qua thực tế đo và kiểm tra thì việc đóng cửa là do hết xăng dầu và không còn nguồn để bán.

"Khi làm việc với các đơn vị cho thấy do nguồn cung, chiết khấu lỗ nên nhiều cửa hàng đưa ra các thủ đoạn như ăn giỗ, đám cưới, ốm đau… để không bán hàng. Chúng tôi kiểm tra chặt chẽ, trường hợp nào găm hàng thì xử lý nghiêm. Tôi cho rằng quan trọng là cung cầu, giá cả, cần điều hành giá linh hoạt để không dẫn tới lỗ cả hệ thống khiến các đơn vị hạn chế bán hàng", ông Hà nói.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng cho hay có ghi nhận 1 cây xăng ở Bình Tân thiếu hụt xăng nhưng các mặt hàng dầu vẫn được bán đầy đủ. Theo tính toán, đến nay dự trữ là 1,2 - 1,3 triệu m3, nên các doanh nghiệp có thể cầm cự được 40-60 ngày, trong trường hợp nguồn cung không ổn thì nhập khẩu.

Tuy vậy, bà Thắng chỉ ra rằng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do điều chỉnh giá chưa kịp thời nên chiết khấu thấp, có khi ở mức 0 đồng. Vì vậy, thành phố đề nghị quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra và tìm hiểu rõ các cửa hàng tạm ngưng, đến nay chưa phát hiện hiện tượng găm hàng.

Trong khi các địa phương khẳng định thiếu hụt nguồn hàng, không có hiện tượng găm hàng thì ông Trần Duy Đông, vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cho hay mặc dù bị tác động của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất, nhưng đến nay cơ bản nguồn cung đảm bảo.

Dẫn chứng, lượng xăng dầu tồn kho tại các doanh nghiệp đầu mối còn khoảng 1,3 triệu m3 các loại, chưa kể tồn kho của thương nhân phân phối và đại lý. Dự kiến lượng mua vào để cung ứng thị trường đến hết tháng 2-2022 là 1,55 triệu m3. Do đó, với nhu cầu khoảng 1,8-3 triệu m3 xăng dầu các loại/tháng, nguồn cung như trên cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường trong tháng 2-2022.

Tuy vậy, ông Đông cũng nhìn nhận nguồn cung từ tháng 3 có thể giảm, lượng tồn kho thấp so với các tháng thông thường. Vị này trấn an là từ ngày 13-3, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã có kế hoạch chạy đủ 100% công suất, các thương nhân đầu mối cũng có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước.

Ông Lê Mạnh Hùng, tổng giám đốc PVN, cũng khẳng định hoàn toàn đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong nước. Dẫn chứng là tháng 1, cung cấp từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất so với cam kết, hợp đồng vượt 18%, cung cấp từ chi nhánh phân phối sản phẩm lọc hóa dầu Nghi Sơn là vượt 12%.

Kiên quyết xử lý vi phạm, găm hàng đầu cơ xăng dầu

Trước các thông tin trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đặt câu hỏi: nguồn cung được khẳng định là đáp ứng, vậy có hay không có tình trạng găm hàng, các cơ quan quản lý đã vào cuộc xử lý nghiêm chưa? Các đơn vị thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối được cấp phép nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu đã thực hiện đúng quy định và vai trò chưa, trong trường hợp không thực hiện nghiêm phải rút ngay giấy phép?

"Tinh thần chung của lãnh đạo bộ là kiên quyết thu hồi, cửa hàng bán lẻ cũng bị thu, doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối mà găm hàng, nếu phát hiện thì phải tịch thu khẩn trương, chứ không thể chỉ dừng lại ở việc xử phạt hành chính, vì trong lúc căng thẳng mà có tình trạng trục lợi là không chấp nhận được, nên dứt khoát phải thu hồi hoặc tạm thu hồi", ông Diên nói và cũng đặt câu hỏi là có hay không việc cơ quan quản lý làm ngơ, không làm đúng trách nhiệm về kiểm tra, kiểm soát, quản lý thị trường.

Theo ông Diên, với lĩnh vực xăng dầu, tinh thần điều hành là kỷ luật thép, các đơn vị được cấp phép hoạt động phải có nghĩa vụ và nhiệm vụ chính trị đảm bảo cung ứng vì đây là mặt hàng vật tư chiến lược quan trọng. Đơn vị nào đùn đẩy, né tránh trách nhiệm thì rút giấy phép, không thể chấp nhận có chuyện "đi đám cưới, đám giỗ" để đóng cửa.

Xăng dầu nhiều nơi vẫn treo bảng Xăng dầu nhiều nơi vẫn treo bảng 'hết xăng 95', bán nhỏ giọt

TTO - Ngày 8-2, tại Sóc Trăng, An Giang... nhiều cửa hàng xăng dầu đóng cửa tạm dừng hoạt động, treo bảng "hết xăng 95" hoặc bán nhỏ giọt. Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công thương phải làm tốt hơn nhiệm vụ.

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp