Cảnh trong vở Lâu đài cát - Ảnh: Gia Tiến |
Được mệnh danh là “anh cả” của sân khấu kịch cả nước với bề dày lịch sử hơn 60 năm cùng nhiều vở diễn vang bóng một thời như Chuông đồng hồ điện Kremlin, Nhân danh công lý, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Khúc thứ ba bi tráng... Nhà hát kịch VN đưa quân
Nam tiến lần này trong sự chờ đợi của khán giả miền Nam sau nhiều năm vắng bóng.
Lâu đài cát (tác giả: Đăng Chương, đạo diễn: NSƯT Anh Tú) là vở kịch tâm lý xã hội lấy đề tài về những mối quan hệ trong gia đình, nơi được xem là tế bào của xã hội.
Đó là câu chuyện một đại gia đình bốn thế hệ cùng chung sống trong một ngôi biệt thự lớn và cố gắng giữ những nề nếp gia phong xưa như: kính trên nhường dưới, gọi dạ bảo vâng, thậm chí phải rửa tay và đốt hương trầm trước mỗi cuộc họp gia đình.
Nhìn bề ngoài, cuộc sống gia đình ấy tưởng như một lâu đài kiên cố hoàn hảo mà không gì có thể xô đẩy được. Nhưng ở bên trong lâu đài ấy là những bức bối, sự nổi loạn, sự tha hóa và sự chịu đựng tích tụ qua nhiều năm tháng.
Bi kịch lên đến đỉnh điểm khi những bí mật ê chề được phơi bày, làm vỡ vụn tòa lâu đài hoàn hảo mà lâu nay họ cố xây dựng...
Đúng với lời quảng cáo trên một tờ rơi: “Gặp lại một phong vị kịch Bắc lịch lãm, hấp dẫn, sâu sắc”, vở Lâu đài cát có những lời thoại đậm chất văn học, thỉnh thoảng hơi lên gân nhưng vẫn đủ khiến khán giả thấy tin vào một câu chuyện hoàn toàn có thể xảy ra trong thực tế ngày nay, khi những giá trị truyền thống và sự vận động không ngừng của xã hội hiện đại đang là một mâu thuẫn lớn.
NSƯT Anh Tú - phó giám đốc nhà hát - đã đem lại một phong cách dựng kịch khá tươi tắn, sinh động với những tình tiết “vui mà đau” như cách mà anh đã từng làm ở Nhà hát Tuổi Trẻ trước khi chuyển sang Nhà hát kịch VN.
Vở kịch vì thế trở nên nhẹ nhàng dù đang kể một câu chuyện bi kịch gia đình nhưng cũng là bi kịch chung của xã hội.
Đây được xem là lần lưu diễn xã hội hóa đầu tiên của “anh cả” để thích nghi với tình hình thực tế.
Theo NSƯT Anh Tú, bây giờ Nhà nước chỉ cho tiền để dựng vở và trả lương, còn chuyện tổ chức biểu diễn và bán vé thì nhà hát phải tự lo. Vậy nên từ trước đó hơn nửa tháng, những nghệ sĩ chủ chốt của nhà hát này đã có chuyến đi tiền trạm để giới thiệu các vở diễn với các đơn vị, công ty và mời mua vé tập thể.
Anh Tú bảo: “Thời buổi khó khăn này thì phải tự xông xáo và năng động thôi. Nghệ sĩ tự đi bán vé cũng là công việc chân chính, không có gì phải xấu hổ!”.
Vở Lâu đài cát sẽ sáng đèn tại TP.HCM trong vòng một tuần từ đây đến ngày 26-12.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận