18/07/2014 14:28 GMT+7

Lập nghiệp với một nghề

        LÊ VÂN
        LÊ VÂN

TTO - Có muôn lối vào đời đâu chỉ là phải bước qua ngưỡng cửa ĐH. Có những con đường vào đời còn có nghĩa là đồng hành cùng nỗi vất vả của mẹ, nhọc nhằn của cha... Những học trò nhận học bổng Nhất nghệ tinh 2014 đã chọn cho mình lối đi đó: vừa học vừa làm để lập thân nhưng vẫn phụ giúp gia đình.

Học bổng Nhất nghệ tinh thuộc chương trình “Vì ngày mai phát triển” lần 370 của báo Tuổi Trẻ. Năm nay học bổng trao cho 200 học sinh nghèo vượt khó tại 7 tỉnh thành Đông Nam Bộ, mỗi suất học bổng trị giá 5 triệu đồng.

RntWUMnD.jpgPhóng to
Ông Vũ Văn Bình - Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ trao quà lưu niệm cho nhà tài trợ và các đơn vị phối hợp thực hiện chương trình - Ảnh: Quang Định
ughI1Md0.jpg
Bạn Nguyễn Thị Huyền My, sinh viên Trường Trung cấp Y Dược Hồng Đức xúc động khi kể câu chuyện hoàn cảnh gia đình mình - Ảnh: Quang Định

Chắt chiu cho học sinh nghèo

Sáng 18-7, 200 học sinh nghề tại 7 tỉnh thành Đông Nam Bộ đã có mặt tại Nhà văn hoá Thanh niên, TP.HCM nhận học bổng Nhất nghệ tinh.

Ông Vũ Văn Bình, Phó TBT báo Tuổi Trẻ- đại diện ban tổ chức chia sẻ: “Bước vào mùa khai giảng năm học mới, nhiều cổng trường ĐH CĐ trong cả nước đang mở rộng đón hàng triệu học sinh, sinh viên đến với giảng đường. Nhưng bên cạnh đó cũng có hàng ngàn bạn trẻ ở các làng quê nghèo, vùng sâu, vùng xa và ngay cả các đô thị lớn vẫn canh cánh nỗi lo túng thiếu khi thực hiện mơ ước học một nghề cho tương lai. Đó là lí do mà học bổng Nhất nghệ tinh ra đời năm 2009 và vẫn tiếp tục được duy trì tới hôm nay.”

Ông Vũ Duy Hải, chủ tịch HĐQT công ty Vina Cam (đại diện cho các nhà tài trợ Học bổng) dí dỏm nói Quỹ học bổng giống như Quỹ “bình ổn giá” trước cơn lốc khó khăn của kinh tế hiện tại. Ông Hải khiến nhiều người xúc động khi kể về câu chuyện một nhân viên công ty ở huyện Hóc Môn của công ty ông chắt chiu từng đồng để lo cho gia đình ngoài giờ làm bằng việc công dép vào ban đêm nhưng năm nào cũng đóng góp cho Quỹ.

Tấm lòng ấy chính là tâm trạng chung của những nhà tài trợ khi hướng về một lớp thợ lành nghề hữu ích cho đất nước trong tương lai, ông Hải đúc kết.

Bước vào năm Năm thứ 6, Quỹ học bổng Nhất nghệ tinh do giải Golf gây Quỹ Tiếp sức đến trường ngày càng có thêm nhiều mạnh thường quân tham gia. Ông Hải bộc bạch: “Số tiền học bổng tuy không nhiều nhưng chúng tôi hy vọng đó sẽ là cú hích quan trọng để đẩy một thế hệ trẻ lên đỉnh dốc của thành công trong tương lai. Chúng tôi cũng biểu dương, khen ngợi sự lựa chọn thông minh của các bạn trẻ khi chọn cánh cửa trường nghề để học giỏi một nghề mà lập nghiệp. Nó góp phần tạo nên một thế hệ công nhân mới có tri thức và lành nghề đóng góp cho sự phồn vinh của đất nước.”.

wwnDXW4a.jpg
Ông Vũ Duy Hải - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Vinacam, đại diện Giải Gôn gây quỹ Tiếp sức đến trường trao học bổng cho các sinh viên tại buổi lễ - Ảnh: Quang Định
CZXnqvZp.jpg
Cô Nguyễn Thị Lý - Hiệu trường Trường Cao đăng Công nghệ Thủ Đức trao học bổng cho các sinh viên tại buổi lễ - Ảnh: Quang Định

Vượt khó rèn nghề để lập thân

Phần giao lưu với hai hoàn cảnh tiêu biểu trong Lễ trao học bổng Nhất nghệ tinh khiến nhiều người tham dự xúc động. Bởi bên cạnh ý chí học tập của các bạn trẻ còn là cách mà họ vượt qua khó khăn. Hai cô gái nhỏ nhắn Nguyễn Thị Huyền My và Trần Ngọc Mỹ xúc động khi kể về câu chuyện gia đình. Trần Ngọc Mỹ học sinh trường Cao đẳng nghề du lịch Vũng Tàu khiến bạn bè khâm phục về ý chí vượt khó cùng gia đình.

Lúc nhỏ, Mỹ vốn được sống trong gia đình kinh tế khá nhưng do em trai bị bệnh, cha mẹ phải dồn sức chữa trị nên cuối cùng nhà cửa phải bán hết, bản thân Mỹ suýt phải nghỉ học năm lớp 9. Nhưng không đầu hàng số phận, Mỹ quyết tâm vừa học vừa làm để phụ giúp gia đình. Mới hơn 60 tuổi nhưng bà Lê Thị Nga, mẹ của Mỹ đã già yếu nhiều so với tuổi vì làm lụng quá sức. Ngày ngày, bà đạp xe hàng chục cây số đi bán vé số mà cũng chỉ được 100 ngàn đồng. Gánh nặng gia đình dồn lên vai người mẹ lẽ ra phải được nghỉ ngơi ở tuổi ngoài 60 khi bà cùng lúc phải nuôi cậu con trai bị tâm thần và hai đứa cháu nội bị cha mẹ bỏ rơi.

Còn với cô dược sĩ tương lai Nguyễn Thị Huyền My thì hành trình trọ học ở Sài Gòn gắn liền với quang gánh tảo tần của người mẹ. Mẹ của Huyền My đã vào Sài Gòn 20 năm mưu sinh, gửi những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi nước mắt từ gánh tàu hũ rong ruổi khắp đường phố. Nhắc đến mẹ là Huyền My không nén được xúc động, đó có lẽ là động lực lớn lao để My sắp hoàn thành chương trình học Dược sĩ, tìm công việc ổn định giúp cha mẹ bớt cực khổ.

a0ksXmiB.jpg
Các bạn sinh viên chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tại buổi lễ trao học bổng - Ảnh: Quang Định
gBY3jMtF.jpg
Sinh viên Phạm Văn Qúy, Trường Trung cấp Bến Thành ngành Công nghệ thông tin phải nhờ bạn của mình cõng lên sân khấu nhận học bổng - Ảnh: Quang Định

Hàng năm, cứ đến muà tuyển sinh ĐH - CĐ là hàng triệu học sinh cùng cha mẹ nô nức đi thi, hòng mong được bước vào một cánh cổng ĐH làm rạng danh dòng họ. Rất ít bạn trẻ trong số ấy chọn cho mình con đương học nghề khi những cánh cửa trường nghề luôn rộng mở. Theo thống kê của Bộ LĐTBXH, chỉ có khoảng 10% học sinh sau khi tốt nghiệp Phổ thông chọn học nghề lập thân. Có thể với những học trò được nhận học bổng Nhất nghệ tinh do hoàn cảnh khó khăn không cho phép họ mơ về một ngôi trường ĐH để tiếp tục dùi mài tri thức. Nhưng tin rằng, với nỗ lực và sự lựa chọn sát sườn cuộc sống, tương lai sẽ tươi sáng với các bạn trẻ này khi nhu cầu về người lao động có tay nghề cao ngày càng bức thiết ở bất kỳ doanh nghiệp nào.

Hình ảnh cậu học trò - công nhân Bùi Quốc Hưng ở Củ Chi lên nhận học bổng hôm nay khiến chúng tôi càng tin vào điều đó. Hưng được thầy phụ trách dẫn lên nhận học bổng trong bộ đồng phục của trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn. Thầy phụ trách của Hưng kể: “Đi nhận học bổng mà em mang dép, tôi phải nhắc em mượn bạn đôi giày mang vào đấy”. Và cậu học trò nghèo của chúng tôi lần đầu ngượng ngịu đôi chút trong đôi giày ba ta chạy bộ của bạn. Hưng ngại ngùng bảo: “Xưa giờ em có đi giày bao giờ đâu, đi học với đi làm toàn đi dép không à”. Mộc mạc là thế nhưng phía sau câu chuyện về đôi giày của Hưng là một ước mơ đẹp thành thầy thuốc trong tương lai.

Tin rằng, từ đôi chân mang đôi giày tuềnh toàng hôm nay, nhiều bạn trẻ khác nhận học bổng Nhất nghệ tinh với niềm tin và hoài bão sẽ tự tin ghi lại dấu chân thành đạt của chính mình trong tương lai.

        LÊ VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp