07/05/2019 10:57 GMT+7

Lắp răng giả có gây ung thư miệng?

MAI HOA
MAI HOA

TTO – Đó là băn khoăn của độc giả được bác sĩ Bệnh viện Quốc tế Mỹ AIH trả lời, cùng với nhiều câu hỏi khác liên quan đến ung thư đường tiêu hóa

Lắp răng giả có gây ung thư miệng? - Ảnh 1.

*Bác sĩ ơi, người dùng răng hàm giả có nguy cơ mắc ung thư miệng cao phải không ạ? Tôi dùng hàm giả cũng được 5 năm qua, hằng ngày vệ sinh răng miệng sạch sẽ nhưng nghe tin này tôi sợ quá. Mong bác sĩ cho lời khuyên (Trần Đan Phượng, Hà Nội, danphuong6x@... )

Chào bạn Đan Phượng, Ung thư vùng miệng nói chung có nhiều yếu tố lắm như: chế độ ăn uống, môi trường, khói thuốc lá…chưa có nguyên cứu nào nói răng hàm giả có nguy cơ gây K vùng miệng cao cả, nên bạn cứ yên tâm. Nhất là nguyên liệu làm hàm răng giả nay cũng tốt rồi.

*Chào bác sĩ. Bố mình bị ung thư thực quản di căn hạch cổ, giờ hạch cũng sưng to, sờ cứng cứng. Hiện giờ bố mình ăn được, ngủ được nên sức khỏe có khá hơn. Tuy nhiên có điều là bố mình uống thuốc của bệnh viện kê thì dạ dày lại bị viêm trợt viêm loét nhiều lắm. Thưa bác sĩ, có cách nào để hạch cổ ngừng tiến triển và làm gì để dạ dày không viêm loét? (Lương Minh Thuận, TP.HCM, minhthuan1985@... )

Chào bạn Thuận, theo bạn trao đổi thì ba bạn bị K thực quản di hạch cổ, giờ sưng to, sờ cứng, hiện tại ăn ngủ được…nhưng không rõ bệnh ba bạn ở giai đoạn nào, tổn thương ở 1/3 trên, giữa hay dưới, loại tế bào gì? Hoặc đã đến bệnh viện, chuyên khoa nào chưa? Uống loại thuốc gì mà lại gây tổn thương dạ dày? Khuyên bạn nên đưa ba tới bệnh viện có khoa ung bướu để chẩn đoán và điều trị tốt cho ba bạn nhé, chào bạn.

Ở cổ tôi xuất hiện hạch đau, không lặn. Đi khám, bác sĩ chọc hút xét nghiệm ra viêm nang, sau đó bác sĩ tiếp tục chọc hút dịch nên có đỡ sưng đau. Thưa bác sĩ, hạch cổ này có bị tái phát không? Có nguy cơ xuất hiện tế bào ung thư không? (Nguyễn Hữu Nghiệm, Quảng Nam, nghiem.ts1965@... )

Chào bạn Nghiệm ở Q.Nam, theo bạn nói thì cần uống thuốc kháng sinh để tránh tái phát. Còn có nguy cơ xuất hiện tế bào ung thư không thì hầu như không có, nên bạn yên tâm, chào bạn.

Chồng em bị ung thư vòm hầu giai đoạn 2 di căn hạch. Năm 2010 xạ trị 35 tia kết, hoá trị đồng thời 6 đợt. Năm 2012 phẫu thuật lấy vét hạch. Năm 2018 tái phát và có 2 hạch mới, 1 bên cổ khác phía lần đầu, 1 sâu trong vòm hầu. Bác sĩ cho hoá trị 3 đợt và xạ trị 32 tia. Hiện nay cổ bị cứng như đá một bên, làm họng bị co lại, ăn uống khó, uống nước chảy ra mũi, một bên tai bị điếc không nghe rõ. Bây giờ chồng tôi không muốn đi bệnh viện khám, điều trị nữa. Mong bác sĩ cho lời khuyên và cách chăm sóc người bệnh tại nhà? (Đặng Thanh Tâm, Đồng Nai, thanhthan1971@... )

Chào bạn, thực sự rất chia sẻ với bạn, như vậy bệnh của chồng bạn đã chữa đúng và tích cực đấy, bây giờ sao cho khâu chăm sóc giảm nhẹ tốt, vệ sinh, dinh dưỡng, tinh thần tốt là quan trọng nhất, nếu có điều kiện liên hệ để có nhân viên y tế chuyên khoa chăm sóc tại nhà cùng với gia đình là tốt nhất bạn ạ, chào bạn.

Lắp răng giả có gây ung thư miệng? - Ảnh 2.

Ba cháu bị ung thư khẩu hầu, bắt đầu chuyển sang giai đoạn 4 (đã điều trị 35 tia và 6 hóa chất). Từ lúc khám đến nay 2 tháng rồi vẫn chưa có lịch điều trị. Nhưng đến hôm nay thì ba bị nhức người kinh khủng và cái hạch lúc đầu bé tí bây giờ to đùng và vỡ ra chảy nước vàng, mủ, máu tùm lum. Tình hình là lịch hẹn gặp bác sĩ của ba cháu đến 3 ngày nữa. Nhưng bây giờ cháu phải nên làm gì khi hạch vỡ ra. Ở nhà cháu chỉ biết lau chùi rồi băng lại thôi. Mong bác sĩ chỉ bảo (Vương Kim Ngân, Vĩnh Long, kimngan19952@... )

Chào bạn Kim Ngân ở Vĩnh Long, theo bạn trao đổi thì bạn nên đưa ba đến cơ sở y tế gần nhất để đươc chăm sóc tạm thời và yêu cầu gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn chính xác hơn.

Trong một tọa đàm sức khỏe, tôi có nghe một vị bác sĩ khuyên, để phòng tránh ung thư nói chung và ung thư thực quản nói riêng cần chủ động uống bổ sung canxi và vitamin D nhưng không nghe rõ liều lượng và số lần uống trong ngày. Qua đây, mong bác sĩ cho biết cách uống bổ sung canxi và vitamin D phòng ngừa bệnh ung thư ạ? (Nguyễn Anh Hoài, Quảng Ngãi, hoai.binhnghi@... )

Thực sự trong phòng tránh ung thư nói chung,ung thư thực quản nói riêng thi môi trường trong lành, chế độ ăn uống hợp lí, có 1 số bệnh có thể cần tiêm phòng vacine, bảo hộ lao động tốt… còn về bổ sung vitamin D và can xi thì về liều lượng, số lần uống trong ngày cũng không quan trọng lắm bạn ạ.

Viêm nấm cadida quá sản mạn tính là gì? Đây là nguyên nhân có thể gây ung thư miệng đúng không bác sĩ ạ? (Lương Trần Thanh Ân, Cà Mau, thanhan.tran@...

Đây là bệnh nhiễm nấm cadida, bệnh lành tính nhưng để lâu không chữa sẽ gây khó chịu, rất ít khi gây K miệng, chưa thấy có nghiên cứu nào đề cập liên quan đến  K miệng cả.

Tôi là nhân viên văn phòng, 5 năm nay thường xuyên đi ngoài phân lỏng, không có khuôn. Trước đây mỗi ngày chỉ đi ngoài một đến 2 lần, khoảng 2 năm nay mỗi ngày đi ngoài 3-5 lần, có khi 6-7 lần, phân rất xấu, có nhầy. Sau khi đi ngoài xong, tôi cảm thấy như có cục thịt thừa ở hậu môn và phải dùng tay nhấn vào. 

Tôi đã đi khám nhiều nơi, bác sĩ kết luận là bị viêm đại tràng mãn tính, trĩ độ 2 và polyp hậu môn. Tôi đã cắt polyp, uống khá nhiều loại thuốc khác nhau nhưng đau bụng vẫn không giảm, vẫn có cục thịt thừa sau khi đi vệ sinh. 

Xin bác sĩ cho biết cách điều trị bệnh đau bụng thường xuyên. Trĩ của tôi có cần phải cắt, điều trị dứt điểm được không? Cảm ơn bác sĩ. ( vietphuongbinhduong1985@... )

Vấn đề viêm đại tràng mạn tính: khám chuyên khoa nội tiêu hóa để được khám và tư vấn điều trị thích hợp

Vấn đề trĩ hay "cục thịt thừa" ở hậu môn: Bạn nên khám chuyên khoa ngoại tiêu hóa hoặc hậu môn trực tràng để bác sĩ chuyên khoa nhận định bất thường đó và tùy theo mức độ để đưa ra phương án can thiệp thích hợp.

Cho em hỏi với gần đây em phát hiện ra ngực phải của em có một cục cứng nhỏ và khi bóp mạnh vào thì thấy đau, và hôm nay em lại có một cục ở gần xương cụt mông ấn mạnh cũng thấy đau. Chương trình tư vấn cho em với. Em lo sợ quá. (Hiền Trần, thuhienprincess998@...)

Theo bạn trao đổi thì đây không rõ kích thước, mật độ, tính chất, di động…nên không thể nói cụ thể được, bạn nên tới khám ở cơ sở y tế gầy nhất để tư vấn cụ thể. Nhưng chắc cũng không có gì nghiêm trọng bạn ạ.

Gần đây em có phát hiện 1 nốt mọc cách hậu môn gần 1cm, to bằng hạt ngô, rắn, biểu hiện không đau, sờ vào thấy hơi kệnh lên. Bình thường không biểu hiện gì, vài hôm thì mụn đó bị ngứa và nổi 1 cục to bằng trứng cá bọc, màu xám và tự vỡ xong thì lại xẹp xuống, cứ 3 đến 5 ngày lại bị như vậy, em xin hỏi bác sĩ, đó là biểu hiện của bệnh gì không ạ?  Vì em nghe nói có bệnh ung thư hậu môn nhưng khởi phát ngoài da, em rất lo lắng. (Phạm Văn Đông)

Em Đông thân mến, theo em nói thì trước tiên em cần chú ý đến vệ sinh vùng hậu môn nhất là sau khi đi cầu, nên rửa bằng nước, có thể mua thước mỡ bôi kèm, không khỏi bạn nên đi khám bs để kiểm tra, chẩn đoán xác định điều trị cho bạn., bạn cũng không nên lo lắng quá.

Xin bác sĩ cho biết, nên tránh tiếp xúc với người mới xạ trị ung thư hậu môn lần thứ 2 trong bao lâu ạ? Vì tôi nghe nói có thể bị nhiễm phóng xạ gì đó. Cảm ơn bác sĩ. ( hoacomuaxuan_qtkd35@... )

Chào bạn, xạ trị ung thư bất ki ở chỗ nào cũng không cần cách li bệnh nhân đâu, những người xung quanh không lo vì bị nhiễm xạ đâu bạn ạ. Chào bạn.

Thưa bác sĩ, được biết củ nghệ là một loại gia vị tốt, có tác dụng ngăn ngừa nhiều loại ung thư. Xin chỉ cho tôi cách dùng nghệ sao cho hiệu quả nhất vì vừa qua tôi đọc trên báo thấy có người ăn bột nghệ mà bị vón cục trong bụng. Tôi bị K dạ dày đã hóa trị và xạ trị xong. Nghệ nên dùng củ tươi kho cá, kho thịt hay là xay thành bột, thành tinh bột nghệ? Vũ Văn Dương, duongtnxp@...

Nghệ có chứa hợp chất chống oxi hóa polyphenol curcumin. Các nghiên cứu quy mô phòng thí nghiệm tế bào và trên mô hình động vật cho thấy hiệu quả của curcumin trong việc ức chế tăng sinh khối tế bào ung thư và có khả năng ngăn ngừa một số loại ung thư.

Tuy nhiên, lượng bột nghệ sử dụng như một gia vị chế biến thực phẩm được xem là an toàn, nhưng với liều lượng cao hơn có thể gây bất lợi cho sức khỏe. Theo JECFA (Ủy ban chuyên gia quốc tế về Phụ gia thực phẩm) và EFSA (Cơ quan an toàn thực phẩm Châu Âu) khuyến nghị lượng curcumin (chế phẩm từ nghệ) an toàn ở mức tối đa 3 mg/kg cân nặng người dùng, nghĩa là nếu bạn 50 kg thì mức tiêu thụ tối đa chỉ nên 150 mg curcumin/ngày (tương đương 5 g bột nghệ/ngày). 

Nghiên cứu lâm sàng cho thấy rằng những người tiêu thụ từ 500 mg cucurmin (tương đương 15 g bột nghệ) trở lên có dấu hiệu tiêu chảy, nhức đầu, ngứa và phân có màu vàng, sử dụng lâu dài thì tăng ALP (tổn thương gan) và LDH máu (tổn thương tế bào).

Việc bột nghệ bị vón cục trong bụng có thể là người này sử dụng bột nghệ quá lượng cho phép.

Các nghiên cứu lâm sàng cũng cho thấy rằng nếu chỉ dùng riêng curcumin qua đường uống thì cũng không đem lại lợi ích sức khỏe vì khả năng hấp thu của curcumin kém, dễ bị đào thải ra bên ngoài, vì vậy, chỉ cần tiêu thụ lượng nhỏ bột nghệ/nghệ tươi (dùng trong nấu nướng thông thường) kết hợp với piperine (chất có trong tiêu đen) có thể giúp tăng khả năng hấp thu của curcumin vào cơ thể lên 2000%. Qua đó, cũng thấy được rằng, việc sử dụng nghệ tươi hoặc bột nghệ để kho cá/thịt cùng với chút xíu tiêu đen là đủ để đem lại lợi ích sức khỏe

Tôi thấy bố trồng rất nhiều cây lược vàng quanh nhà và mỗi ngày lại hái mấy lá vào ăn sống để phòng bệnh ung thư dạ dày. Bố cũng hái cho tôi ăn nhưng tôi không tin loại lá cây này có thể phòng được bệnh. Bác sĩ xin cho lời khuyên ạ. (Trung Chính, Hà Nội)

Cây lược vàng có tên khoa học là Callisia fragrans. Toàn thân cây có chứa các hoạt tính chống oxy hóa như flavonoid, phytosteroid. Tuy nhiên chưa có nghiên cứu khoa học nào kiếm chứng tác dụng của cây lược vàng. Vì vậy, việc sử dụng lá cây như một liệu pháp phòng bệnh ung thư cần được cẩn trọng và không nên lạm dụng

Những loại thuốc dân gian như gừng, nghệ, cỏ mực có thể đẩy lùi K vòm mà không gây đau đớn cho bệnh nhân đúng không ạ? Có thể dùng các thảo dược này thay cho điều trị tây y được không bác sĩ? (Trần Thùy Phương)

Gừng và nghệ là hai loại củ có cùng họ với nhau. Trong gừng có hợp chất 6-Shogaol, và trong củ nghệ có curcumin, là những hợp chất có tác dụng kháng viêm, chống oxy hóa. Các nghiên cứu quy mô phòng thí nghiệm và trên động vật cho thấy khả năng ức chế tế bào ung thư của các hợp chất trên

Cỏ mực có tên khoa học là Eclipta alba, nghiên cứu sử dụng dịch chiết của cây cỏ mực cho thấy có khả năng ức chế sự tăng sinh của tế bào ung thư gan, phổi, và vú

Tuy nhiên, thực tế cho thấy chưa có bất kì nghiên cứu lâm sàng nào chỉ ra việc sử dụng các bài thuốc dân gian từ gừng, nghệ hay cỏ mực có thể thay thế hoàn toàn cho quá trình điều trị tây y. Các nghiên cứu về những loại thảo dược này chỉ được thử nghiệm trên mô hình động vật hoặc phòng thí nghiệm nên chưa thể kết luận có hiệu quả trên người. Vì thế, bạn cần phải tham vấn ý kiến của bác sĩ điều trị để có những liệu pháp phù hợp

Mẹ tôi bị ung thư vòm họng đã điều trị khỏi. Mẹ rất lo bệnh này di truyền sang con cháu nên thường ép chúng tôi ăn uống theo một chế độ rất khắt khe, kiêng khem nhiều thứ, thường xuyên ăn khoai lang, nấm… Xin hỏi như vậy có tác dụng phòng bệnh ung thư vòm họng hay không ạ?

Các yếu tố nguy cơ dẫn tới ung thư vòm họng bao gồm: hút thuốc, uống quá nhiều rượu bia, nhiễm virus HPV và/hoăc EBV, chế độ ăn thiếu lành mạnh và tiền sử gia đình. Vì thế, việc điều chỉnh chế độ ăn uống sao cho điều độ, hợp lý cũng là một cách giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư, cho nên mẹ của bạn lo lắng là hoàn toàn có cơ sở.

Khoai lang chứa nhiều beta-carotene là hợp chất chống oxy hóa, giúp loại bỏ các gốc tự do và giảm nguy cơ ung thư. Tương tự, các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm hoặc nghiên cứu trên chuột cho thấy nấm chứa nhiều hợp chất phenolic có tác dụng chống oxy hóa, hoặc chứa beta-glucan là một loại polysaccharide có hoạt tính kháng viêm, điều hòa hệ miễn dịch.

Tuy nhiên không riêng gì khoai lang và nấm, các loại rau quả và gia vị cũng chứa nhiều các hợp chất chống oxy hóa khác nhau giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư. Vì vậy, cần phải có sự phối hợp của nhiều nhóm thực phẩm khác nhau, đa dạng các loại thực phẩm và phương pháp chế biến mỗi ngày kết hợp với vận động thể chất phù hợp sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh.

Bố em nghe lời người ta mua về rất nhiều xạ đen, hi vọng uống sẽ ổn định đường huyết và hỗ trợ điều trị ung thư. Em rất lo uống thuốc linh tinh sẽ làm tăng men gan, ngộ độc (bố em hiện đang điều trị hóa chất K thực quản), xin bác sĩ cho lời khuyên. (Kiều Nhi, TP.HCM, babysharkkn@...)

Nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy trong xạ đen có chứa 3 chất bao gồm Flanovoid (có tác dụng làm chậm quá trình oxy hóa do các gốc tự do), Saponin Triterpenoid (có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, giảm nguy cơ gây ung thư và ức chế tế bào ung thư phát triển), Quinone (ức chế khối u ác tính). Tuy nhiên trên thế giới, chưa có nghiên cứu về hiệu quả của xạ đen trên người hay động vật. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng để tránh ảnh hưởng đến quá trình điều trị.

Tôi nghe nói các loại trái cây màu vàng như xoài, mít, chuối… có tác dụng rất tốt với người đang điều trị ung thư, điều này có đúng không ạ? (Xuyến Chi, xuyenchile36@...)

Những loại trái cây có màu sắc tươi sáng (vàng, cam) ví dụ như cam, chuối, xoài,… thường chứa nhiều beta-caroten, là một chất tự nhiên có khả năng chống oxy hóa và có khả năng phòng ngừa nhiều loại ung thư. Ngoài ra khi vào cơ thể chúng sẽ chuyển hóa thành vitamin A đảm bảo sự toàn vẹn các tế bào cơ thể.

Các nghiên cứu khoa học hiện nay chỉ cho thấy được khả năng ngăn ngừa ung thư của beta-carotene nhưng chưa thấy được hiệu quả của beta-carotene lên đối tượng đang điều trị ung thư.

Tuy nhiên, vì chúng là nguồn cung cấp tiền chất vitamin A nên chúng cần thiết đối với cơ thể bạn trong quá trình điều trị và hồi phục. Ngoài ra, bạn nên phối hợp đa dạng các loại trái cây, chứ không riêng gì các loại trái cây màu vàng

Vài tháng trở lại đây, tôi đi tiêu có lúc lỏng, lúc thì đặc và khó đi. Mặc dù chế độ ăn uống của tôi rất khoa học (Tôi ăn theo lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng khuyên như nhiều rau xanh, thịt, cá…). Bác sĩ cho tôi hỏi tôi đang bị rối loạn tiêu hóa hay ung thư đại trực tràng? (Tam Cần, 53 tuổi)

Để xác định được chính xác bệnh, bạn cần nội soi đường tiêu hóa để chẩn đoán. Các dấu hiệu ban đề cập đến đều có liên quan tới bệnh lý đại tràng

Thưa bác sĩ, có phải ăn các loại hạt như hạt phỉ, quả óc chó, hạnh nhân… thì có thể phòng ngừa ung thư, đặc biệt là ung thư đại trực tràng không? Chế độ ăn hạt như thế nào là phù hợp? (Hà Thu, TP.HCM)

Các loại hạt chứa nhiều hoạt tính sinh học, bao gồm chất xơ, phytosterols, hợp chất phenolic. Nhiều nghiên cứu cho thấy việc tiêu thụ các loại đậu hạt có thể làm giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên, tiêu thụ quá nhiều có thể gây tăng cân do chúng chứa nhiều năng lượng (160-200 calories/30 g). Vì thế, theo khuyến nghị của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, bạn chỉ nên ăn khoảng 4-5 lần/tuần, mỗi lần 30g. Ngoài ra, bạn nên chọn các loại hạt ít chất béo bão hòa như hạt hồ đào, hạt óc chó, hạt phỉ, hạnh nhân và hạn chế ăn các loại hạt giàu chất béo bão hòa như đậu phộng, hạt điều

* Tôi bị ung thư thực quản. Hiện không muốn điều trị tại bệnh viện nữa. Gia đình tôi tính sẽ điều trị tại nhà bằng phương pháp Đông y kết hợp với dùng thuốc morphin để giảm đau. Thưa bác sĩ, thuốc này mua ngoài thị trường có không ạ? Nếu có thì dùng liều lượng như thế nào? (Phạm Thanh Hiền, Kiên Giang, hienthanh1712@...)

- Chào bạn, không biết bạn đang ung thư giai đoạn mấy, đã phẫu thuật hay hóa xạ chưa mà lại muốn điều trị tại nhà bằng đông y?

Việc dùng Morphin giảm đau không thể tự ý được, phải có chỉ định từ bác sĩ điều trị. Khuyến nghị bạn nên kiên trì tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ đưa ra. Còn đông y thì chỉ có thể có tác dụng hỗ trợ giảm nhẹ, bồi dưỡng tinh thần thôi. Bạn nên lưu ý!

* Bố em bị ung thư thực quản giai đoạn 3, giờ đi xạ trị rồi nhưng ăn uống không được nên bị sút cân rất nhanh. Trước cân nặng 60kg sau khi xạ trị cứ ăn hay uống là bị tắc nghẽn ở cổ, rồi nôn hết nên giờ cân nặng còn 54kg. Hiện thể lực rất yếu, em không biết phải bắt đầu từ đâu và làm như thế nào để giúp bố em chống được bệnh khi đang xạ trị? (Lê Thành Lộc, Bình Dương, mr.thanhloc@ ...)

* Bố mình bị ung thư thực quản giai đoạn 2, đã phẫu thuật vào tháng 10 năm ngoái, hiện ăn uống bình thường nhưng lại di căn đến xương. Bệnh làm bố đau vai rất nhiều. Giờ gia đình không biết làm sao? Mong bác sĩ tư vấn.

- Xin chia sẻ cùng gia đình. Hầu hết người bệnh ung thư thực quản các giai đoạn này đều có hiện tượng suy nhược cơ thể, mệt mỏi triền miên, ăn uống kém, thậm chí chán nản, lo nghĩ và không muốn ăn.

Ngoài việc tuân thủ phác đồ điều trị, tái khám, uống thuốc đều đặn theo căn dặn của bác sĩ, gia đình nên chú ý một số yếu tố sau để hỗ trợ bệnh nhân:

Tinh thần: Bệnh nhân rất cần sự quan tâm, săn sóc tận tình, đúng cách và kiên trì từ người nhà và các bác sĩ trong quá trình điều trị. Đây là động lực rất lớn để bệnh nhân vượt qua mặc cảm, stress, chống chọi với bệnh tật. Lúc này người nhà cần chú ý tới tâm lý của người bệnh, động viên, chia sẻ và an ủi tinh thần người bệnh.

Dinh dưỡng: Với ung thư khu vực thực quản, bệnh nhân không ăn được thực phẩm ở dạng thông thường, vì vậy các thực phẩm cần được xay nhuyễn mềm và mịn, đồng thời khéo léo kết hợp nhiều loại thực phẩm và các sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt nhằm đảm bảo đủ đậm độ năng lượng và vi chất cần thiết, đồng thời phải ngon miệng và hấp dẫn; bổ sung thực phẩm giàu sắt để cải thiện tình trạng thiếu máu. Tránh cho người bệnh ăn những thực phẩm chiên rán, thực phẩm khó tiêu hóa, cứng, rắn. Nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày thành nhiều bữa để cơ thể dễ hấp thụ hơn.

+ Tập luyện: Người bệnh cần chú ý tập luyện, nghỉ ngơi điều độ, tránh lo âu, suy nghĩ quá nhiều mà ảnh hưởng tới sức khỏe.

+ Liệu pháp giảm nhẹ: Liệu pháp giảm nhẹ có thể đối phó với các triệu chứng của bệnh và tác dụng phụ của điều trị ung thư. Ví dụ, người bị ung thư thực quản có thể bị đau do điều trị ung thư hoặc do một khối u đang phát triển. Bác sĩ có thể kiểm soát cơn đau của bạn bằng cách điều trị các nguyên nhân gây ra hoặc bằng thuốc. Các phương pháp có thể là châm cứu, xoa bóp, kỹ thuật thư giãn.

Dưới sự điều trị tích cực và kịp thời, đúng phương pháp, nhiều trường hợp vẫn sống, sinh hoạt bình thường.

* Bố mình ung thư thực quản, đã xạ 42 mũi bao gồm cả hạch di căn thượng đon và thực quản, hóa trị đúng 1 lần thôi. Bố mình đau hết vùng ngực, lưng, 2 sườn, toàn ngồi gập người trên đệm cho hết đau.  6 tháng qua đến nay chỉ ăn được bún, cháo loãng. Thưa bác sĩ, có cách nào làm bố em hết đau không? (Phan Nguyễn Hữu Quân, TP.HCM, quan.phn@...)

- Dựa vào tổng trạng bệnh nhân, có một số liệu pháp giảm nhẹ có thể đối phó với các triệu chứng của bệnh và tác dụng phụ của điều trị ung thư. Ví dụ, người bị ung thư thực quản có thể bị đau do điều trị ung thư hoặc do một khối u đang phát triển. Bác sĩ có thể kiểm soát cơn đau của bạn bằng cách điều trị các nguyên nhân gây ra bằng thuốc hoặc 1 số phương pháp (bổ trợ) có thể là châm cứu, xoa bóp, kỹ thuật thư giãn.

* Chào bác sĩ. Hôm nay em đưa chồng em đến bệnh viện khám sau 3 lần vô hóa trị ung thư thực quản. May mắn thay, những lần vô trước thì chồng em khỏe, ăn uống bình thường. Thưa bác sĩ, những lần vô sau này thì có ảnh hưởng đến ăn uống, sinh hoạt gì không? Chồng em cần chuẩn bị để hạn chế nỗi đau ung thư gây ra? (Bùi Thị Lệ Hồng, TP.HCM, lehong_a12@...)

- Chào bạn, chúc mừng chồng bạn đã vượt qua 3 lần hóa trị. Cần phải xem loại hóa chất, liều lượng hóa chất của những lần tiếp theo là thế nào, có khác biệt hay tăng liều lượng hay không?

Có 2 điều bệnh nhân cần chuẩn bị: một là sức đề kháng phải đủ mạnh, nên ăn uống đầy đủ dinh dưỡng; hai là tinh thần phải lạc quan thoải mái, người nhà hỗ trợ động viên bệnh nhân thêm nhé! 

* Thưa bác sĩ, cho em hỏi về xuất huyết dạ dày ạ. Bố em bị xuất huyết dạ dày, đi cầu ra máu tươi, sau khi đi bệnh viện được chẩn đoán loét dạ dày cấp, điều trị hơn 1 tháng, nội soi lại thì bác sĩ bảo có HP phải diệt. Xin hỏi bác sĩ bố em cần test ung thư luôn hay điều trị trước ạ ( Huyền Phạm)

- Nội soi là một trong những xét nghiệm chính giúp chẩn đoán, điều trị những tổn thương tiền ung thư và ung thư. Vì vậy, nếu lúc nội soi bác sĩ tìm ra những tổn thương nghi ngờ họ sẽ sinh thiết và tư vấn kết quả cho bệnh nhân. Bạn nên trao đổi kĩ với bác sĩ điều trị về kết quả nội soi của người thân

* Tôi thường ợ hơi rất to, khoảng 7 năm nay rồi, và ợ hơi dài làm tôi rất ngại với mọi người xung quanh. Khi tôi nói chuyện nhiều thì không bị nhưng hôm nào ít nói thì bị. Bao tử tôi bị loét và đã điều trị lành nhưng hiện nay ợ hơi vẫn rất nhiều. Tôi đã đi khám và điều trị nhiều nơi nhưng không khỏi. Bác sĩ cho tôi hỏi vì sao tôi ợ hơi nhiều như vậy và có liên quan gì đến bao tử không? Nó có nguy cơ gì về các căn bệnh đường tiêu hóa không? Xin cảm ơn (Lê Quang Minh)

- Ợ hơi là biểu hiện bất thường của đường tiêu hóa trên. Vì vậy khi có triệu chứng này bạn nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để thăm khám, cũng như đưa ra những cận lâm sàng phù hợp để tìm ra nguyên nhân.

* Thưa bác sỹ, xin bác sỹ cho biết làm thế nào để làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày? Và em có nghe nói xét nghiệm Gene di truyền cũng biết được mắc bệnh ung thư có đúng không? Trên thị trường hiện nay có đơn vị nào uy tín thực hiện dịch vụ xét nghiệm này? (Nhi Nguyễn)

- Bạn có thể thực hiện các bước để giảm nguy cơ ung thư dạ dày bằng cách thay đổi chút ít cuộc sống hàng ngày của bạn. Ví dụ, cố gắng: Ăn nhiều trái cây và rau quả. Chọn nhiều loại trái cây và rau quả nhiều màu sắc; Giảm lượng thức ăn mặn và xông khói; Bỏ thuốc lá nếu bạn hút thuốc, bỏ thuốc lá. Hút thuốc làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày, cũng như nhiều loại ung thư khác. Duy trì một cân nặng phù hợp và tập thói quen tập thể dục.

* Bác sĩ vui lòng cho biết việc truyền hóa chất diễn ra trong bao lâu đối với bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn 2 (theo chẩn đoán của bác sĩ điều trị)? Bệnh nhân sẽ cảm thấy như thế nào khi vào hóa chất? (Thanh Khuyên, Lâm Đồng, thanh.khuyen88@...)

- Với từng trường hợp khác nhau thì việc truyền hóa chất cũng khác nhau như liều lượng, loại hóa chất được truyền...nên thời gian truyền và tác dụng phụ cũng sẽ khác nhau. Thời gian có thể từ 3,4 tiếng đến hết 1 buổi tùy loại và liều lượng thuốc.

Chắc chắn người bệnh ung thư nào cũng lo sợ việc truyền hóa chất bởi nhiều tác dụng phụ không mong muốn như mệt mỏi, nôn nói, rụng tóc, đau đớn...Nên chuẩn bị tinh thần và tăng cường sức đề kháng cho bệnh nhân bằng dinh dưỡng trước khi truyền thuốc.

* Mẹ tôi bị ung thư dạ dày và sắp tới phải truyền hóa chất. Bác sĩ cho hỏi, truyền hóa chất cho bệnh nhân ung thư có tác dụng gì? Hóa chất này hoạt động như thế nào? (Mai Khôi, Đà Lạt, maithikhoi@...)

- Về cơ bản, hóa trị là sử dụng hóa chất gây độc lên những tế bào sinh sản nhanh, trong đó có ung thư. Tùy theo thể trạng, cơ địa mà hóa trị gây nên những tác động khác nhau cho từng người bệnh.  Trong quá trình gây độc này, các tế bào máu, hệ miễn dịch cũng chịu tác động mạnh làm bệnh nhân suy yếu. Do đó, để bệnh nhân vượt qua "ải hóa trị" một cách ít đau đớn nhất, ngoài việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, sự hỗ trợ từ người thân giúp nâng cao thể trạng và tâm lý cho bệnh nhân là vô cùng quan trọng.

Báo Tuổi Trẻ phối hợp Bệnh viện Quốc Tế Mỹ (AIH) tổ chức chương trình tư vấn điều trị ung thư đường tiêu hóa từ ngày 2-4 đến 15-5.

Bạn đọc có thắc mắc về ung thư đường tiêu hóa (miệng, thực quản, dạ dày, ruột, hậu môn...) hay cách ăn uống cho bệnh nhân bị ung thư đường tiêu hóa, có thể gửi câu hỏi về email [email protected] hoặc điền câu hỏi ở đây.

500 bạn đọc gửi câu hỏi sớm nhất sẽ được tặng thẻ ưu đãi gồm 1 lần khám bệnh miễn phí, trị giá 690.000 đồng và giảm 5% phí dịch vụ lẻ tiếp theo tại Bệnh viện Quốc Tế Mỹ AIH (Q.2, TP.HCM).

Bạn đọc gửi câu hỏi vui lòng để lại thông tin họ tên, email, điện thoại liên lạc hoặc địa chỉ để nhận được quà từ chương trình.

Hỏi về ung thư dạ dày, đại tràng..., được khám bệnh miễn phí

TTO - Loại ung thư nào hay gặp ở đường tiêu hóa? Phương pháp điều trị ra sao? Chế độ dinh dưỡng trong điều trị ung thư thế nào? ... sẽ được chuyên gia, bác sĩ giải đáp trên tuoitre.vn.

MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp