Mô hình nuôi giun quế của Trúc là rất mới tại địa phương, đem lại hiệu quả cao. Trúc là một thanh niên trẻ, có chí hướng làm ăn, dám nghĩ dám làm, kiên trì không ngại khó, lại nhiệt tình truyền kinh nghiệm cho người khác. Thật là đáng trân quý |
Ông NGÔ TẤN CƠ (phó chủ tịch Hội nông dân xã Bình Tú) |
Gặp Trúc trong trang trại của mình khi anh đang lụi hụi múc phân cho hàng tấn giun giống ăn, mình lấm lem bụi đất. “Ngày nào cũng ở trang trại tiếp xúc toàn với giun, phân bò, phân trâu... nên quen rồi, có chi mô” - Trúc quệt mồ hôi, nhoẻn miệng cười.
“Mày đem đống phân về quê làm chi”
Khi Trúc vừa học hết lớp 9, cha anh bị tai biến nằm liệt giường. “Từ đó, gia đình nợ nần chồng chất, thằng Trúc phải nghỉ học, đi làm phụ tôi nuôi cha và bốn đứa em nhỏ dại” - bà Huỳnh Thị Nhân (61 tuổi, mẹ Trúc) nghẹn ngào nhớ lại.
Sau thời gian làm thuê ở quê, đến năm 2006 Trúc vác balô vào TP.HCM kiếm việc khác. Nhiều lần Trúc xuống chơi tại các trang trại nuôi giun quế ở Củ Chi và rất thích thú. “Thời điểm này phong trào nuôi giun quế nở rộ ở miền Nam, còn quê mình thì chưa có” - Trúc kể.
Sau khi tích cóp được một ít vốn, Trúc trở về quê với 10kg giun giống mua ở Củ Chi. “Thấy nó cầm một bao phân bò chứa giun, tôi mới la: Mày đem đống phân ấy về làm chi cho nhớp nhà? Mới đầu tui khuyên can, sau thấy nó kiên trì nên kệ” - bà Nhân cười.
Trúc bắt đầu mở một trại rộng chừng vài chục mét vuông trong vườn nhà nuôi giun quế để làm thức ăn cho đàn gà, vịt, cá. Nhưng dần dà khi thấy ở Quảng Nam thị trường tiêu thụ giun quế tăng mạnh, anh mới “liều” đầu tư vốn mở rộng trang trại, thu mua thức ăn cho giun.
Sản phẩm giun quế thịt ở trang trải của Trúc không đủ cung cấp thị trường ở Quảng Nam. Ảnh: LÊ TRUNG |
“Càng nuôi càng thấy giun quế phù hợp với nhiệt độ nơi đây. Thức ăn của giun cũng dễ tìm như: phân gia súc, gia cầm, rác, rau quả... Con giun dễ sống, ít bệnh nên dễ nuôi hơn những loài khác” - Trúc kể.
Mở rộng quy mô
Hiện trang trại của anh có ba khu nuôi gồm: khu giun giống, giun thịt và phân giun. Anh đầu tư thêm một hệ thống phun sương để giữ ẩm chuồng trại và các máy xay xát cây cối, rau quả.
Trên thị trường, mỗi ký phân giun có giá từ 3.000-5.000 đồng, giun giống 10.000-20.000 đồng/kg, giun thịt 50.000-100.000 đồng/kg. Giun giống nuôi chừng 1,5-2 tháng là có thể bán được, còn giun thịt và phân giun Trúc cho biết có thể bán quanh năm.
Trúc cho rằng nuôi giun không khó lắm, cơ bản phải đảm bảo nhiệt độ thích hợp từ 20-28 độ C, tưới nước, giữ ẩm chuồng trại thường xuyên. Cái khó nhất là đảm bảo thức ăn vì giun ăn phân gia súc, gia cầm nhưng nguồn thức ăn này ngày càng hạn hẹp.
Anh phải đến nhiều địa bàn trong tỉnh để thu mua phân về nuôi giun. Không chỉ chăm lo trang trại của mình, anh còn có khoảng 20 trại giun vệ tinh khác trong toàn tỉnh. Anh cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật nuôi và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các trại.
Anh Lê Văn Công (35 tuổi, quê xã Bình Chánh, huyện Thăng Bình) - chủ một trại giun quế vệ tinh - bảo rằng Trúc không ngần ngại chỉ vẽ bí quyết, kinh nghiệm nuôi giun quế cho mọi người. “Trúc là người trẻ đầy nhiệt huyết, kiên trì với con đường mình chọn nên anh em cũng học hỏi nhiều từ cậu ấy” - anh Công tâm sự.
Phụ mẹ trả hết nợ Mỗi năm trang trại của anh xuất bán hàng tấn giun thịt, giống và phân giun, chủ yếu cung cấp ở địa bàn Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình và các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có năm đại lý lâu dài. Trung bình mỗi năm trang trại của anh thu lãi 180-200 triệu đồng. Ngoài ra anh còn kiếm thêm thu nhập từ việc bán heo, gà, vịt, cá, rau... Nhờ nuôi giun quế, đến nay Trúc đã phụ mẹ trả hết nợ, ổn định thu nhập, nuôi sống cả nhà. Trúc còn lập một trang web Trùn quế Quảng Nam, thường xuyên cập nhật video, hình ảnh, bài viết về kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi giun quế chia sẻ với mọi người. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận