Việc khoan băng để lấy mẫu đã bắt đầu từ ngày 15-8 và sẽ kết thúc vào đầu tháng 9 tới. Có 24 quốc gia tham gia dự án này và việc quản lý cơ sở lưu trữ các mẫu băng vẫn còn đang trong giai đoạn thiết lập, có thể sẽ đặt dưới sự bảo trợ của UNESCO hoặc Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc.
Theo kế hoạch, các nhà khoa học sẽ trích xuất một khối băng có độ dài 130 m trong khối núi ở độ cao 4.300 m. Mẫu băng này sau đó sẽ được gửi tới Nam Cực để lưu giữ ở nhiệt độ -54 độ C, trong điều kiện tránh các tác động của hiện tượng trái đất nóng lên.
Ông Jerome Chappellaz, Giám đốc Nghiên cứu tại Phòng Thí nghiệm băng hà học và địa vật lý môi trường tại Đại học Grenoble Alpes (Pháp) cho biết từ những năm 2000, các nhà khoa học đã ấp ủ ý tưởng thành lập một ngân hàng lưu trữ các “nguyên liệu” phục vụ các chương trình nghiên cứu trong tương lai.
Trong khi đó, hiện tượng trái đất nóng lên đang tác động lớn tới các vùng băng hà, nơi chứa đựng những cơ sở dữ liệu về khí hậu và môi trường. Vì vậy, giới khoa học phải kịp thời lưu giữ những mẫu băng cho tương lai. Mỗi lớp băng tuyết cung cấp những thông tin về quá trình thay đổi của khí hậu, thành phần không khí cũng như những thông tin về virus hoặc vi khuẩn. Trong tương lai, các nhà khoa học có thể nghiên cứu sự tiến hóa của toàn bộ nhiễm sắc thể của một loại virus hoặc xem xét những ý tưởng mà hiện nay khoa học còn chưa tính đến.
Dự kiến, việc lấy mẫu băng tiếp theo sẽ được tiến hành tại Illimani - một trong các đỉnh núi cao nhất của Bolivia, ở độ cao 6.300 m. Mẫu băng này sẽ cho những thông tin liên quan tới thời kỳ lạnh giá gần đây nhất mà trái đất từng biết cách đây 20.000 năm. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng dự định sẽ thu thập mẫu băng tại Thụy Sĩ.
Nhóm tác giả của dự án "ngân hàng" băng đặc biệt này nhấn mạnh họ sẽ tiến hành thu thập các mẫu băng mang tính đại diện nhất trên toàn trái đất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận