Bác sĩ CK II La Văn Phú - trưởng khoa ngoại tổng hợp Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ - cho biết với sự hỗ trợ từ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, các bác sĩ khoa ngoại tổng hợp lần đầu lấy sỏi đường mật bằng nội soi qua đường hầm Kehr và kỹ thuật lấy sỏi qua ngã mật - ruột - da cho hai bệnh nhân lớn tuổi có nhiều sỏi đường mật trong gan.
Hai kỹ thuật này giúp bệnh nhân hồi phục nhanh sau thủ thuật (không cần gây mê).
Ông Đ.T.L. (70 tuổi, ở Vĩnh Long) bị sỏi đường mật trong gan tái phát đã từng mổ 3 lần để lấy sỏi ở Cần Thơ và TP. HCM, nhưng do sỏi đường mật trong gan của bệnh nhân quá nhiều nên các bác sĩ khó lấy hết.
Cách đây hai tháng ông bị nhiễm trùng đường mật do sỏi, các bác sĩ phải mổ hở lấy ra khoảng 100 viên sỏi (kích thước 5-10mm) nhưng vẫn còn sót.
Mới đây ông tiếp tục đau bụng, sốt nên nhập viện. Chỉ định nội soi tán sỏi qua đường Kehr, bác sĩ phát hiện ông L. có khoảng 30 viên sỏi nên tán sỏi bằng điện - thủy lực, sau đó gắp sỏi ra và bơm rửa đường mật.
Trường hợp thứ hai, bà N.T.T. (66 tuổi) cũng bị tắc mật do sỏi đường mật trong gan tái phát. Bà T. từng được mổ lấy sỏi mật qua đường mật - ruột - da hai lần.
Qua ngã nối mật - ruột - da cũ ở thành bụng bệnh nhân, bác sĩ phát hiện đường mật trong nhánh gan có khoảng 100 viên sỏi (3-10mm) nên lấy sỏi bằng rọ và bơm rửa đường mật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận